Tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin A69 (2/7/1972 - 2/7/2022)
Có một "đường Trường Sơn" khác
(QBĐT) - Có người gọi tuyến đường này là “Đường Trường Sơn âm thanh” hay “Đường Trường Sơn thông tin, liên lạc”, bên cạnh con đường Trường Sơn huyền thoại. Với nhiệm vụ đặc biệt bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL) thông suốt giữa Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng với chiến trường miền Nam, tuyến đường trải khắp các tỉnh miền Bắc, từ Móng Cái đến Quảng Bình, Vĩnh Linh với hàng chục trạm cơ vụ. Trong đó, Trạm thông tin A69 hang Lèn Hà, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) là điểm nối quan trọng, tạo nên một khúc tráng ca đã đi vào lịch sử dân tộc.
Sau khi thất bại trên cả hai miền Nam-Bắc nước ta, đế quốc Mỹ dồn sức đánh phá ra miền Bắc, đặc biệt là Quảng Bình. Để ngăn chặn “con đường” tiếp viện từ miền Bắc, Mỹ đã sử dụng lực lượng lớn, ồ ạt đánh vào Quảng Bình, hòng chặt đứt “cán xoong” của tuyến chi viện chiến lược. Trạm thông tin A69 được thành lập ngày 7/1/1967, lúc đầu trực thuộc đại đội 7, Trung đoàn Thông tin 134. Tháng 3/1968, do yêu cầu nhiệm vụ, Trạm thông tin A69 thuộc biên chế của đại đội 9, Trung đoàn Thông tin 134, đóng quân tại bản Hà, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa). Trạm được biên chế 3 tiểu đội, gồm: Tiểu đội tải ba-tổng đài, tiểu đội nguồn điện, tiểu đội đường dây và bộ phận hậu cần. Quân số ban đầu của trạm là 19 cán bộ, chiến sĩ (CB, CS), sau tăng dần lên 33 CB, CS.
Trạm được trang bị nhiều loại máy móc, trang thiết bị thông tin và bảo vệ, khai thác 19km đường cột, 74km dây. Nhiệm vụ chính của trạm là kết nối, bảo đảm cho “mạch máu” TTLL Bắc-Nam được thông suốt trên cả 4 hướng, gồm: Hướng A69-A68 (Hương Sơn, Hà Tĩnh) từ phía Bắc vào và hợp điểm các đầu mối thông tin từ phía Nam trở ra trên 3 hướng: Hướng A69-A70 (Km số 0, đường 20 Quyết Thắng, Bố Trạch), hướng A69-A71 (TX. Ba Đồn, Quảng Trạch cũ), hướng A69-A76 (“Cổng trời”, Minh Hóa).
Ngoài ra, Trạm thông tin A69 còn có nhiệm vụ bảo đảm thông tin cho Cụm kho của Binh trạm 25 (Đoàn 559 ở Thanh Lạng, xã Thanh Hóa), Binh trạm 12 ở Cổng Trời, Viện Quân y 4 (Quân khu 4), Sư đoàn Phòng không 367, Đồn Biên phòng Cha Lo và căn cứ Hải quân ở TX. Ba Đồn.
Thời điểm đó, Trạm thông tin A69 không chỉ giữ vai trò quan trọng là trạm trung gian chuyển tiếp, bảo đảm huyết mạch thông tin, phục vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong công tác chỉ đạo các mặt trận phía Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ác liệt, mà còn là nơi đặt kho dự trữ chiến lược của Bộ Tư lệnh TTLL. Nơi đây thường xuyên có khoảng 700km dây bọc, cáp đồng và nhiều trang bị khí tài khác, sẵn sàng thay thế đường dây TTLL Bắc-Nam.
Với vị trí chiến lược trọng yếu như vậy, để bảo đảm bí mật, an toàn, trạm máy chính được đặt tại hang núi Lèn Hà nằm trong khu rừng già, cách đường Hồ Chí Minh 3km, trên địa bàn xã Thanh Hóa. Ngọn núi Lèn Hà có đỉnh cao nhất khoảng 320m. Lưng chừng núi (cách mặt đất khoảng 150m) có một hang đá rộng khoảng 420m2. CB, CS trạm đã cải tạo hang đá này thành nơi đặt trạm máy. Dưới chân núi đá là rừng cây rậm rạp rất dễ ngụy trang, một vị trí lý tưởng để xây dựng khu nhà ăn, nhà nghỉ của bộ đội. Các CB, CS được biên chế về trạm cũng được lựa chọn rất kỹ lưỡng để có thể chịu được gian khổ, khó khăn, ác liệt của chiến trường phía nam Khu 4.
Sau hơn hai tháng xây dựng, ngày 20/3/1967, Trạm thông tin A69 chính thức đi vào hoạt động, tiếp và chuyển cuộc điện thoại đầu tiên giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng và đồng chí Lê Quý Hai (cán bộ Trung ương Cục). Cứ như vậy, CB, CS Trạm thông tin A69 vừa duy trì con đường thông tin thông suốt từ Bắc vào Nam, vừa không quản ngại khó khăn, ngày đêm miệt mài củng cố, xây dựng công sự.
Nhận thấy tầm quan trọng của đường dây TTLL này, kẻ thù cũng đã không ngừng tung ra các hoạt động phá hoại, kể cả dùng thám báo, biệt kích để luồn sâu vào địa bàn. Tháng 5/1972, ở khu vực khe Mai, địch đã cài 2 máy nghe trộm vào đường dây TTLL của trạm. Nhưng với tinh thần cảnh giác cao, CB, CS của trạm đã kịp thời phát hiện, thu hồi và báo cáo lên cấp trên điều chỉnh một số đoạn tuyến, ngụy trang, nghi binh tránh sự phá hoại của địch.
Tư liệu lịch sử của Binh chủng TTLL có ghi lại rằng: Vượt lên tất cả những hiểm nguy, nhất là các trọng điểm địch đánh phá, như: Khe Nét, Thanh Lạng, Đò Vàng; những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần giữa núi rừng Trường Sơn, CB, CS Trạm thông tin A69 đã kiên cường bám dây, bám máy phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng thông tin các quân chủng, binh chủng, tạo nên một mạng lưới TTLL rộng khắp, thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến, tiếp chuyển hàng triệu phiên liên lạc phục vụ cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chiến đấu trên chiến trường. Trước mọi tình huống, bằng ý chí, nghị lực, CB, CS của trạm đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nên những chiến công, thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Việc bảo đảm sự thông suốt TTLL của Trạm thông tin A69 đã góp công lớn làm nên thắng lợi của quân và dân ta trong các chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, chiến dịch Đường 9-Nam Lào (năm 1971), chiến dịch Quảng Trị (năm 1972). Với những thành tích đó, CB, CS Trạm thông tin A69 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Nhiều đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng đã trực tiếp gọi điện thăm hỏi và khen ngợi, như: Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng (sau này là Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng), Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (sau này là Chủ tịch Quốc hội), Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sỹ Nguyên (sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ).
Từ lâu, cái tên Trạm thông tin A69 đã trở thành niềm tự hào của lực lượng bộ đội TTLL nói riêng, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng nói chung. Đặc biệt, sau sự kiện ngày 2/7/1972, Trạm thông tin A69, hang Lèn Hà đi vào lịch sử lực lượng bộ đội TTLL, lịch sử dân tộc như một khúc tráng ca hào hùng.
D.C.H
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.