Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ huyện Minh Hóa (31/8/1947-31/8/2022)

Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời-bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng của huyện Minh Hóa

  • 08:36 | Thứ Năm, 25/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ khi giành chính quyền cho đến tháng 8/1947 trên địa bàn Minh Hóa chưa có tổ chức cơ sở đảng. Nhưng nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ huyện Tuyên Hóa, tháng 2/1947, Đại hội Đảng bộ huyện Tuyên Hóa lần thứ I được tiến hành. Đại hội đã đề ra nhiều chủ trương để đưa cách mạng của huyện nhà đi lên, trong đó có việc phải xây dựng các tổ chức đảng ở cơ sở, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa.
 
Đầu năm 1947, đoàn cán bộ huyện do đồng chí Dương Viết Nặc, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa làm trưởng đoàn cùng các thành viên bao gồm một số đồng chí Huyện ủy viên và cán bộ tuyên truyền, cốt cán của các đoàn thể quần chúng đã vào công tác ở vùng sâu, vùng xa của huyện.
 
Đoàn đã đến tận các xã tìm hiểu và bồi dưỡng về lý luận chính trị, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, kiến thức lịch sử cho đối tượng cảm tình Đảng. Sau một thời gian thực hiện cuộc vận động xây dựng tổ chức Đảng, ngày 31/8/1947, thay mặt Huyện ủy Tuyên Hóa, đồng chí Dương Viết Nặc đã tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng tổng Kim Linh (cũ).
 
Buổi lễ tổ chức kết nạp Đảng, đồng thời thành lập Chi bộ Đảng được tổ chức tại nhà cụ Cố Duyện ở thôn Cổ Liêm (thuộc xã Tân Hóa ngày nay). Sau khi tuyên bố lý do và nói rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của việc thành lập tổ chức Đảng, đồng chí Dương Viết Nặc đã tuyên bố kết nạp các đồng chí: Đinh Xuân Vỵ, Đinh Xuân Niêm, Thái Xuân Du, Đinh Xuân Tiệu, Đinh Tiến Khoa vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
 
Thành lập Chi bộ Đảng, do đồng chí Đinh Xuân Vỵ làm Bí thư, đồng chí Đinh Xuân Niêm làm Phó Bí thư kiêm Văn phòng Chi bộ. Chi bộ có tên gọi là Chi bộ Minh Khai. Chi bộ Minh Khai là trường hợp đặc biệt, vì các đảng viên đều là dự bị nên Chi bộ cũng dự bị.
 
Chi bộ Minh Khai là chi bộ Đảng đầu tiên trên địa bàn huyện Minh Hóa. Chi bộ ra đời là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với phong trào đấu tranh cách mạng của xã Cổ Liêm, xã Kim Phú (thời điểm đó) nói riêng và trên địa bàn Minh Hóa nói chung. Từ đây phong trào đấu tranh cách mạng, mà trực tiếp là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân xã Cổ Liêm, xã Kim Phú đã có tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo.
Thị trấn Quy Đạt                                                        Ảnh: Phạm Văn Thức
                                                Thị trấn Quy Đạt.                               Ảnh: Phạm Văn Thức
Sự ra đời của Chi bộ Minh Khai và những đảng viên cộng sản đầu tiên thực sự là “hạt giống đỏ” do Đảng gieo xuống trên mảnh đất Minh Hóa, trở thành chỗ dựa, niềm tin cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trên địa bàn. Việc thành lập chi bộ chứng tỏ sự chuyển biến về chất trong quá trình tổ chức xây dựng cơ sở đảng, phát triển phong trào cách mạng chống thực dân Pháp ở vùng Minh Hóa... Sau 3 tháng thử thách, đầu tháng 11/1947, đồng chí Bí thư Huyện ủy tuyên bố Chi bộ Minh Khai chuyển thành chi bộ chính thức, lấy tên là Chi bộ Kim Sơn.
 
Thi hành Sắc lệnh số 91/SL, ngày 1/10/1947 của Chủ tịch nước về việc tổ chức bộ máy chính quyền kháng chiến, thực hiện chủ trương nhập xã của tỉnh, toàn huyện Tuyên Hóa (gồm cả Minh Hóa) có 27 xã nhập lại thành 9 xã. Trên địa bàn Minh Hóa (ngày nay) có các xã: Hưng Hóa, Minh Hóa, Tân Hóa và Dân Hóa. Xã Kim Phú và xã Cổ Liêm sáp nhập thành xã Minh Hóa và Chi bộ Kim Sơn cũng đã đổi tên thành Chi bộ xã Minh Hóa.
 
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhân dân xã Minh Hóa cùng với nhân dân toàn huyện cảnh giác, phát hiện, vây bắt nhiều vụ do các phần tử xấu bất mãn chạy trốn sang Lào làm tay sai cho địch để chống phá cách mạng. Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân làm tròn trọng trách của vùng an toàn khu.
 
Sau khi thành lập Chi bộ Minh Khai, thực hiện chủ trương thành lập tổ chức cơ sở đảng ở các xã, chi bộ ở các xã trên địa bàn huyện Minh Hóa cũng dần được thành lập. Từ khi thành lập Chi bộ Minh Khai đến tháng 5/1949, tất cả các xã trên địa bàn huyện Minh Hóa (ngày nay) đều đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các chi bộ Đảng.
 
Các chi bộ Đảng ra đời đã kịp thời lãnh đạo phong trào kháng chiến, phục vụ kháng chiến, nhanh chóng vượt qua những khó khăn gian khổ ban đầu. Nhân dân được tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ cách mạng, tập hợp xung quanh chi bộ Đảng, tích cực tham gia vào các hoạt động ủng hộ và phục vụ kháng chiến.
 
Một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đó là vào ngày 19/5/1949, Đại hội lần thứ II của Đảng bộ Quảng Bình diễn ra tại đình Kim Bảng, xã Minh Hóa. Đây là đại hội có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
 
Trong suốt thời gian diễn ra đại hội, lực lượng dân quân Minh Hóa tổ chức 12 ngày đêm tuần tra canh gác cẩn mật, bố trí lực lượng chặt chẽ bảo vệ đại hội. Sự thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh, cũng là sự thành công lớn từ công tác tổ chức xây dựng phương án phòng gian bảo mật, nêu cao cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của lực lượng dân quân và nhân dân Minh Hóa.
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, địa bàn Minh Hóa nói riêng và huyện Tuyên Hóa nói chung luôn là chiếc cầu nối vững chắc giữa hậu phương lớn của tỉnh với Thanh-Nghệ-Tĩnh, chiến trường Trị-Thiên với Liên khu V và chiến trường Trung Lào. Hàng trăm thanh niên nam, nữ tham gia tòng quân nhập ngũ, tham gia đi dân công vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm và vũ khí cho các chiến trường.
 
Các đoàn thể cứu quốc như Hội Phụ nữ, Hội Phụ lão, Hội Nông dân thi đua tăng gia sản xuất trồng bông dệt vải, sản xuất lương thực, thực phẩm để tự túc và đóng góp cho kháng chiến. Minh Hóa đã tiếp nhận và vận chuyển hàng vạn tấn vũ khí lương thực từ hậu phương cho các chiến trường góp vào chiến công to lớn của tỉnh nhà, cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Minh Hóa giữ vị trí chiến lược quan trọng trong việc chi viện cho chiến trường miền Nam, nơi đây đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Phát huy truyền thống sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước “Xe chưa qua nhà không tiếc”, Đảng bộ Minh Hóa đã lãnh đạo nhân dân “bám làng chiến đấu”, “bám hố bom sản xuất, bám đồng ruộng thâm canh”, “một tấc không đi, một ly không rời”, đã nêu cao khẩu hiệu “Chật nhà không chật bụng”, sẵn sàng bảo đảm nơi ăn ở an toàn, bí mật cho bộ đội qua lại.
 
Trong suốt 21 năm chiến đấu (1954-1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ và nhân dân Minh Hóa luôn phát huy tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, huyện Minh Hóa đã huy động lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ.
 
Lực lượng thanh niên xung phong, quân đội và nhân dân trên các tuyến đường giao thông đã ngày, đêm tham gia vận chuyển hàng chục vạn tấn hàng hóa phục vụ tiền tuyến. Đảng bộ và nhân dân đã đoàn kết trên dưới một lòng, chiến đấu kiên cường, sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự sống còn của quê hương, đất nước, góp phần cùng nhân dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 
Đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt sau 32 năm tái lập huyện, Đảng bộ huyện Minh Hóa đã vận dụng sáng tạo đường lối, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương và đã thu được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.
 
Kinh tế từng bước phát triển và có sự chuyển dịch đúng hướng, văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng-an ninh được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn đổi mới khởi sắc, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ được tăng cường. Đặc biệt, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới được củng cố, nâng cao...
 
Với những thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, nhiều người con Minh Hóa đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng những danh hiệu cao quý. Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Minh Hóa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Minh Hóa được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với Đảng bộ và nhân dân huyện Minh Hóa, là nguồn cổ vũ, động viên, sức mạnh to lớn để Minh Hóa tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong chặng đường mới.
 
Trong 75 năm qua, Đảng bộ huyện Minh Hóa không ngừng được tôi luyện, trưởng thành. Trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện Minh Hóa tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, gắn bó máu thịt với nhân dân. Tổ chức đảng và cán bộ đảng viên luôn giương cao ngọn cờ tiên phong của Đảng, luôn chăm lo xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
 
Bùi Anh Tuấn
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa

tin liên quan

Cựu chiến binh Quảng Trạch làm theo lời Bác

(QBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu", các cấp Hội CCB huyện Quảng Trạch đã có nhiều việc làm cụ thể, hiệu quả.

Khai mạc Diễn đàn và Giải thưởng Thanh niên Tình nguyện ASEAN+ năm 2022

(QBĐT) - Sáng 24/8, tại TP. Đồng Hới, Trung ương Đoàn, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức lễ khai mạc Diễn đàn Thanh niên Tình nguyện ASEAN+ và Giải thưởng Thanh niên Tình nguyện ASEAN+ năm 2022. 
 

Nghĩa Ninh cần chủ động rà soát lại các mặt còn hạn chế, các chỉ tiêu đạt thấp

(QBĐT) - Sáng 24/8, đồng chí Trần Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Hới đã có buổi làm việc với Đảng ủy xã Nghĩa Ninh về tình hình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các lĩnh vực từ đầu năm 2022 đến nay và nhiệm vụ thời gian tới. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo UBND và các ban, ngành, đoàn thể thành phố.