Nghị quyết... từ lòng dân-Bài 4: Cái bụng hết đói... cái đầu phải thông!
(QBĐT) - Một trong những ưu tiên hàng đầu đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) được Đảng bộ, chính quyền các cấp chú trọng là phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển toàn diện văn hóa-xã hội, quan tâm đến giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), nâng cao dân trí, nguồn nhân lực tại chỗ. Trên hành trình đi tới, vào những thời điểm khó khăn nhất, ĐBDTTS vẫn không quên động viên con em mình “vượt khó, vượt khổ” theo con chữ Bác Hồ. Như lời già làng Bru-Vân Kiều Nguyễn Văn Ba ở bản Đá Còi, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) luôn nhắc nhở con cháu mình: “Bây giờ có cái ăn, cái mặc, cái bụng hết đói... thì cái đầu phải thông. Muốn cái đầu thông, chỉ một con đường học”.
Nghị quyết “bất thành văn”
Nhắc đến già làng Nguyễn Văn Ba (SN 1949) ở bản Đá Còi, người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy xem ông như “cội lim già” của bản. Những năm chiến tranh chống Mỹ còn ác liệt, ông là một trong những “hạt giống” đầu tiên lập nên bản Đá Còi và từng trải qua các chức vụ: Chủ nhiệm hợp tác xã, trưởng ban quản lý bản, bí thư chi bộ, trưởng bản...
Nhiều lần ghé thăm già Nguyễn Văn Ba, chúng tôi biết ông đã làm rất nhiều việc cho bản Đá Còi, giúp Đá Còi từ một bản “bốn không” (không điện, không đường, không trường, không trạm) thành bản văn hóa như bây giờ: Vận động bà con dân bản ngăn suối Nước Lạnh làm đập thủy lợi trồng lúa nước và sống định canh, định cư. Vạch lối đi nối bản Đá Còi với đường 10, để sau này trên nền lối mòn đó hình thành nên trục đường bê tông rộng thoáng. Bản mới hình thành, khi con em trong bản không có nơi học tập, ông lại “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động góp công, góp của làm trường và đón thầy giáo dưới xuôi lên dạy chữ, để con chữ cắm sâu ở bản Đá Còi từ đó...
Trở lại bản Đá Còi lần này, chúng tôi khám phá già Nguyễn Văn Ba ở một vị thế khác-về phong trào khuyến học, khuyến tài. Câu chuyện già Nguyễn Văn Ba duy trì phong trào khuyến học, khuyến tài trong gia đình mình cũng rất đặc biệt, “riêng có”, dám chắc... chưa thấy một nơi nào khác làm!
Già Nguyễn Văn Ba kết hôn với bà Hồ Thị Thừa (SN 1953) vào năm 1971 và lần lượt sinh hạ 8 người con: Nguyễn Văn Tròn, Nguyễn Văn Bôn, Nguyễn Văn Hôn, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thị Nhiệt, Nguyễn Huy và Nguyễn Thị Hoàng. Con cái được ông bà cho ăn học đàng hoàng, nhiều người nối tiếp ông làm cán bộ phục vụ bản làng, quê hương mình, trong đó Nguyễn Văn Bôn là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ngân Thủy; Nguyễn Văn Hôn, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Đại; Nguyễn Văn Hùng là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ngân Thủy; Nguyễn Thị Nhung làm nhân viên Khu du lịch sinh thái khe Nước Lạnh; Nguyễn Huy, đại úy, công tác tại Công an huyện Lệ Thủy; Nguyễn Thị Nhiệt, Nguyễn Thị Hoàng công tác ở Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79, Binh đoàn 15.
Già Nguyễn Văn Ba đến nay có 30 cháu nội, ngoại. Nhắc đến con cháu mình, ông hào sảng: “Ai ai cũng được học cái chữ Bác Hồ. Kỳ vọng hơn ở thế hệ thứ ba khi hiện tại đã có 1 cháu học đại học; 5 cháu học THPT và 20 cháu học bậc THCS và tiểu học. Tài sản lớn nhất của già đó!”.
Để có khối tài sản lớn nhất này, ông “bật mí”: Gia đình có một nghị quyết “bất thành văn” mà tất cả thành viên đều tuân thủ, duy trì hàng chục năm nay là cùng tổ chức một buổi sinh hoạt “tam đại đồng đường” vào dịp cuối năm. Dù ai xa ngái, bận trăm công nghìn việc gì vẫn phải sắp xếp về đông đủ. Sau khi thắp hương lên bàn thờ Bác Hồ-Vị cha già dân tộc đã cho đồng bào Bru-Vân Kiều Quảng Bình, Quảng Trị cái họ của mình và ông bà, tổ tiên... buổi sinh hoạt bắt đầu. Thay mặt đại gia đình, già Nguyễn Văn Ba đánh giá lại tình hình cuộc sống con cháu qua một năm. Kế tiếp là phần kiểm điểm, “tự phê bình và phê bình”, khởi đầu từ vợ chồng ông bà, đến các con, cuối cùng là đại diện các cháu nội, ngoại.
Cuối buổi sinh hoạt là phần công bố quỹ khuyến học, tuyên dương, phát thưởng cho con cháu đạt thành tích cao trong lao động, học tập của một năm. Buổi sinh hoạt gia đình kết thúc, nén nhang trên bàn thờ Bác Hồ, tổ tiên cũng vừa tàn, mâm cổ cúng cuối năm dọn xuống, bày ra, “tam đại đồng đường” quây quần hưởng lộc.
“Và thế, qua mỗi lần sinh hoạt gia đình, qua những lần kiểm điểm, “tự phê bình”, “phê bình”, tình hình công tác, lao động, học hành của con cháu được ghi lại, bổ sung. Hạn chế, khuyết điểm thì khắc phục; ưu điểm thì nhân rộng, phát huy... Giúp cho cái nghị quyết “bất thành văn” của gia đình hiện rõ mồn một trong cuộc sống hàng ngày. Ai cũng chấp hành nghiêm túc”, già Nguyễn Văn Ba kết luận.
Thạc sĩ người Bru-Vân Kiều đầu tiên ở Trường Sơn
Xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh) là địa bàn sinh sống của 776 hộ, 3.348 khẩu đồng bào Bru-Vân Kiều (chiếm 63% dân số toàn xã). Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Nhì chia sẻ: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 nhấn mạnh: Phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển toàn diện văn hóa-xã hội, GD-ĐT, nâng cao dân trí, nguồn nhân lực tại chỗ. Chăm lo ngày càng tốt hơn công tác GD-ĐT; khuyến học, khuyến tài; xây dựng xã hội học tập, ưu tiên ĐBDTTS”.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Nhì: Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, Trường Sơn gặt hái được những kết quả bước đầu: 898 học sinh Bru-Vân Kiều đang theo học ở các cấp học; số lượng sinh viên Bru-Vân Kiều tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp 226 em, đã có 59 em tốt nghiệp ra trường. Hiện tại, 31 con em đồng bào là cán bộ, trong đó 15 người làm bí thư chi bộ, 11 người làm trưởng bản; 3 người làm bí thư chi bộ kiêm trưởng bản và 5 cán bộ, công chức cấp xã... Và lần đầu tiên, xã Trường Sơn có một con em người Bru-Vân Kiều hoàn thành xong chương trình thạc sĩ.
Thạc sĩ người Bru-Vân Kiều đầu tiên ở xã Trường Sơn hóa ra không xa lạ đối với chúng tôi-Hồ Văn Trình, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã. Hồ Văn Trình là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em ở bản Thượng Sơn. Hai anh trai của Trình là Hồ Xuân Thuần hiện là Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Thượng Sơn và Hồ Văn Chính, sĩ quan chuyên nghiệp công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Nhớ lại chặng đường lặn lội tìm con chữ của mình trước đây, Hồ Văn Trình vẫn chưa hết bâng khuâng: “Khi em học Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, cả xã Trường Sơn chỉ một mình em. Hồi đó giao thông đi lại khó khăn, lên Trường Sơn chỉ có con đường duy nhất bằng đò dọc sông Long Đại nên nhiều lúc muốn buông bỏ. Mỗi lần về thăm gia đình, được ba mẹ và các anh chị động viên... dần dần cái tâm mới ổn định. Sau này em mới biết, một năm em học cấp ba, gia đình phải bán mất một con trâu gửi tiền về xuôi cho em ăn học”.
Tốt nghiệp THPT, Hồ Văn Trình được UBND xã Trường Sơn cử theo học lớp trung cấp quân sự rồi về làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, vừa công tác vừa tiếp tục học chuyên ngành Luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Năm 2022, Hồ Văn Trình theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành Quản lý kinh tế, Trường đại học Kinh tế (Đại học Huế), đến tháng 9/2024 thì hoàn thành.
“Con đường phía trước còn rất dài, còn tiếp tục phấn đấu, tiếp tục học tập nhiều và thật nhiều nữa!”, tân thạc sĩ Hồ Văn Trình khẳng định.
Định hướng phát triển GD-ĐT, nâng cao dân trí, nguồn nhân lực tại chỗ vùng ĐBDTTS, biên giới và miền núi, Nghị quyết số 08-NQ/TU đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ lệ học sinh mẫu giáo đến trường trên 98%; tiểu học trên 97%, THCS trên 95%, THPT trên 60%... Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã vùng ĐBDTTS, biên giới, miền núi có 90% trở lên đạt trung cấp lý luận chính trị và 80% trở lên đạt trình độ trung cấp chuyên môn, phấn đấu 70% đạt trình độ đại học. Các chức danh: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã 100% đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị và 80% đạt trình độ đại học chuyên môn trở lên. |
Nhóm P.V Phòng Bạn đọc
>> Bài cuối: Đến ấm no luôn có con đường hướng sáng để đi!