Chuyển đổi số-Cơ hội và quyết tâm

Bài 2: Ứng dụng các phần mềm, tiền đề chuyển đổi số thành công

  • 06:33 | Thứ Hai, 12/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với những nỗ lực về đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), hạ tầng dữ liệu…, việc ứng dụng các phần mềm trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức đang được triển khai tích cực và hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số (CĐS).  
 
 
Đẩy mạnh CĐS trong công tác Đảng
 
Vị trí, vai trò lãnh đạo toàn diện các mặt đời sống xã hội đòi hỏi cấp ủy đảng các cấp phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng; đồng thời, tạo bước tiến quan trọng trong hành trình CĐS. Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đã ứng dụng nhiều phần mềm vào hoạt động với những kết quả khả quan. Ngày 12/8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 05-ĐA/TU về triển khai ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” (STĐVĐT), đây là bước tiến quan trọng trong CĐS, bắt đầu từ tổ chức sinh hoạt đảng.  
 
Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, STĐVĐT sẽ góp phần tích cực định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trên không gian mạng kịp thời và nhạy bén. STĐVĐT cũng hỗ trợ việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sinh hoạt chi bộ, quản lý đảng viên một cách thiết thực, hiệu quả; đồng thời, đấu tranh ngăn chặn, phản bác âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động trên lĩnh vực chính trị tư tưởng.
 
Việc sử dụng STĐVĐT sẽ tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng hoạt động trong tổ chức hội nghị hoặc sinh hoạt chi bộ, góp phần thúc đẩy số hóa, xây dựng chính quyền điện tử theo chủ trương, đường lối của Đảng.
 
Thông qua STĐVĐT, cấp ủy các cấp cũng sẽ nắm bắt nhanh những đề xuất, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết. Quá trình sử dụng sẽ từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của đảng viên và các cấp ủy đối với việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải có kế hoạch cụ thể để triển khai ứng dụng trong hoạt động của tổ chức đảng giai đoạn 2022-2025. Việc sử dụng STĐVĐT một cách thiết thực, hiệu quả, bảo đảm an toàn, an ninh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của tổ chức đảng và có sự tham gia tích cực của toàn thể đảng viên trong Đảng bộ tỉnh.
Hội nghị học tập, quán triệt Chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” kết nối trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở với gần 70.000 đảng viên tham gia.
Hội nghị học tập, quán triệt Chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” kết nối trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở với gần 70.000 đảng viên tham gia.

Trước mắt, STĐVĐT được áp dụng thí điểm tại 11 đảng bộ trực thuộc (gồm 8 huyện, thị, thành ủy và Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh, Đảng bộ Quân sự tỉnh). Trong đó, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh triển khai tại tất cả tổ chức đảng trực thuộc; Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh và Đảng bộ Quân sự tỉnh chọn triển khai ít nhất 50% tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trực thuộc. 8 huyện ủy, thị ủy, thành ủy chọn từ 7-10 TCCSĐ đại diện cho mỗi loại hình để thí điểm.

Dự kiến thời gian thí điểm bắt đầu từ quý IV/2022 đến quý I/2023, sau khi kết thúc sẽ đánh giá hiệu quả và triển khai diện rộng đối với tất cả các tổ chức đảng và ĐV có đủ điều kiện áp dụng STĐVĐT. Mục tiêu đến năm 2025 có 100% TCCSĐ, trên 90% chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và đảng viên sử dụng STĐVĐT.

Trao đổi về đề án, đồng chí Trần Vũ Khiêm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, cơ quan chủ trì tham mưu những nội dung chính của STĐVĐT cho biết: Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng ở Quảng Bình đã đạt được một số kết quả, từng bước làm thay đổi thói quen và lề lối làm việc. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì vẫn còn những hạn chế. Việc xây dựng và triển khai đề án ứng dụng phần mềm STĐVĐT là nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu CĐS trong Đảng.

Với những nội dung phù hợp, sát thực tiễn, kỳ vọng đề án sẽ là giải pháp hỗ trợ hiệu quả, tạo sự thông suốt, đồng bộ trong công tác điều hành, hoạt động của cấp ủy các cấp trong Đảng bộ, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng; tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong sinh hoạt của các đảng bộ, chi bộ hiện nay.  

Cùng hành động
 
Những hội nghị thay vì sử dụng văn bản giấy hoặc truy cập vào website để tải tài liệu, nay đã được thay thế bằng việc quét mã QR; đại biểu tham dự điểm danh bằng mã QR hoặc phần mềm nhận diện khuôn mặt. Các gian hàng triển lãm, giới thiệu thành tựu được gói gọn trong từng mã QR mà chỉ cần quét mã, thông tin sẽ được cập nhật đầy đủ, tạo sự kết nối nhanh nhất cho những ai quan tâm. Thẻ căn cước công dân tích hợp đầy đủ thông tin cá nhân, thay thế cho hầu hết các loại giấy tờ; tiêu dùng không cần tiền mặt; kinh doanh dễ dàng trên sàn thương mại điện tử, mạng internet; quản lý sức khỏe, khám bệnh từ xa; dạy học trực tuyến; những tiện ích đa dạng của các trung tâm điều hành đô thị thông minh; sự thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính…, đó là những thành tựu bước đầu đầy thuyết phục trong CĐS.
 
Với 3 trụ cột chính của CĐS là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, CĐS đã từng bước đi vào cuộc sống với những hoạt động thiết thực, hiệu quả. Trên cơ sở nền tảng và kết quả của các phần mềm đã triển khai, bước vào hành trình CĐS, nhiều sở, ngành đã nỗ lực và có những bước tiến quan trọng, như: Sở Giao thông vận tải với việc quản lý cầu đường, đăng kiểm phương tiện, cấp giấy phép lái xe, quản lý phương tiện vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình; Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn giám sát tàu cá, quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, theo dõi diễn biến rừng…
 
Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị đang thúc đẩy nhanh quá trình CĐS, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo không gian tương tác thuận lợi, nhanh gọn, an toàn, củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc CĐS nói riêng, sự quan tâm, chăm lo cho nhân dân của cấp ủy, chính quyền các cấp nói chung.
Hệ thống giám sát diễn biến rừng đang được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả.
Hệ thống giám sát diễn biến rừng đang được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Tiến Sỹ cho biết, thời gian qua, hội đã rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cập nhật gần 40 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, bước đầu mang lại nhiều giao dịch, hiện hội đang tiếp tục triển khai cập nhật.
 
Bên cạnh đó, để hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho các hộ nông dân, tất cả các nguồn vốn vay, ủy thác, hỗ trợ… đều được chuyển qua tài khoản. Bước đầu sử dụng, cơ bản hội viên đều chia sẻ về sự thuận tiện, nhanh gọn đối với hình thức này. CĐS là một hành trình dài, với vị trí, vai trò của mình, Hội Nông dân tỉnh nỗ lực đồng hành cùng bà con trong từng việc nhỏ nhất, thiết thực nhất, kỳ vọng sẽ tạo những đổi thay tích cực, hiệu quả trong sản xuất, đời sống người dân, chung tay xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.
 
Cần tạo sự bứt phá
 
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả khả quan sau một thời gian bắt tay thực hiện CĐS, nhưng thẳng thắn nhìn nhận Quảng Bình vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Bên cạnh những khó khăn khách quan về nền tảng cơ sở dữ liệu, hệ thống phần mềm, trang thiết bị, nguồn nhân lực và một bộ phận người dân chưa có điều kiện kết nối internet… thì vấn đề cốt lõi nhất là nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về CĐS.
 
Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định, trong CĐS, cần thống nhất nhận thức đóng vai trò quyết định. Do đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nội dung tuyên truyền phải đi vào trọng tâm, cụ thể, thiết thực nhất.
 
Bên cạnh đó, cần quán triệt tinh thần và mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, cơ chế, chính sách là động lực, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy CĐS. Và đúng như tinh thần Nghị quyết số 07, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành là yếu tố bảo đảm sự thành công của CĐS.
 
CĐS là một quá trình dài, nhưng với những mục tiêu cụ thể và dài hơi, được chia thành các giai đoạn phù hợp và khoa học, sự nỗ lực, quyết tâm và chung mục đích của Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà, tin rằng Quảng Bình sẽ đạt những thành tựu mới, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, từng bước hoàn thành CĐS, góp phần đưa quê hương phát triển nhanh và bền vững.
 
Ngọc Mai

tin liên quan

Tổng Bí thư chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến các Đề án

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, khoa học, cách làm đổi mới, sáng tạo có trách nhiệm cao với chất lượng tốt của các Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng các đề án.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền kỷ niệm 60 năm thành lập

Sáng 11/9, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1962-2022) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
 

Bài 1: Tạo nền móng vững chắc

(QBĐT) - Trong sự chuyển mình mạnh mẽ của hành trình chuyển đổi số quốc gia, Quảng Bình đã và đang khẩn trương triển khai CĐS với những mục tiêu, định hướng, lộ trình cụ thể.