Những "hạt giống" dám nghĩ... dám làm!

  • 06:59 | Chủ Nhật, 08/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Việc gì khó, có cơ sở”, câu nói nửa đùa nửa thật tôi từng nghe qua những chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” dành cho đội ngũ cán bộ thôn, bản, trong đó có những người làm công tác Mặt trận (CTMT). Ở cơ sở “trăm dâu đổ đầu tằm”... vì vậy, cán bộ Mặt trận cơ sở luôn tiên phong, gương mẫu, vượt khó, nhiều cách làm hay, sáng tạo trong mọi phong trào.
 
Cái bụng no... dân mới tin
 
Đến bản biên giới Dốc Mây, xã Trường Sơn (Quảng Ninh), ngôi nhà sàn nào to nhất, đẹp nhất bản, đó là nhà của Trưởng ban CTMT Hồ Thị Bưởi (SN 1984). Đảm nhận vị trí Trưởng ban CTMT từ năm 2022, chị Hồ Thị Bưởi bây giờ vẫn chưa tin mình làm cán bộ được, không những làm được mà làm rất tốt, dân bản tin tưởng, ủng hộ. Chị Bưởi thật lòng: “Nhờ sự động viên của Bộ đội Biên phòng Đồn Làng Mô, của lãnh đạo xã Trường Sơn và dân bản... nên giờ quen rồi”.
 
Chị Hồ Thị Bưởi tâm sự: “Bản Dốc Mây có 22 hộ, gần 100 nhân khẩu đồng bào Bru-Vân Kiều. Là một trong những bản xa xôi nhất, khó khăn nhất của xã Trường Sơn với nhiều cái thiếu: Thiếu đường, thiếu điện, thiếu tư liệu sản xuất... nên đời sống bà con hết sức khó khăn, nhất là vấn đề lương thực. Có những thời điểm giáp hạt, bản Dốc Mây hết gạo. Lo cho bà con, cái chân phải đi. Mình cắt rừng ra xã xin hỗ trợ gạo. Rồi gạo Nhà nước đưa vào bản, gạo từ các nguồn hảo tâm giúp thêm. Dốc Mây vượt qua mùa giáp hạt, dần ổn định cuộc sống”.
Chị Hồ Thị Bưởi (áo đen), Trưởng ban công tác Mặt trận bản Dốc Mây, xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
Chị Hồ Thị Bưởi (áo đen), Trưởng ban công tác Mặt trận bản Dốc Mây, xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
“Cái bụng đồng bào no... bà con mới tin lời cán bộ tuyên truyền, vận động. Thành công nhất ở Dốc Mây là bản nằm giữa rừng nhưng từ khi Nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng thì đồng bào không còn phá rừng làm rẫy nữa mà chuyển sang bảo vệ, chăm sóc rừng”, chị Hồ Thị Bưởi chia sẻ.
 
Từ trong ngôi nhà sàn khang trang, chị Hồ Thị Bưởi chỉ cho tôi thấy hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng phủ khắp bản, chị kể: “Bà con Dốc Mây thèm ánh điện lắm. Năm 2022, mình bàn với trưởng bản Hồ Xi ra xin UBND xã Trường Sơn và Bộ đội Biên phòng Làng Mô đưa ánh sáng vào giúp dân. Rồi ước mơ của bản Dốc Mây thành hiện thực khi công trình chiếu sáng được khánh thành với chiều dài 700m, gồm 20 cột điện bao phủ toàn bản. Đêm đầu tiên có điện sáng, Dốc Mây vui như ngày Tết”.
 
Còn sức khỏe... còn cống hiến
 
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Trạch (Bố Trạch) Phạm Đức Huấn giới thiệu cho tôi về cô giáo Nguyễn Thị Hải Lưu, hiện tại là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng  ban CTMT thôn Thanh Vinh: “Cô Lưu là một trong những “hạt giống đỏ” ở cơ sở. Gặp cô, sẽ có rất nhiều câu chuyện thú vị”.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Lưu có 31 năm làm giáo viên tại Trường THCS Thanh Trạch. Năm 2012, sau khi nghỉ hưu, cô được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng  ban CTMT thôn Thanh Vinh. Trong câu chuyện cùng tôi, cô Nguyễn Thị Hải Lưu chia sẻ: “Gắn bó với sự nghiệp trồng người ngay tại quê hương nên khi đảm nhận vị trí công tác mới, nhiều thế hệ học sinh, phụ huynh đều biết đến mình, luôn đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động. Đây chính là một thuận lợi căn bản”.
 
Nằm ở trung tâm xã Thanh Trạch, thôn Thanh Vinh có diện tích 52ha, dân số 430 hộ với 1.620 nhân khẩu. Kinh tế của thôn tập trung phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ với 116 hộ tiểu thương buôn bán tại chợ Thanh Hà và 154 hộ kinh doanh đa dịch vụ. Đặc biệt, 237 con em trong thôn đang lao động ở nước ngoài.
Thôn Thanh Vinh xã Thanh Trạch (Bố Trạch) đón nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa kiểu mẫu.
Thôn Thanh Vinh xã Thanh Trạch (Bố Trạch) đón nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa kiểu mẫu.
Sở dĩ các phong trào, cuộc vận động ở thôn Thanh Vinh luôn vững mạnh, theo cô Nguyễn Thị Hải Lưu cho biết là nhờ các tổ chức chính trị-xã hội được kiện toàn, củng cố; trong đó chi bộ thôn gồm 56 đảng viên, 9 tổ chức đoàn thể, gồm: Chi đoàn có 35 đoàn viên, phụ nữ 370 hội viên (HV), nông dân 247 HV, cựu chiến binh 169 HV, Chữ thập đỏ 230 HV, người cao tuổi 256 HV, khuyến học 130 HV, cựu thanh niên xung phong 124 HV, bộ đội Trường Sơn 82 HV và ban CTMT thôn gồm 12 người.
 
Đến nay, thôn Thanh Vinh đạt 9/9 tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu với những mô hình hay do cá nhân cô Nguyễn Thị Hải Lưu và ban CTMT thôn triển khai, như: “Mô hình tuyến đường cờ Tổ quốc”, “Mô hình tuyến đường hoa”, “Camera an ninh”... Toàn thôn hoàn thành 3,5km đường bê tông, được cắm mốc, biển báo đầy đủ, hành lang rộng thoáng trồng hoa, cây xanh và phủ kín hệ thống điện chiếu sáng, kinh phí hơn 2.750 triệu đồng. Bình quân thu nhập đầu người thôn Thanh Vinh đạt 86,25 triệu đồng/năm.
 
“Tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân trong thôn Thanh Vinh thêm một lần nữa được minh chứng qua việc đóng góp sức người, kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn. Nhà văn hóa hoàn thành sức chứa 300 người, kinh phí hơn 1.460 triệu đồng, UBND xã ủng hộ 100 triệu đồng, UBND huyện hỗ trợ 10 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp”, cô Nguyễn Thị Hải Lưu cho biết thêm.
 
Theo chân Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Lam về thăm thôn Nhân Hải, khu dân cư 10 năm liền giữ vững danh hiệu văn hóa của xã biển Nhân Trạch. Trưởng  ban CTMT thôn Nhân Hải là cựu chiến binh Lê Thiệu (SN 1964).
 
Chị Hồ Thị Bưởi, cô giáo Nguyễn Thị Hải Lưu hay anh Lê Thiệu là những “hạt giống” như hàng nghìn cán bộ Mặt trận cơ sở khắp toàn tỉnh ngày ngày vẫn lặng thầm công việc “vác tù và” của mình. “Còn sức khỏe, người dân còn tin tưởng là còn tiếp tục cống hiến” để góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp cuộc sống từ miền xuôi lên miền ngược, từ nông thôn ra thành thị ấm no, hạnh phúc, văn minh.

Nguyên bộ đội tại Vùng 5, Quân chủng Hải quân, tôi rèn qua môi trường Quân đội, sau khi trở về quê hương, anh Lê Thiệu được bà con trong thôn bầu giữ chức trưởng thôn từ năm 2007. Năm 2010, anh trở thành Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng  ban CTMT thôn.

“Kinh tế thôn chủ yếu nhờ đánh bắt, chế biến hải sản từ biển. Toàn thôn có 42 tàu, thuyền. Ngoài ra các khoản đóng góp, hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở thôn, xã nhờ vào nguồn huy động từ 253 con em đang lao động tại nước ngoài. Bằng huy động sức dân cộng với sự đầu tư của Nhà nước, các công trình phúc lợi, dân sinh hoàn thiện khang trang, hiện đại. Thôn Nhân Hải trở thành một khu dân cư kiểu mẫu xanh, sạch, đẹp, đáng sống”, Trưởng  ban CTMT Lê Thiệu chia sẻ.
 
“Làm cán bộ Mặt trận ở cơ sở, điều quan trọng nhất là phải tạo được uy tín với nhân dân, giữ gìn khối đoàn kết toàn dân. Mọi huy động từ sức dân phải được “dân biết, dân bàn, dân quyết, dân làm, dân kiểm tra”. Sự đồng thuận của nhân dân chính là sức mạnh giúp thôn Nhân Hải tiếp tục hướng đến xây dựng khu dân cư “đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”. Bản thân tôi sẽ tiếp tục được cống hiến nếu còn sức khỏe, nếu người dân con tin yêu, tín nhiệm”, anh Lê Thiệu khẳng định.
Thanh Long

tin liên quan

Chiến khu xưa ngày mới

(QBĐT) - Tự hào truyền thống hào hùng của vùng đất chiến khu xưa, bằng sự đoàn kết thống nhất một lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) đồng cam cộng khổ, nỗ lực hết mình để dựng xây quê hương ngày càng ấm no, khởi sắc...

Nỗ lực chăm lo cuộc sống người dân theo di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ "luôn vì nước, vì dân, phấn đấu, hy sinh cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc, chăm lo đời sống tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và góp phần vào sự tiến bộ của nhân loại".

Chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động

(QBĐT) - Có 43 công đoàn cơ sở với hơn 2.300 đoàn viên, thời gian qua, Công đoàn ngành Công thương luôn nỗ lực và trở thành chỗ dựa tin cậy, nguồn động viên lớn cho đoàn viên, người lao động thuộc ngành.