Khi thẩm quyền người đứng đầu chưa gắn liền trách nhiệm-Bài 4: Định lượng... trách nhiệm

  • 06:36 | Thứ Tư, 11/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (KN, TC, KN, PA) của người dân, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chấp hành quy định về tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những PA, KN, giải quyết KN, TC của người dân, nhất là việc thực hiện các kết luận của cơ quan, người có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành. Qua đó, cần xem đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu.
 
 
 
 
Tăng cường giám sát, kiểm tra
 
Theo báo cáo, từ năm 2014 đến nay, qua giải quyết KN, TC, cấp có thẩm quyền đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 3 vụ/3 cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm và kỷ luật đối với 6 cá nhân, xử lý hành chính 24 tổ chức và 155 cá nhân. Đáng chú ý, phần lớn cá nhân, tổ chức sai phạm và bị xử lý kỷ luật sau khi cấp có thẩm quyền cấp tỉnh vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh, chỉ đạo làm rõ mới phát hiện.
 
Rõ ràng, công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những công cụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm của người thực thi nhiệm vụ, công vụ, góp phần bảo đảm sự liêm chính cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Qua đó, chỉ ra những mặt tích cực để tiếp tục phát huy; đồng thời kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện các quy định của pháp luật về TCD, giải quyết KN, TC.
 
Thế nhưng, theo số liệu thống kê, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết KN, TC (gọi tắt là Chỉ thị số 35), chỉ có 2 đơn vị cấp huyện tổ chức trên 35 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong công tác TCD, giải quyết KN, TC; 3 đơn vị tổ chức hơn 20 cuộc; thậm chí có đơn vị chỉ tổ chức được 8 cuộc. Chứng tỏ, cấp ủy, chính quyền một số địa phương vẫn còn xem nhẹ công tác thanh tra, kiểm tra người đứng đầu trong thực hiện các quy định về TCD, giải quyết KN, TC.
Tổ công tác của Bí thư Tỉnh ủy khảo sát một vụ việc thi hành án kéo dài trên địa bàn TX. Ba Đồn.
Tổ công tác của Bí thư Tỉnh ủy khảo sát một vụ việc thi hành án kéo dài trên địa bàn TX. Ba Đồn.
Một cán bộ thanh tra của huyện cho biết, qua thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong TCD, giải quyết KN, TC, cơ quan này phát hiện người đứng đầu nhiều địa phương tổ chức TCD còn hình thức, chưa gắn việc TCD với giải quyết KN, TC; chất lượng giải quyết KN, TC còn nhiều hạn chế, thường xuyên quá hạn. Mặc dù họ đã thấy vi phạm, nhưng cũng xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Phải chăng, chính sự “du di” này đã khiến cho những người đứng đầu bị “nhờn” luật, nhờn quy định, xem đó chỉ là một thiếu sót nhỏ?
 
Có lần thấy một vị lãnh đạo UBND cấp huyện, thường xuyên đưa ra lý do để ủy quyền cho cấp phó trong các buổi TCD định kỳ, một công chức chuyên ngành phụ trách lĩnh vực TCD, giải quyết KN, TC “góp ý”, vị này bảo rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương không cấm chủ tịch UBND ủy quyền cho cấp phó TCD. Trong khi đó, Luật TCD yêu cầu bắt buộc chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp TCD tại trụ sở TCD cấp huyện ít nhất 2 ngày trong 1 tháng và thực hiện việc TCD đột xuất trong các trường hợp quy định. Ở đây, phải chăng vị lãnh đạo này đã “lợi dụng” sự thiếu đồng bộ trong quy định của pháp luật để viện cớ, thoái thác chức trách, nhiệm vụ của mình?
 
Xử lý nghiêm người đứng đầu thiếu trách nhiệm
 
Không phải ngẫu nhiên, Chỉ thị số 35 dành riêng một mục nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác TCD và giải quyết KN, TC: “Người đứng đầu tổ chức đảng, chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình KN, TC và công tác TCD, giải quyết KN, TC trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Thực hiện nghiêm chế độ TCD theo quy định của Luật TCD, gắn việc TCD với xử lý, giải quyết KN, TC, KN, PA. Chú trọng TCD tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước; lấy hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết KN, TC làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác”.
 
Ngày 18/2/2019, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 11-QĐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những PA, KN của dân với nhiều quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Trong Điều 8 “Xử lý trách nhiệm” nêu rõ người đứng đầu cấp ủy bị xem xét xử lý trách nhiệm trong các trường hợp: “a) Thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết PA, KN, KN, TC của dân. b) Vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết PA, KN, KN, TC dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”.
 
Từ năm 2014 đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức 9 cuộc kiểm tra đối với Thường trực, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện; Tổ công tác của Bí thư Tỉnh ủy (Tổ Công tác 1743) kiểm tra, rà soát giải quyết 8 vụ việc; tổ chức kiểm tra, rà soát, giải quyết 9 vụ việc phức tạp kéo dài. Các cơ quan thanh tra thực hiện 160 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về việc chấp hành pháp luật TCD, giải quyết KN, TC tại 269 cơ quan, đơn vị, trong đó có 21 cuộc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng.

Mặc dù quy định về việc xử lý kỷ luật người đứng đầu đã có, song làm sao để giám sát và có chế tài xử lý thực sự hiệu quả để bắt buộc cấp có thẩm quyền và cán bộ, công chức, nhất là vai trò người đứng đầu thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi nhân dân thực hiện quyền giám sát và phản ánh, kiến nghị.

Trong thực tế, vẫn có một số tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy ở cơ sở xem việc theo dõi, giám sát, chỉ đạo giải quyết những bức xúc của người dân, KN, TC là việc của người đứng đầu chính quyền hoặc cơ quan chuyên môn nên thiếu sự chỉ đạo, giám sát của tổ chức đảng. Khi TCD, nhận được đơn thư của người dân, họ chỉ việc chuyển đơn đến chính quyền hoặc cơ quan chuyên môn giải quyết mà thiếu sự chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng xử lý.
 
Theo một cán bộ của Ban TCD tỉnh, hầu hết những KN, PA cơ quan này tiếp nhận mới đều thuộc thẩm quyền giải quyết UBND cấp xã hoặc của UBND cấp huyện. Nhiều sự việc, như: Ô nhiễm môi trường xảy ra trong địa bàn khu dân cư hoặc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng người dân nhất quyết tìm đến người đứng đầu cấp tỉnh để phản ánh, KN. Nguyên nhân của tình trạng nói trên một phần là do công dân hiểu sai về thẩm quyền giải quyết KN, TC nhưng cũng không loại trừ lãnh đạo, chính quyền cơ sở chưa thực hiện tốt hoặc chưa quan tâm đến công tác TCD, giải quyết KN, TC, KN, PA của người dân.
 
Một vị cán bộ thanh tra cho biết, cần định lượng cụ thể trách nhiệm người đứng đầu để có căn cứ thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá và xử lý. Ở đâu có nhiều vụ việc KN, TC, KN, PA tồn đọng kéo dài, cấp có thẩm quyền giải quyết chưa chính xác, cần tổ chức, thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém; đồng thời xử lý công khai, nghiêm minh những cán bộ, công chức, người đứng đầu thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật trong TCD, giải quyết KN, TC.
Dương Công Hợp
 
>>> Bài cuối: Cần người đứng đầu “cầm cân nảy mực

tin liên quan

Thông báo phiên tiếp công dân định kỳ tháng 9/2024

(QBĐT) - Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh vừa có thông báo thời gian, địa điểm phiên tiếp công dân định kỳ tháng 9/2024 của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh; đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh.

Khai giảng lớp bồi dưỡng công tác dân vận chính quyền năm 2024

QBĐT) - Sáng 10/9, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng công tác dân vận chính quyền năm 2024 cho 150 cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Khi thẩm quyền người đứng đầu chưa gắn liền trách nhiệm-Bài 3: Ra tòa mới rõ đúng, sai

(QBĐT) - Có một thực tế, ở một số vụ việc khiếu nại, mặc dù đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết nhiều lần, thế nhưng công dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thuyết phục, công bằng và khách quan. Chỉ đến khi ra tòa xét xử, vụ việc mới rõ đúng, sai.