Phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm
Ngày 15/1, kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 16 chương và 260 điều (bỏ 5 điều, chỉnh lý 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6). Đến nay, dự thảo Luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với với hệ thống pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có nhiều nội dung chuyên môn, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu thận trọng, toàn diện, góp ý, hoàn thiện và xem xét để biểu quyết thông qua dự thảo Luật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Nghị quyết về giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng một số chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách về tài chính, ngân sách.
Những nội dung được quyết định tại kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 mà còn cả nhiệm kỳ, có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng để Kỳ họp hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với sự thống nhất, đồng thuận cao.
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong phiên họp sáng 15/1, các đại biểu quan tâm, tập trung cho ý kiến về phương pháp định giá đất.
Kiến nghị không quy định phương pháp thặng dư trong định giá đất, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) giải thích, kết quả định giá đất khi áp dụng phương pháp thặng dư được thực hiện trên các cơ sở giả định, ước tính nên mức độ tin cậy chưa cao đối với những khu vực hạn chế về thông tin thực tế, chi phí doanh thu để làm chi phí ước tính.
"Việc tính toán các yếu tố giả định rất phức tạp, kết quả định giá không chắc chắn, thiếu chính xác, có sai số lớn. Cùng một thửa đất chỉ cần thay đổi một chỉ tiêu trong các yếu tố giả định sẽ thay đổi kết quả định giá. Đây chính là nguyên nhân gây vướng mắc, chậm trễ trong việc xác định, quyết định giá đất cụ thể trong thời gian qua và cách hiểu mỗi người khác nhau trong các hoàn cảnh, thời điểm khác nhau", đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhận định.
Theo đại biểu, trong bối cảnh chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá, cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó có dữ liệu về giá đất, thị trường, quyền sử dụng đất chưa phát triển toàn diện, minh bạch thì "việc bỏ bớt một phương pháp định giá đất cũng cần thiết". "Trường hợp cần thiết phải giữ lại phương pháp này, cần có "van khóa" để kiểm soát tính chính xác, phù hợp của kết quả định giá đất", đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nói.
Trong phiên họp chiều, cho ý kiến vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu rõ: Mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với 2 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến (bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp) là 4% cho phí bảo hiểm năm đầu. Tại các ngân hàng thương mại có liên kết làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng một năm là từ 2 - 4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.
Nêu số liệu của một số ngân hàng, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, giai đoạn từ 2018 - 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng này.
Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, đại biểu cho rằng, nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113: "Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước", sẽ không có gì đảm bảo cho tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian vừa qua.
Đại biểu đề nghị, nếu việc cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại không được thực hiện thì dự thảo Luật cần bổ sung một điều giao Chính phủ ban hành quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Theo Báo Tin tức