Cải cách hành chính: Qua góc nhìn của người dân
(QBĐT) - Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2030 được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021 đặt ra mục tiêu chung giai đoạn này là: Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo, phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021-2030.
Chương trình tổng thể CCHC yêu cầu đặt ra đối với nền hành chính phải lấy người dân làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) các cấp.
Bộ Nội vụ đã chủ trì phối hợp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các CQHCNN (chỉ số SIPAS) năm 2023. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là đơn vị thực hiện việc phát phiếu, thu phiếu khảo sát của người dân trong cả nước. Đây là năm thứ 2 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của CQHCNN ở cả nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công và cung ứng dịch vụ hành chính công (từ 2021 trở về trước chỉ tập trung ở nội dung cung ứng dịch vụ hành chính công).
Theo đó, chỉ số SIPAS thông qua các nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng, mức độ mong đợi của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công và đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công dựa trên tri thức, trải nghiệm của người dân với 45 tiêu chí trong 8 yếu tố, gồm: Mức độ quan tâm, theo dõi của người dân đối với chính sách công; kênh thông tin mà người dân sử dụng để theo dõi các chính sách công; mức độ phù hợp của các kênh tiếp cận thông tin về chính sách đối với người dân; mức độ người dân sẵn sàng tham gia ý kiến cho các cơ quan nhà nước về chính sách công; cảm nhận của người dân về tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; cảm nhận của người dân về tình trạng phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; mức độ phù hợp của các hình thức nộp hồ sơ, nhận kết quả phù hợp với người dân; sự trải nghiệm của người dân về chính sách công, dịch vụ hành chính công dịch vụ công cơ bản, thiết yếu.
Ngoài ra, đo lường sự hài lòng của người dân với 39 tiêu chí của 9 yếu tố: Trách nhiệm giải trình của cơ quan; cơ hội tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách; chất lượng tổ chức thực hiện chính sách; kết quả tác động của chính sách; tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức; kết quả dịch vụ; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân.
Kết quả, chỉ số SIPAS tỉnh Quảng Bình năm 2023 đạt 82,92%, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2022. Mặc dù, chỉ số SIPAS năm 2023 có sự cải thiện mạnh so với các năm trước, tuy nhiên kết quả khảo sát năm 2023 cho thấy nhu cầu, mong đợi của người dân đối với chính quyền trong việc cải thiện chất lượng phục vụ người dân trên 10 nội dung cần cải thiện rất cao.
Cụ thể, những nội dung người dân mong đợi chính quyền cải thiện nhiều nhất, như: Nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân với mức 40,73%; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giải quyết công việc cho người dân với mức 38,72%; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến là 37,18%; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân với mức 36,51%; 35,96% người dân mong muốn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết công việc của người dân…
Trong những năm qua, chỉ số SIPAS đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả CQHCNN và người dân. SIPAS đã và đang thúc đẩy CQHC ngày càng nỗ lực, quyết tâm CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân và cung cấp cơ sở để CQHCNN xác định, triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn để thực hiện mục tiêu đặt ra.
Để tiếp tục duy trì, giữ vững và cải thiện chỉ số SIPAS trong năm 2024 cũng như các năm tiếp theo, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn cần sử dụng hiệu quả kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, chú trọng các nội dung, khía cạnh mà người dân đánh giá chưa tích cực, hài lòng thấp và các nội dung mà người dân mong đợi nhiều để phân tích, đánh giá các nguyên nhân khách quan, chủ quan của các tồn tại, hạn chế nhằm có giải pháp khắc phục sớm.
Thực tế cho thấy, người dân, xã hội đang dần quan tâm, ủng hộ, giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các CQHCNN để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự hài lòng cho người dân. Vì vậy, việc tổ chức triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền kịp thời để tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi quản lý và người dân ở địa phương có nhận thức đầy đủ, chính xác về các hoạt động, kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân và kế hoạch, kết quả thực hiện nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Từ đó, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, cách nhìn về CCHC của tỉnh ngày càng tốt hơn.
Trần Đăng Khoa