Chuyển đổi số-Cơ hội và quyết tâm
Bài 1: Tạo nền móng vững chắc
(QBĐT) - Trong sự chuyển mình mạnh mẽ của hành trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, Quảng Bình đã và đang khẩn trương triển khai CĐS với những mục tiêu, định hướng, lộ trình cụ thể. Những kết quả quan trọng bước đầu đã mở ra cơ hội mới, khẳng định quyết tâm và hướng đi đúng của tỉnh để tự tin hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Quảng Bình cơ bản CĐS đồng bộ, toàn diện, trên phạm vi toàn tỉnh.
Là địa phương còn nhiều khó khăn, Quảng Bình bắt tay thực hiện CĐS với quyết tâm cao nhất. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, tập trung nguồn lực, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị… là nền móng vững chắc cho hành trình CĐS với kỳ vọng tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) tỉnh nhà.
Tiền đề quan trọng
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đề án phát triển chính quyền điện tử (CQĐT) và dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 được HĐND tỉnh khóa XVII thông qua ngày 9/12/2020 tại kỳ họp thứ 18. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình CĐS, tổng kinh phí các dự án thuộc đề án là gần 600 tỷ đồng. Trong đó, dự án CĐS, CQĐT và ĐTTM tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 có tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng.
Xác định CĐS là một lĩnh vực mới mẻ, đặc biệt trong điều kiện tỉnh còn nhiều hạn chế về hạ tầng phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số, tài nguyên dữ liệu số, chính sách phát triển các nguồn lực…, tháng 9/2021, Quảng Bình đã lựa chọn Công ty cổ phần FPT, một doanh nghiệp nhiều năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ CĐS tổng thể với những giá trị cao hơn và toàn diện hơn để hợp tác CĐS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Hai bên đã thống nhất mục tiêu xây dựng nhanh, đồng bộ ba trụ cột về CĐS, bao gồm: Chính quyền số (CQS), kinh tế số (KTS), xã hội số (XHS), thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững, góp phần nâng tầm vị thế tỉnh Quảng Bình trong CĐS.
Tiếp đó, ngày 31/3/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về CĐS tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với “bức tranh” tổng thể về bối cảnh, tình hình, những hạn chế, nguyên nhân, Nghị quyết số 07 đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu tổng quát và cụ thể cùng 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Nghị quyết số 07 đã tạo cơ sở quan trọng để tỉnh thúc đẩy CĐS thuận lợi. Nghị quyết xác định CĐS là xu thế tất yếu để tạo đột phá trong phát triển KT-XH, góp phần đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là phát triển CQS, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát triển KTS nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển XHS, thu hẹp khoảng cách số.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai và dịch Covid-19, đây là sự quan tâm, nỗ lực lớn, khẳng định quyết tâm của tỉnh trong CĐS. Các nghị quyết, đề án, dự án… đã tạo cơ sở pháp lý, tập trung nguồn lực, tạo tiền đề đồng bộ, vững chắc để thực hiện CĐS, xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Kết quả khả quan
CQS, KTS, XHS được xem là 3 trụ cột của CĐS. Về CQS, tiếp nối những thành tựu ứng dụng CNTT những năm trước đây, thời gian qua, tỉnh đã gặt hái những thành tựu quan trọng.
Tính đến tháng 6/2022, các sở, ban, ngành, địa phương đã thực hiện hiệu quả kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước, phát triển CQS, CQĐT, gắn kết với chương trình cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và chất lượng phục vụ dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh tiếp tục được mở rộng và hoạt động hiệu quả. Các hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thông tin báo cáo, thư điện tử công vụ, quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, quản lý công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh duy trì hoạt động ổn định. Các hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối thông suốt từ huyện đến tỉnh và Trung ương…
Các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai đề án CĐS, nổi bật trong lĩnh vực thực hiện thủ tục hành chính; xây dựng phân hệ chức năng kho quản lý dữ liệu điện tử; cấp căn cước và định danh điện tử cho công dân; cập nhật, đối chiếu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xác nhận hộ chiếu vắc-xin; triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, bản đồ số; đăng ký, quản lý hộ tịch, số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, lý lịch tư pháp… Một số dự án nguồn vốn đầu tư công về CĐS tiếp tục được đẩy nhanh.
KTS và XHS đã có những bước tiến quan trọng. Các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn việc sử dụng công nghệ số và dữ liệu số để đổi mới mô hình kinh doanh, tăng năng suất lao động. Người dân đã tăng cường tiếp cận, rèn luyện kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số trong hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ CNTT ngày càng tăng.
Sử dụng hóa đơn điện tử; truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản; phát triển thương hiệu trên nền tảng số; áp dụng công nghệ mã vạch, mã QR; xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến”; xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình phát triển sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường, trên nền tảng công nghệ số… là những điểm nhấn tích cực trong KTS thời gian qua. Lĩnh vực XHS cũng chuyển biến mạnh mẽ với các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và các sản phẩm đặc trưng quê hương Quảng Bình trên môi trường mạng, ứng dụng nền tảng số quản trị và kinh doanh du lịch.
Ngành Y tế đã triển khai ứng dụng nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành trong hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bán thuốc kê đơn, thống kê y tế, quản lý tiêm chủng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện, cơ sở y tế… Các bệnh viện đa khoa trực thuộc sở tiếp tục triển khai, duy trì bệnh án điện tử và đang trong bước đầu tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Đặc biệt, trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hai năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương xây dựng Trung tâm điều hành Giáo dục tích hợp dữ liệu với Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh và đẩy mạnh sử dụng các nền tảng số để dạy học, hội nghị, tập huấn trực tuyến… với nhiều kết quả tích cực.
Cùng với việc hoàn thiện giải pháp Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, đầu năm 2022, Trung tâm điều hành ĐTTM TP. Đồng Hới (Đồng Hới IOC) được đưa vào hoạt động. Đây là trung tâm thứ 32 được đưa vào hoạt động tại 32 tỉnh, thành phố trong toàn quốc.
Được ví là “bộ não số”, Đồng Hới IOC được đầu tư đồng bộ và hiện đại với chức năng giám sát, điều hành phát triển KT-XH; báo cáo, thống kê; giám sát hiệu quả hoạt động các cấp chính quyền; quản lý quy hoạch và hạ tầng đô thị; giám sát, điều hành an ninh trật tự cộng đồng; an toàn giao thông; giám sát chất lượng môi trường; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch; giám sát thông tin báo chí và truyền thông; tạo tương tác, giao tiếp phục vụ công dân...
Bên cạnh đó, người dùng điện thoại thông minh dễ dàng tải ứng dụng “Đồng Hới SmartCity” để tiếp cận các dịch vụ của ĐTTM. Qua thực tế hoạt động cho thấy, với 10 tính năng, ứng dụng, “Đồng Hới SmartCity” không chỉ cung cấp thông tin nhanh và đầy đủ, mà còn là kênh tương tác hiệu quả giữa người dân và chính quyền, từ đó, xử lý kịp thời những kiến nghị, phản ánh của người dân, từng bước xây dựng CQS thông qua các hành động cụ thể.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động, thời gian tới, Đồng Hới IOC sẽ được bổ sung thêm một số chức năng, dịch vụ, như: Quản lý quy hoạch và hạ tầng đô thị, quản lý du lịch thông minh, quản lý vệ sinh môi trường, bổ sung hệ thống camera tầm cao, an ninh, giao thông và tích hợp các công nghệ mới…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng: Quá trình CĐS, cần thống nhất nhận thức đóng vai trò quyết định; người dân và doanh nghiệp là trung tâm; cơ chế, chính sách và công nghệ là động lực; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là phần gắn kết xuyên suốt, duy trì tính bền vững… Và trên hết là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành, đó là những yếu tố bảo đảm sự thành công của CĐS. |
Ngọc Mai
Bài 2: Ứng dụng các phần mềm, tiền đề chuyển đổi số thành công
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.