Xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp nông dân vững mạnh

  • 14:48 | Thứ Ba, 19/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII), Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, Quảng Bình đã có nhiều chi hội, tổ hội hoạt động trên nhiều lĩnh vực với những cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Huyện Minh Hóa hiện có 8.478 hội viên nông dân. Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân huyện đã tập trung chỉ đạo hướng về cơ sở, đẩy mạnh công tác phát triển và nâng cao chất lượng hội viên gắn với việc đổi mới, nội dung và phương thức hoạt động có hiệu quả, thiết thực; đồng thời, quan tâm chỉ đạo hội nông dân các xã, thị trấn thành lập chi hội, tổ hội nghề nghiệp.
 
6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã thành lập mới 5 chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp ở các ngành nghề khác nhau, nâng tổng số chi hội, tổ hội toàn huyện lên 8 với 115 hội viên. Một số chi hội, tổ hội hoạt động có hiệu quả, như: Nuôi ong xã Xuân Hóa, trồng bưởi da xanh và nuôi ong lấy mật xã Hóa Hợp, chăn nuôi lợn sạch thị trấn Quy Đạt... Các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp đang dần ổn định và phát huy hiệu quả, tạo nhiều sản phẩm, giải quyết việc làm và xây dựng kinh tế hợp tác.
 
Trong đó, phải kể đến tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng bưởi da xanh và nuôi ong lấy mật xã Hóa Hợp do ông Đinh Trọng Chính làm tổ trưởng có 8 thành viên với số lượng gần 200 tổ ong và gần 2ha trồng bưởi da xanh. Theo ông Chính, việc thành lập tổ hội nghề nghiệp xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của các thành viên với mong muốn cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi ong lấy mật và kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả. Dù mới thành lập, nhưng tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng bưởi da xanh và nuôi ong lấy mật xã Hóa Hợp đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các hội viên với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm/hội viên.
Mô hình nuôi ong lấy mật của ông Võ Văn Cương, tổ hội nông dân nghề nghiệp thôn Hà Kiên, xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi ong lấy mật của ông Võ Văn Cương, tổ hội nông dân nghề nghiệp thôn Hà Kiên, xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Đinh Thị Kim Quý, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Minh Hóa cho biết: Việc thành lập các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp dựa trên các thế mạnh của địa phương, giúp người dân cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, khắc phục việc bỏ đất hoang không sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các chi hội, tổ hội nghề nghiệp là tìm đầu ra cho sản phẩm, vì vậy, các cấp hội đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương, biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.
 
Tại Bố Trạch, ngay từ khi có Đề án số 24-ĐA/HNDTW, ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp, các cấp hội từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương. Theo báo cáo của Hội Nông dân huyện, hiện trên địa bàn huyện có 15 chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp với nhiều lĩnh vực, như: Trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, chế biến đồ gỗ mỹ nghệ…
 
Được xây dựng quy chế hoạt động với sự thống nhất của đa số thành viên, các chi hội, tổ hội tổ chức sinh hoạt định kỳ với các nội dung như chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, trao đổi về ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả… cũng như tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất.
 
Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HNDTW về đẩy mạnh xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở hội tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên có chung ngành nghề sản xuất tham gia thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 34 chi hội nghề nghiệp, 202 tổ hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng chế biến thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp, mây tre đan, dịch vụ, xây dựng, kinh doanh dịch vụ...
 
Các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, gắn với nhu cầu, đòi hỏi từ thực tế cuộc sống và quá trình sản xuất, kinh doanh của thành viên. Qua đó, giúp các thành viên trong các chi hội, tổ hội nghề nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời, tăng cường sự liên kết giữa thành viên với nhau, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở hội ngày càng vững mạnh.
 
Ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp hội nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp hiện có; đồng thời, chủ động kết nối, hướng dẫn thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác thành lập hợp tác xã gắn với hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng như công tác dạy nghề của hội.
 
Phạm Hà

tin liên quan

Bài 2: Tạo "sức hấp dẫn" cho sinh hoạt chi bộ chuyên đề

(QBĐT) - Sinh hoạt chuyên đề được các chi bộ xác định là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, từ đó, phát huy vai trò gương mẫu, trách nhiệm của đảng viên. 

Thủ tướng Chính phủ tiếp Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới

Thủ tướng đánh giá cao việc Tổng Giám đốc WB thăm Việt Nam, cho thấy quan hệ ngày càng chặt chẽ hiệu quả giữa 2 bên; nhấn mạnh Việt Nam luôn coi WB là người bạn tốt, đối tác phát triển rất quan trọng.
 

Thi đua thực hiện hiệu quả các phong trào, nhiệm vụ được giao

(QBĐT) - Ngày 19/7, Khối thi đua các ban Đảng tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Tham dự có Thường trực Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo các đơn vị thuộc Khối thi đua các ban Đảng tỉnh.