Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tăng cường hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ

  • 21:50 | Thứ Ba, 26/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tại phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đã tham gia thảo luận tại điểm cầu Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận tại điểm cầu Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận tại điểm cầu Hà Nội

Nhất trí với sự cần thiết và quan điểm sửa đổi Luật SHTT đã được thể hiện trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị luật phải bảo đảm quyền nhân thân, quy định quyền nhân thân phù hợp với Luật Dân sự.

Đại biểu nhấn mạnh, Luật SHTT có vị trí rất quan trọng, do đó, yêu cầu phải đồng bộ, không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự như quy định Điều 4, Bộ luật Dân sự 2005.  

Khẳng định SHTT trước hết là quyền nhân thân, đại biểu nêu rõ: Quyền nhân thân là cơ sở pháp lý để bảo vệ cho nhà sáng chế, phát minh, sáng tạo tồn tại với tư cách là một chủ thể độc lập trong cộng đồng. Điều 25, Bộ luật Dân sự định nghĩa “Quyền nhân thân được quy định trong bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác...". Đặc điểm quan trọng nhất là quyền nhân thân gắn liền với một chủ thể nhất định và không thể chuyển dịch. Chẳng hạn tác giả của một kịch bản phim có thể chuyển nhượng quyền sử dụng và khai thác cho nhà sản xuất phim, nhưng quyền mang tên tác giả của kịch bản phim không thể và không bao giờ bị mất.  

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị xem xét bỏ các quyền có thể chuyển dịch được tại khoản 1, khoản 2, Điều 19 và chỉnh sửa các Điều 20 về quyền tài sản, Điều 21 và Điều 22 về quyền tác giả theo hướng tôn trọng quyền nhân thân của người sáng tạo khoa học công nghệ và sáng tác văn học nghệ thuật, đồng thời rà soát sửa đổi các thuật ngữ này ở trong luật này và Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cũng đề nghị cân nhắc về quy định Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả ở Điều 42 của dự thảo luật để khuyến khích lao động sáng tạo và khẳng định rõ quyền nhân thân không thể chuyển nhượng.

Nhà nước chi ngân sách, đầu tư nghiên cứu hoặc giao nhiệm vụ khoa học công nghệ, đặt hàng nghiên cứu thì Nhà nước có thể là giữ vai trò là đại diện chủ đầu tư như những nhà đầu tư khác, cũng có thể là nhà sản xuất, có thể là đại diện chủ sở hữu đối với sản phẩm khoa học công nghệ hay văn học nghệ thuật, nhưng không thể là tác giả hoặc đồng tác giả, vì vậy, không là “chủ sở hữu quyền tác giả” như Điều 42. Vì quy định như vậy không phù hợp với nguyên tắc của Luật Dân sự, vừa không khuyến khích được quyền tự do sáng tạo của những người trực tiếp nghiên cứu, sáng chế, phát minh.  

Phân tích về một số nội dung liên quan của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị xem xét Điều 36 khi tác giả đã có cam kết hoặc chuyển nhượng sản phẩm đối với các cá nhân, pháp nhân khác thì những người nhận chuyển nhượng có thể chủ sở hữu đối với sản phẩm nhưng không thể là chủ sở hữu quyền tác giả.

Đối với quyền đăng ký sáng chế, phát minh được tạo ra từ ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đồng với với phương án 1 trong dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn nữa nội dung của cả 5 điều (Điều 86, 86a, 133a, 136a và khoản 6, Điều 139) theo hướng  cần bảo đảm quyền sáng tạo của những người trực tiếp nghiên cứu, sáng chế, phát minh, đồng thời bảo đảm kiểm soát có hiệu quả nguồn ngân sách, đến tính hiệu quả thiết thực của đầu tư ngân sách cho sáng chế phát minh, tránh hình thức, lãng phí.

Về tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thống nhất về việc dự thảo đã sửa đổi nhiều điều và quy định rõ hơn về tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao so với luật hiện hành. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng đây là vấn đề sẽ có diễn biến phức tạp trong thời gian tới, cần được quy định cụ thể hơn nữa trong luật và có sự rà soát để quy định các vấn đề đã được ổn định.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị bảo vệ quyền SHTT, tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT, khuyến khích lao động trí tuệ sáng tạo. Bên cạnh đó, dự thảo cần chú ý bổ sung cụ thể hơn vấn đề giải quyết tranh chấp về SHTT vì đây cũng là vấn đề có tính thời sự cao trong phát triển kinh tế thị trường và trong mở rộng hội nhập quốc tế.

Ngọc Mai (lược ghi)

  

 

 

 

 

 

tin liên quan

Báo Nhân Dân ra mắt trang thông tin đặc biệt về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26-10, Báo Nhân Dân chính thức khai trương trang thông tin "Lý luận, thực tiễn và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Trên nền tảng thiết kế trực quan, hiện đại, trang thông tin truyền tải đến công chúng những nội dung cốt lõi trong bài viết quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những ý kiến tâm huyết, sâu sắc của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, các học giả và bạn bè quốc tế. 

Luật Cảnh sát cơ động sẽ góp phần cụ thể hóa nội dung bảo vệ quyền con người, quyền công dân

(QBĐT) - Sáng nay, 26-10, trong phiên thảo luận trực tuyến, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách đã tham gia ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Bộ đội Biên phòng tỉnh: Thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII)

(QBĐT) - Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh và các đơn vị trực thuộc trên hai tuyến biên giới đã tổ chức hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4 (khoá XIII).