Khi thẩm quyền người đứng đầu chưa gắn liền trách nhiệm-Bài 3: Ra tòa mới rõ đúng, sai

  • 08:44 | Thứ Ba, 10/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có một thực tế, ở một số vụ việc khiếu nại (KN), mặc dù đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết nhiều lần, thế nhưng công dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thuyết phục, công bằng và khách quan. Chỉ đến khi ra tòa xét xử, vụ việc mới rõ đúng, sai.
 
 
 
Quá trình giải quyết chưa đúng quy định
 
Những năm gần đây, tòa án các cấp đã thụ lý giải quyết nhiều vụ việc khiếu kiện các quyết định hành chính của chính quyền các cấp. Trong số đó, không ít vụ người dân đã thắng kiện vì cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết chưa đúng trình tự và quy định của pháp luật. Qua đó cho thấy, năng lực giải quyết kiến nghị, KN của cán bộ, công chức tham mưu và nhất là người đứng đầu còn nhiều hạn chế.
 
Năm 1991, ông Q. và bà H. ở tại phường N. nhận chuyển nhượng của bà D. 1 thửa đất có diện tích khoảng 400m2 (chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ)). Năm 1993, ông bà tiến hành xây dựng nhà ở thì bị UBND phường xử phạt vi phạm hành chính vì làm nhà trái phép và không có giấy tờ cấp đất. Từ đó đến nay, ông bà đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp. Năm 2022, ông Q., bà H. nộp hồ sơ đăng ký, kê khai cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, trong đó đề nghị UBND phường xác nhận nguồn gốc sử dụng đất theo hồ sơ thực tế. Năm ngày sau, ông bà nhận được công văn của phường từ chối giải quyết hồ sơ.
Tiếp xúc, gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với công dân là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tiếp xúc, gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với công dân là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Điều lạ lùng là, lý do phường đưa ra để từ chối hồ sơ của ông bà, bởi lúc này, thửa đất nói trên đang đứng tên bà D. và theo như đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất từ năm 2003 của ông N. (con trai bà D.) khai, thửa đất đã được UBND xã L. (cũ trước đó) cấp năm 1980. Chưa dừng lại, vào các năm 2018, 2019, UBND phường này và kết luận thanh tra thành phố cũng dùng lý do này để xác định nguồn gốc của thửa đất.
 
Năm 2021, ông Q. tiếp tục có đơn KN đến thanh tra thành phố, cơ quan này tiếp tục căn cứ nội dung của những văn bản cũ trước đó để giải quyết. Nghĩa là toàn bộ quá trình giải quyết của cơ quan chức năng đều căn cứ vào lời khai trong đơn đăng ký quyền sử dụng đất của ông N. có từ gần 20 năm trước. Tiếc thay, năm 2004, giấy CNQSDĐ của ông N. đã bị UBND thị xã lúc đó thu hồi. Sự việc cứ rơi vào vòng xoay luẩn quẩn, không lối thoát, đẩy người dân vào con đường KN kéo dài.
 
Tuy nhiên, theo phiếu cung cấp thông tin địa chính của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ của ông N. từ năm 2003 tại đơn xin xác nhận đất và nhà ở không có ngày, tháng và đơn không có cơ quan hoặc người có thẩm quyền ký xác nhận. Ngoài ra, không có giấy tờ gì để chứng minh đất của bà D. được cấp năm 1980. Vì vậy, hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng, việc UBND phường này căn cứ vào kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất của ông N. để xác định nguồn gốc thửa đất của bà D. là chưa khách quan, chưa bảo đảm đúng quy định của pháp luật và thực tế sử dụng đất của gia đình ông Q., bà H. Tòa án quyết định buộc UBND phường tiếp nhận hồ sơ xác nhận thông tin để xin cấp giấy CNQSDĐ của ông Q., bà H. theo quy định.
 
Vẫn còn quyết định giải quyết khiếu nại không chính xác
 
Năm 2022, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã chấp nhận khởi kiện của bà B.T.D. và tuyên hủy quyết định giải quyết KN của Chủ tịch UBND TX. B. và UBND phường Q. Theo hồ sơ vụ việc, năm 1997, bà D. được cấp có thẩm quyền cấp giấy CNQSDĐ, với diện tích 1.570m², trong đó 300m² đất ở và 1.270m² đất vườn. Từ đó, gia đình bà D. sử dụng ổn định và không xảy ra tranh chấp với người khác.
 
Tuy nhiên, theo UBND TX. B., hiện hồ sơ cấp đất của bà đã bị thất lạc và trên giấy CNQSDĐ chỉ thể hiện diện tích chứ không có trích lục kèm theo thể hiện kích thước từ cận của thửa đất. Năm 2011, phường này tiến hành đo đạc để thực hiện dự án lập cơ sở dữ liệu sử dụng đất trên địa bàn xác định diện tích hiện trạng sử dụng đất của bà D. chỉ còn 769,4m², giảm hơn 800m2 so với diện tích đã được cấp trước đó. Vì vậy, bà D. đã không đồng ý ký vào hồ sơ kỹ thuật để cấp đổi lại giấy CNQSDĐ.
 
Sau khi phường Q. có chủ trương quy hoạch bán đấu giá đất ở xen cư, trong đó có đất vườn của gia đình mình, bà D. đã có đơn KN UBND phường không đồng ý cắt đất bán đấu giá. Tiếp đó, phường Q. đã ban hành quyết định giải quyết KN không công nhận nội dung KN của bà D. Bà tiếp tục KN đến Chủ tịch UBND TX. B. Lần này, Chủ tịch UBND thị xã tiếp tục quyết định không công nhận nội dung KN của bà, với lý do căn cứ vào bản đồ địa chính năm 1995, giấy CNQSDĐ cấp của bà D. đã chồng lấn lên đất của hộ dân bên cạnh nên việc thu hồi và cấp đổi giấy CNQSDĐ mới là đúng pháp luật.
 
Theo các báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KN, tố cáo của các địa phương, quá trình giải quyết đơn thư KN, tố cáo của công dân còn lúng túng trong phân loại, xác định nội dung đơn thư, thẩm quyền giải quyết, ban hành văn bản thụ lý, trả lời công dân chưa bảo đảm quy trình, quy định; chưa chú trọng công tác giải thích, vận động, hòa giải, đối thoại, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai. Đáng chú ý, chính sự thiếu quyết liệt, chậm thực hiện quyết định giải quyết KN, kết luận tố cáo có hiệu lực pháp luật cũng làm vấn đề trở nên phức tạp.

Tuy nhiên, kết quả thẩm định tại chỗ của TAND tỉnh xác định, thực tế diện tích đất của các trường hợp liên quan đất ở bà D. đều sử dụng ổn định, có khuôn viên rõ ràng, không bị chồng lấn. Khi xem xét việc cấp giấy CNQSDĐ, cơ quan chức năng chưa căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất để xác định được ranh giới và diện tích thửa đất. Hơn nữa, diện tích 1.570m² mà bà D. được cấp cũng phù hợp với số liệu tại sổ đăng ký ruộng đất của UBND xã (cũ), lập năm 1994. Do đó, bản đồ địa chính năm 1995 thiếu cơ sở để tin cậy và không đủ căn cứ để cho rằng diện tích đất cấp cho bà D. bao trùm lên đất của hộ liền kề. Cùng với các tài liệu khác có trong hồ sơ, hội đồng xét xử TAND tỉnh đã tuyên hủy 2 quyết định giải quyết KN nêu trên. Gia đình bà D. có quyền yêu cầu UBND TX. B. lập lại hồ sơ để cấp đổi lại giấy CNQSDĐ theo đúng hiện trạng diện tích mà bà đang sử dụng.

Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Trần Hữu Sỹ qua thụ lý xét xử các vụ việc khiếu kiện tranh chấp dân sự trong lĩnh vực đất đai và các quyết định hành chính cho thấy, vẫn xảy ra tình trạng cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản giải quyết KN không chính xác. Có trường hợp, khi thụ lý xét xử các vụ kiện tranh chấp đất đai, mới phát hiện có quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền ban hành không chính xác. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình giải quyết, đánh giá hồ sơ và xác minh thực tế vụ việc có sai sót về quy trình, trình tự thủ tục. Riêng trong lĩnh vực đất đai, còn nhiều yếu tố khách quan, như: Hồ sơ lưu trữ bị thất lạc, yếu tố lịch sử để lại cũng gây ra không ít khó khăn đến quá trình giải quyết khiếu kiện. Nếu người đứng đầu không nắm chắc các quy định, giải quyết công tâm, khách quan thì khó có thể bao quát hết. Vì vậy, vai trò của công chức, viên chức chuyên môn tham mưu giải quyết các vụ KN rất quan trọng. Quá trình giải quyết, nếu chủ quan, không đánh giá toàn diện hồ sơ, thủ tục, xác minh thực tế hoặc không tuân thủ trình tự thủ tục, vụ việc có thể thay đổi bản chất và khó có thể đưa ra kết luận chính xác.
Dương Công Hợp
 
>>> Bài 4: Định lượng... trách nhiệm

tin liên quan

Chiến khu xưa ngày mới

(QBĐT) - Tự hào truyền thống hào hùng của vùng đất chiến khu xưa, bằng sự đoàn kết thống nhất một lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) đồng cam cộng khổ, nỗ lực hết mình để dựng xây quê hương ngày càng ấm no, khởi sắc...

Trách nhiệm với nhân dân-Bài 4: Chuyện chị Nhanh bản Còi Đá

(QBĐT) - Với nghị lực và ý chí vươn lên, chị Hồ Thị Nhanh (SN 1981, xã Ngân Thủy, Lệ Thủy) vừa tích cực tham gia công tác xã hội, vừa đi học thêm cái chữ, rồi tốt nghiệp đại học sau bao khó khăn, thử thách...

Khi thẩm quyền người đứng đầu chưa gắn liền trách nhiệm-Bài 2: Việc trong "tầm tay", loay hoay né tránh

(QBĐT) - Nhìn nhận, đánh giá lại một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài được lãnh đạo, người đứng đầu cấp tỉnh chỉ đạo tháo gỡ trong thời gian qua cho thấy, vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu và cấp có thẩm quyền trong giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân vẫn còn là "điểm nghẽn" cần nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận và chấn chỉnh, khắc phục.