Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế
(QBĐT) - Chiều 18/7, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Dự hội nghị có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đồng chí Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; lãnh đạo một số hiệp hội doanh nghiệp (DN) trên các lĩnh vực. Tham dự tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Hoàng Xuân Tân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động NGKT đã được Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai bài bản, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước.
Trong số 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất với nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp, trong đó nâng cấp quan hệ với Australia lên đối tác chiến lược, nâng tổng số đối tác ở cấp này lên 7 nước.
Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực hợp tác đầu tư mới, như: Kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động… được chú trọng lòng ghép và cụ thể hóa thành các cam kết, dự án cụ thể trong các hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ và các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh…
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng tăng cường xúc tiến, quảng bá, đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngành, lĩnh vực, DN trong nước xúc tiến đầu tư; vận động đầu tư FDI, thu hút ODA thế hệ mới.
Đẩy mạnh rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới. 6 tháng đầu năm đã rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực thi các FTA chủ chốt, có tầm ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Cơ chế phối hợp trong triển khai NGKT được đổi mới, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện NGKT được tăng cường.
Tại Quảng Bình, tỉnh đã tăng cường gặp gỡ, làm việc với các cơ quan đại diện, tổ chức, DN nước ngoài, tổ chức các đoàn tham dự các sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác về kinh tế với các đối tác nước ngoài. Từ ngày 11-19/6, tỉnh đã tổ chức đoàn công tác do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng làm trưởng đoàn xúc tiến du lịch, đầu tư tại Pháp, Bỉ, Hà Lan. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Sở Du lịch đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Xúc tiến văn hóa và du lịch Việt Nam tại Pháp và châu Âu.
Tỉnh tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh của nước bạn Lào khuyến khích, hỗ trợ các DN của tỉnh sang đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trọng tâm là tiếp tục hỗ trợ Công ty CP Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình đầu tư dự án Nhà máy Điện gió AMI Savannakhet tại huyện Sê-pôn, tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt với dự kiến quy mô công suất 1.220MW, tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 28 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,19 tỷ USD. Ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 60 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động, nộp ngân sách khoảng 4 triệu USD.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý, kiến nghị các vấn đề, như: Đẩy nhanh chính quy hóa quan hệ song phương; nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics; tăng cường quảng bá du lịch trên nền tảng mạng xã hội; đàm phán mở cửa thị trường một số mặt hàng nông nghiệp; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, vi mạch, bán dẫn;...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất nước đã đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế có thặng dư,...
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (thương mại, đầu tư, tiêu dùng); đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức), các lĩnh vực mới và mang tính đột phá (công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, hydrogen, AI…).
Các địa phương cần khai thác tối đa tiềm năng của các quan hệ vừa được nâng cấp, các FTA đã được ký kết; nghiêm túc rà soát, theo dõi và thúc đẩy quá trình triển khai các cam kết với các đối tác quốc tế; củng cố quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các thị trường lớn, chủ chốt và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chú trọng hơn các địa bàn tiềm năng, còn nhiều dư địa hợp tác; thúc đẩy và đón tiếp chu đáo đoàn công tác của các tổ chức DN, các tập đoàn lớn trên thế giới đến Việt Nam; nắm bắt và kiến nghị xử lý phù hợp, kịp thời các đề xuất của cộng đồng DN…
Phan Phương