Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII:

Các sở, ngành, địa phương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

  • 07:27 | Thứ Ba, 02/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII, các sở, ban, ngành đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Báo Quảng Bình lược ghi một số nội dung trả lời của các sở, ban, ngành về những vấn đề cử tri quan tâm.
 
* Cử tri xã Hải Phú (Bố Trạch) và cử tri xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) phản ánh: Trong thời gian gần đây, có một số tàu giã cào và nhiều tàu đánh cá lớn của các tỉnh khác đến vùng biển trên địa bàn tỉnh ta để đánh bắt, khai thác tận diệt, làm hư hỏng một số ngư lưới cụ của ngư dân và đã gây tai nạn cho một số tàu thuyền đánh bắt gần bờ của người dân. Đề nghị tỉnh kiểm tra ngăn chặn kịp thời, bảo đảm an toàn cho ngư dân.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trả lời: Trong thời gian qua Sở NN-PTNT đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để chống khai thác IUU; đồng thời chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại vùng biển ven bờ, vùng lộng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhờ đó, tình hình vi phạm đã giảm so với các năm trước, đặc biệt các tàu giã cào đôi ngoại tỉnh khai thác sai vùng cơ bản đã di chuyển thay đổi ngư trường, đi khai thác hải sản nơi khác.
 
Tuy nhiên, tại vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh, trong đó có xã Hải Phú (Bố Trạch) và Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) vẫn còn có tình trạng một số tàu giã cào đơn của các địa phương trong tỉnh, như: xã Quang Phú, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới)và xã Cảnh Dương( Quảng Trạch)... khai thác hải sản bất hợp pháp, vi phạm các quy định.
 
Để ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thủy sản tổ chức các đợt cao điểm về thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm, đặc biệt là các tàu giã cào đơn của địa phương khai thác hải sản bất hợp pháp. Đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Thủy sản đã phát hiện và xử phạt 9 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt gần 100 triệu đồng.
 
Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Thanh tra sở chủ động nắm bắt tình hình phối hợp với các Đồn Biên phòng tuyến biển tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời đề nghị UBND cấp huyện quyết liệt hơn nữa trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại vùng biển ven bờ và nội địa theo phân cấp. 
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các tàu giã cào đơn khai thác hải sản bất hợp pháp, vi phạm các quy định.
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các tàu giã cào đơn khai thác hải sản bất hợp pháp, vi phạm các quy định.
* Cử tri thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) đề nghị UBND tỉnh và các ngành có biện pháp thoát lũ trong khu vực trung tâm thị trấn Phong Nha về mùa mưa lũ và xử lý lượng cát nạo vét từ sông lên hiện đang tập kết bên bờ khu vực phía bắc bến phà Xuân Sơn.
 
Sở NN-PTNT trả lời: Lưu vực sông Son thường xuyên bị ngập lụt trong các mùa mưa lũ, đặc biệt là đoạn từ khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng đến các xã Liên Trạch và Quảng Minh. Do địa hình khu vực là các thung lũng hẹp bị bao bọc bởi các dãy núi cao, địa hình bị phân cắt mạnh, các mặt cắt bị thu hẹp, cao độ không đồng đều và thay đổi lớn. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho mực nước lũ lên nhanh và thoát lũ chậm khi mưa lớn.
 
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí và giao Sở NN-PTNT nghiên cứu đề xuất giải pháp thoát lũ, giảm ngập khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng. Sản phẩm của đề tài nghiên cứu đã đề xuất được giải pháp sơ bộ là đào kênh thông từ sông Son về sông Lý Hòa (đi qua các xã Cự Nẫm, Sơn Lộc và Hải Phú) nhằm tăng khả năng thoát lũ, tránh ngập lụt và đề xuất kinh phí triển khai thực hiện nhưng chưa thể đánh giá được các tác động môi trường cụ thể của khu vực nghiên cứu do phải đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để triển khai thực hiện. Hiện nay, UBND huyện Bố Trạch đã xác định đây là dự án trọng điểm của huyện, đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và đang tìm kiếm các nguồn đầu tư để triển khai dự án nói trên.
 
Về vấn đề xử lý lượng cát nạo vét từ sông lên hiện đang tập kết bên bờ khu vực phía bắc bến phà Xuân Sơn, vấn đề này không thuộc trách nhiệm của ngành NN-PTNT.
 
* Cử tri phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) có ý kiến: Đề nghị tỉnh đầu tư nạo vét mương Phóng Thủy Cầu Tây (hệ thống mương này xuất phát từ Khe Duyên, phường Bắc Lý đổ về cống van ra sông Lũy Thầy), vì hiện nay mương đã bị bồi đắp, làm cản trở dòng chảy, nhất là khi mùa lũ đến gây ngập lụt.
 
Sở NN-PTNT trả lời: Hệ thống mương Phóng Thủy bắt đầu từ TDP, 6 phường Bắc Lý và chạy dài về xã Đức Ninh và phường Đức Ninh Đông, đổ ra sông thông qua 2 cống trên đê tả sông Lệ Kỳ. Trước đây tuyến kênh đầu tư xây dựng chỉ đáp ứng việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hiện trạng địa hình, mặt bằng tự nhiên của thập niên 90 trở về trước. Hiện nay, do việc san lấp mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, đô thị hóa cùng với sự bồi lắng qua thời gian làm cho lòng kênh, mương cạn dần, làm hạn chế khả năng thoát nước bình thường trong mùa mưa, gây ra nhiều điểm ngập úng cục bộ trên địa bàn thành phố. Công trình thoát nước quá tải, việc đầu tư mở rộng và nạo vét, xây kè mương Phóng Thủy như phản ánh của cử tri là cần thiết.
 
Tuy nhiên, việc đầu tư nạo vét, mở rộng hệ thống mương Phóng Thủy nói trên cần nguồn vốn đầu tư rất lớn do quy mô dự án lớn, liên quan kinh phí giải phóng mặt bằng. Do đó, trước mắt để bảo đảm tiêu thoát nước, chống úng, ngập cục bộ, UBND TP. Đồng Hới đã phê duyệt đầu tư xây dựng trạm bơm chống úng 1.000m3/h để bảo đảm tiêu thoát nước. Về lâu dài, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tìm kiếm nguồn vốn, đề xuất UBND tỉnh xem xét cho chủ trương điều tra khảo sát hiện trạng để lập dự án nạo vét, mở rộng, bảo đảm khả năng tiêu thoát nước của tuyến mương Phóng Thủy nói trên.
 
* Cử tri huyện Lệ Thủy đề nghị, tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhất là tình hình giá cả vật tư tăng cao làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con nông dân, nghiên cứu hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất 2 vụ. Đồng thời, đề nghị với Nhà nước có chính sách điều chỉnh giá cả của vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc gia cầm cho phù hợp để tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông nghiệp.
 
Sở NN-PTNT trả lời: Thời gian qua, giá cả các yếu tố vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp, như: Phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao (phân urê tăng 136-143%, đạm tăng 143-164%, kali tăng 180-200%, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng 30-45%, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩnm tăng từ 30-35%) đã gây áp lực lớn và nhiều khó khăn cho bà con nông dân, thậm chí một số nơi e ngại, không dám đầu tư vì sợ thua lỗ. Thực trạng này diễn ra trên cả nước, không riêng gì tỉnh Quảng Bình.
 
Hàng năm, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản, kết hợp với các nguồn vốn hỗ trợ khác đã tập trung hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Tuy vậy, do nguồn vốn có hạn trong khi nhu cầu hỗ trợ nhiều nên chính sách chỉ hỗ trợ 1 vụ nhằm kích thích sản xuất, chưa thể hỗ trợ sản xuất 2 vụ như kiến nghị của cử tri. Thời gian tới, Sở NN-PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sản xuất trước những diễn biến hết sức phức tạp của giá cả vật tư nông nghiệp như hiện nay.
 
Đối với vấn đề điều chỉnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi: Đã có nhiều kiến nghị có chính sách điều chỉnh giá các mặt hàng này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vì đây là vấn đề vĩ mô, cần có chính sách điều tiết phù hợp của Chính phủ. Thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội và cấp có thẩm quyền điều chỉnh thuế, hoặc trong điều kiện đặc biệt khi giá nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu thế giới tăng cao sẽ thực hiện các chính sách an sinh cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế...
 
Bên cạnh các nội dung trên, cử tri trong tỉnh cũng có nhiều kiến nghị liên quan đến việc đầu tư chống sạt lở, xuống cấp ở các tuyến sông, công trình thủy lợi và đã được Sở NN-PTNT trả lời cụ thể.
 
A.Tuấn (lược ghi)

tin liên quan

Hệ thống chính trị đến hết năm 2026 sẽ có tổng cộng 2.234.720 biên chế

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành quyết định 71 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
 

Khơi dậy truyền thống anh hùng của quê hương

(QBĐT) - Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, sớm giác ngộ và tham gia trên các trận tuyến bảo vệ Tổ quốc, trở về đời thường với thân thể bị mất 71% sức lao động, nhưng cựu chiến binh Trần Thanh Hồng vẫn không nghỉ ngơi mà đóng góp công sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng quê hương. 

Thúc đẩy hợp tác giao lưu nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản

Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản Trương Thị Mai khẳng định, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.