Trách nhiệm với nhân dân-Bài 4: Chuyện chị Nhanh bản Còi Đá

  • 06:37 | Thứ Ba, 10/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nghỉ học lấy chồng khi còn dang dở cấp 3, những tưởng cuộc đời của cô gái bản Còi Đá Hồ Thị Nhanh (SN 1981, xã Ngân Thủy, Lệ Thủy) sẽ quẩn quanh nơi góc bản với đàn con thơ và công việc đồng áng, chăn nuôi như bao phụ nữ Bru-Vân Kiều khác sau khi lập gia đình. Nhưng với nghị lực và ý chí vươn lên, chị Nhanh vừa tích cực tham gia công tác xã hội, vừa đi học thêm cái chữ, rồi tốt nghiệp đại học sau bao khó khăn, thử thách. Và nay, đúng như nguyện ước, chị trở thành đại biểu HĐND xã Ngân Thủy, là “cầu nối” giữa bà con dân bản và chính quyền địa phương.
 
 
 
 
Nhớ về hành trình này, chị Hồ Thị Nhanh không khỏi xúc động. Sinh ra trong gia đình Bru-Vân Kiều nghèo khó, đông con lại ở một trong những bản khó khăn của xã miền núi Ngân Thủy, chị trải qua thời thơ ấu thiếu thốn, vất vả đủ bề. Nhưng ngay từ nhỏ chị đã rất ham học và nung nấu ý chí thoát nghèo bởi “chỉ có biết con chữ, thì mới giúp được mình, giúp được gia đình, giúp được dân bản”.
 
Ròng rã theo con chữ suốt mấy năm trời, chị luôn cố gắng nghe lời thầy, cô giáo, học hành nghiêm túc và đậu vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Tưởng rằng “giấc mơ” năm nào có cơ hội thành hiện thực nhưng do gia đình khó khăn, lại thêm nhiều nguyên nhân khác, sự nghiệp học tập của cô gái Bru-Vân Kiều bản Còi Đá đành tạm gác lại khi mới ở lớp 11.
 
Lấy chồng, sinh con, “cánh cửa” học tập dường như khép lại, chị cứ nghĩ mình sẽ như các bà, các mẹ trong bản, quẩn quanh với công việc nội trợ, đồng áng… Nhưng âm ỉ trong chị vẫn còn đó “ngọn lửa” đam mê học tập, cống hiến cho cộng đồng dân bản. Được sự động viên của chồng và gia đình, chị tích cực tham gia các hoạt động của chi hội phụ nữ bản, xông xáo, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ. Sau đó, chị Nhanh được chị em tin tưởng chọn làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Còi Đá. Thời gian này, chị cố gắng hoàn thành tấm bằng THPT còn dang dở qua các lớp bổ túc.
Chị Hồ Thị Nhanh (bìa trái) trao đổi, chia sẻ với bà con bản Km14 (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy).
Chị Hồ Thị Nhanh (bìa trái) trao đổi, chia sẻ với bà con bản Km14 (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy).
Miệt mài phấn đấu, chị được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, rồi Chủ tịch Hội LHPN xã Ngân Thủy. Chị cũng không quên nhiệm vụ học tập, trau dồi kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng khi quyết tâm học “để lấy được tấm bằng đại học chuyên ngành nông nghiệp”. Năm 2020, chị là Phó Chủ tịch HĐND xã và năm 2021 là Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Ngân Thủy cho đến nay. Những thành tích viết ra tuy ngắn gọn, nhưng đó là cả hành trình dài, nhiều khó khăn, thử thách mà chị đã dành rất nhiều thời gian, công sức, tâm huyết để vượt qua.
 
“Thời điểm đó, con cái còn nhỏ dại, đời sống kinh tế gia đình khó khăn, đồng lương còn ít ỏi nhưng tôi vẫn nỗ lực, cố gắng, vừa hoàn thành việc học, vừa chu toàn công việc được giao, lại chăm lo gia đình, dạy dỗ, chăm sóc các con. Nhìn lại, cũng không biết từ đâu mình có ý chí và nghị lực lớn đến vậy”, chị Nhanh bộc bạch.
 
“Vậy, niềm vui lớn nhất trong công việc của chị là gì?”, “Là được đại diện cho bà con dân bản, là “cầu nối” giữa người dân và chính quyền địa phương, để cuộc sống của người Bru-Vân Kiều ngày càng tốt đẹp, ấm no hơn”, chị Hồ Thị Nhanh hồ hởi chia sẻ. Thành công đầu tiên của chị là vận động chị em trong bản Còi Đá từ bỏ hút thuốc lá. Đó là cả một quá trình dài vất vả tuyên truyền, vận động và chị phải làm “cho bằng được trước hết”. Chị kể, bỏ thói quen “ăn vào máu” bấy lâu nay cũng khó lắm nhưng vì sức khỏe và làm gương cho chị em trong bản, cuối cùng chị cũng bỏ được thuốc lá và vận động chị em làm theo. Đến nay, số lượng phụ nữ trong bản hút thuốc lá đã giảm hẳn, tín hiệu vui là chị em ở các bản khác trong xã cũng làm theo, nhờ đó, khói thuốc vắng bóng hơn ở các góc nhà sàn.
 
Là đại biểu HĐND xã từ năm 2016 đến nay, trong đó có gần 1 năm là Phó Chủ tịch HĐND xã Ngân Thủy, chị Nhanh đã đi sâu, đi sát thực tiễn, nắm bắt tình cảm, chia sẻ của bà con và là “cầu nối” đưa tâm tư, nguyện vọng của dân bản đến các cấp thẩm quyền. Đồng thời, chị cũng nỗ lực truyền đạt, trả lời các kiến nghị của cử tri, vận động bà con làm theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, lao động...
 
Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy Nguyễn Văn Hùng cho biết, chị Hồ Thị Nhanh là một đại biểu HĐND xã năng nổ, nhiệt tình trong công tác chuyên môn và đi sâu, đi sát với bà con dân bản nên hộ gia đình khó khăn nào chị Nhanh cũng nắm rõ. Là người dân tộc thiểu số, chị Hồ Thị Nhanh luôn nỗ lực nắm bắt, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ những mô hình sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn. Vừa qua, chị được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen với những thành tích đóng góp xuất sắc trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

“Phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng bà con bởi trách nhiệm của người đại biểu nhân dân rất nặng nề, bà con trông chờ cả vào mình”, chị Hồ Thị Nhanh chia sẻ. Chị kể, chị đã đi hết các bản xa xôi của xã Ngân Thủy và luôn đau đáu giúp người dân tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, yên tâm lao động sản xuất, làm giàu cho quê hương. Đi nhiều, hiểu rõ, chị mong mỏi làm sao để dân bản thoát nghèo, không còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Nổi bật, chị đề xuất chuyển những vùng đất kém hiệu quả sang trồng hoa màu phù hợp, mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, chị cùng Mặt trận xã đề xuất những con giống phù hợp với môi trường chăn nuôi, thói quen sản xuất của dân bản thay vì những vật nuôi truyền thống chưa phù hợp trước đây.

Người dân ở các bản Còi Đá, Km14 và Khe Sung bấy lâu nay đều trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt dù đã được hỗ trợ giếng khoan. Nhiều kiến nghị, đề xuất của bà con được gửi đến đại biểu HĐND xã. Hiểu rõ khó khăn này của bà con, 5 năm qua, chị Nhanh cùng Mặt trận xã và các tổ chức thành viên, UBND xã phối hợp vận động các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ bà con các giếng nước, như: Bản Còi Đá có 2 giếng, bản Km14: 3 giếng và bản Khe Sung: 3 giếng. Vẫn còn những tâm tư, nguyện vọng của bà con mà chị Nhanh trăn trở chưa thể giúp giải quyết hết nhưng chị hiểu, trong hành trình này, chị vẫn tiếp tục kiên trì, nhẫn nại, không ngại vất vả, khó khăn.
 
Để bà con tin tưởng và chia sẻ, chị phải “đi đầu” làm gương trong mọi việc. Riêng về phát triển kinh tế gia đình, tranh thủ thứ 7, chủ nhật, chị bận rộn với công việc đồng áng, trồng rừng, chăn nuôi lợn, gà. Đặc biệt, mô hình trồng rừng keo, tràm của chị đã tăng lên 10ha mang lại thu nhập ổn định. Chị kể, chị có tiền đi học cũng từ đó mà ra. Ban đầu, hai vợ chồng chỉ làm nhỏ từ 1-2ha, rồi sau đó diện tích trồng keo được mở rộng dần. Chị vui lắm vì bà con trong bản Còi Đá thấy anh chị làm được cũng tích cực làm theo… Chồng chị là anh Hồ Văn Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận bản Còi Đá đã đồng hành ủng hộ, chia sẻ và động viên vợ trong tất cả mọi công việc.
Mai Nhân
>>> Bài cuối: “Cầu nối”của đoàn viên, cử tri

tin liên quan

Chiến khu xưa ngày mới

(QBĐT) - Tự hào truyền thống hào hùng của vùng đất chiến khu xưa, bằng sự đoàn kết thống nhất một lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) đồng cam cộng khổ, nỗ lực hết mình để dựng xây quê hương ngày càng ấm no, khởi sắc...

Nỗ lực chăm lo cuộc sống người dân theo di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ "luôn vì nước, vì dân, phấn đấu, hy sinh cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc, chăm lo đời sống tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và góp phần vào sự tiến bộ của nhân loại".

Khi thẩm quyền người đứng đầu chưa gắn liền trách nhiệm-Bài 2: Việc trong "tầm tay", loay hoay né tránh

(QBĐT) - Nhìn nhận, đánh giá lại một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài được lãnh đạo, người đứng đầu cấp tỉnh chỉ đạo tháo gỡ trong thời gian qua cho thấy, vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu và cấp có thẩm quyền trong giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân vẫn còn là "điểm nghẽn" cần nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận và chấn chỉnh, khắc phục.