Chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử

  • 10:26 | Thứ Sáu, 21/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với vai trò là cơ quan đầu mối, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn.
 
Nhằm hoàn thiện môi trường chính sách, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, trong đó có nghị quyết về việc thông qua đề án phát triển chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh...
 
Xác định xây dựng hạ tầng số là nhiệm vụ hàng đầu trong chuyển đổi số, năm 2021, Sở TT-TT đã triển khai kế hoạch về ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; chạy thử quy trình DVCTT mức độ 4 cấp huyện đối với 6/6 thủ tục hành chính (TTHC) chuyên ngành TTTT thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện.
 
Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống nền tảng, ứng dụng cơ bản tại tỉnh ta đang được đầu tư xây dựng trên cơ sở có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm sự thống nhất, kết nối, tích hợp dữ liệu giữa các ứng dụng, phần mềm. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) được xây dựng phần lõi, bước đầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh và liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).
 
Bên cạnh đó, Trung tâm Dữ liệu điện tử của tỉnh được xây dựng, nâng cấp đã cơ bản đáp ứng yêu cầu vận hành, khai thác, ứng dụng 9 hệ thống dùng chung của tỉnh. Cụ thể: Cổng/trang thông tin điện tử tỉnh được nâng cấp, triển khai đến 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Hệ thống thư điện tử công vụ cấp phát hơn 7.000 tài khoản với 100% cán bộ, công chức (CB, CC) hành chính có hộp thư điện tử công vụ. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được xây dựng tập trung, triển khai rộng khắp với 93% cơ quan hành chính nhà nước trao đổi bằng văn bản điện tử và song song với văn bản giấy.
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (IOC) được đưa vào vận hành phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số.
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (IOC) được đưa vào vận hành phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số.

Hệ thống thông tin một cửa điện tử được xây dựng tập trung, thống nhất và triển khai đến tất cả cơ quan hành chính 3 cấp với tỷ lệ hồ sơ TTHC nộp trực tuyến đạt 57%. Hệ thống thông tin báo cáo được xây dựng, triển khai ứng dụng tại các cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện, kết nối, liên thông với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống quản lý hồ sơ CB, CC, viên chức được triển khai hầu hết ở các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị trực thuộc. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được thiết lập, kết nối thông suốt các cuộc họp thường kỳ, đột xuất của Trung ương với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện…

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin đối với “Trung tâm Dữ liệu điện tử tỉnh Quảng Bình”; nâng cao năng lực và duy trì hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; tiếp tục triển khai, duy trì hoạt động của Trung tâm Giám sát an toàn thông tin (SOC) của tỉnh có kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Toàn bộ hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu tại trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh đã được sao lưu dự phòng tại Trung tâm IDC Vân Đồn-Đà Nẵng.
 
Các dịch vụ đô thị thông minh, hệ thống camera giao thông, camera an ninh trật tự được lắp đặt tại một số điểm công cộng, nhà dân và một số khu vực trọng yếu đã hoàn thành kết nối các điểm camera quan trọng đến Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh. Hiện Sở TT-TT đang tích cực phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện hệ thống nhóm dịch vụ phản ánh hiện trường, giám sát các thông tin trên môi trường mạng.
 
Bước đầu chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp cơ bản và tổ chức triển khai về việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, gắn với thực hiện cải cách hành chính.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Sở TT-TT, cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được giao và đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 và Kế hoạch số 262/KH-UBND của UBND tỉnh về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm ATTT mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2021 đều đạt khá trong điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh còn rất nhiều khó khăn, nhất là bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, thời gian tới, Sở TT-TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền số, chuyển đổi số; xây dựng, triển khai đề án số hóa tài liệu và quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, đề án nâng cấp hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh; xây dựng và triển khai thực hiện quy chế quản lý, khai thác, sử dụng Trung tâm Dữ liệu điện tử, hệ thống hội nghị truyền hình tỉnh; nghiên cứu, hình thành kế hoạch phát triển dữ liệu và kiến trúc tham chiếu ICT đô thị thông minh tỉnh.
 
“Bên cạnh đó, sở tiếp tục tham mưu rà soát nâng cấp, phát triển hạ tầng CNTT; triển khai thực hiện giai đoạn 1 dự án chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình; nâng cấp, mở rộng hệ thống giao ban trực tuyến của tỉnh về cấp xã, kết hợp các giải pháp cứng và mềm bảo đảm hạ tầng kỹ thuật phục vụ họp trực tuyến liên thông các cấp chính quyền địa phương và Trung ương; phát triển dữ liệu và các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin mạng...”, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết thêm.
 
Box: Hiện, dịch vụ viễn thông, internet băng rộng đã được cung cấp tại 100% địa bàn xã, phường, thị trấn; mạng 3G, 4G phủ sóng trên 85% khu vực dân cư; 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 95% UBND cấp xã đã thiết lập mạng LAN với gần 100% máy tính của CB, CC được kết nối internet.
 
Th.H
 
 

tin liên quan

Phục hồi phát triển kinh tế gắn với xây dựng đô thị thông minh

(QBĐT) - Năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn, nhờ phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ TP. Đồng Hới đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đạt được nhiều kết quả khích lệ.

Bài 2: Phát huy vai trò cán bộ luân chuyển

(QBĐT) - Nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy đã luân chuyển 4 cán bộ về cơ sở. Qua thời gian chưa dài, nhưng các cán bộ luân chuyển đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, cùng với địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, tạo nên sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân.

Gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh

(QBĐT) - Nhân dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, xuân Nhâm Dần 2022 và kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng nay, 20/1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ.