Khi thanh niên xung kích

  • 07:48 | Thứ Ba, 13/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, thời gian qua, nhiều đoàn viên, thanh niên huyện Quảng Trạch đã nỗ lực tham gia phát triển kinh tế, hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Những thành tích, đóng góp của họ đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Đam mê hoạt động xã hội
 
“Tôi sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, trải qua cuộc sống vất vả, cơ cực nên tôi thấu hiểu được những khó khăn của người nghèo gặp phải. Bởi vậy, khi lớn lên và có cuộc sống ổn định, tôi luôn ấp ủ dự định sẽ làm gì đó để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Năm 2018, tôi quyết định vận động một số bạn bè thành lập Hội tình nguyện Cảnh Dương. Sau khi thành lập, nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...đã được chúng tôi kêu gọi hỗ trợ giúp đỡ”, anh Đỗ Khắc Bôn (SN 1985), Hội trưởng Hội tình nguyện xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) tâm sự.
 
Ban đầu thành lập, Hội tình nguyện xã Cảnh Dương chỉ có vài người tham gia, tuy nhiên, với sức lan tỏa từ những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, sau hơn 3 năm, đến nay, hội đã có 27 thành viên.
 
Mặc dù mỗi thành viên có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều nỗ lực gây quỹ để giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn. Để có kinh phí hoạt động và hỗ trợ các trường hợp khó khăn, hàng tháng, anh đã kêu gọi mỗi thành viên quyên góp số tiền 50.000 đồng.
 
Năm 2020, anh Đỗ Khắc Bôn cùng Hội thiện nguyện Cảnh Dương đã kêu gọi được tổng số tiền 700 triệu đồng để hỗ trợ người dân bị lũ lụt và có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, mỗi năm, hội đều cố gắng thực hiện 2 chuyến thiện nguyện lên miền núi để giúp đỡ đồng bào, tổ chức Tết Trung thu, trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
 
Không chỉ là một thủ lĩnh thiện nguyện nhiệt huyết, trong phát triển kinh tế, anh Bôn còn là đoàn viên năng động, dám nghĩ dám làm.
 
Anh tâm sự: “Tôi vốn quê ở Bắc Giang. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng dược, tôi không trở về quê mà theo vợ vào Quảng Bình lập nghiệp. Dù học dược nhưng tôi lại không có duyên với nghề này. Sau khi lập nghiệp tại quê vợ ở xã Cảnh Dương, tôi làm đầu bếp cho nhà hàng tiệc cưới. Làm được một thời gian, có chút vốn trong tay, năm 2012, tôi quyết định đầu tư mở một nhà hàng riêng, nhưng năm 2013, bị thiệt hại nặng do bão. Năm 2016, tôi tiếp tục mở lại nhà hàng. Thời điểm chưa có dịch bệnh Covid-19, lợi nhuận từ kinh doanh nhà hàng khoảng 300 triệu đồng/năm. Hiện, tôi đang nỗ lực duy trì nhà hàng vượt khó mùa dịch".
 Trang trại tổng hợp của anh Cao Sông Danh cho lợi nhuận 250 triệu/năm.
Trang trại tổng hợp của anh Cao Sông Danh cho lợi nhuận 250 triệu/năm.
Nỗ lực phát triển kinh tế
 
Năm 2018, Cao Sông Danh sinh năm 1988, ở xã Quảng Phương là một trong những đoàn viên công giáo tiêu biểu của huyện Quảng Trạch vinh dự được Tỉnh đoàn tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.
 
Anh kể, vào các ngày lễ lớn, anh kêu gọi đoàn viên trong thôn tham gia treo cờ, vệ sinh đường làng ngõ xóm. Đợt bão lũ lịch sử năm 2020, anh kêu gọi các đoàn viên tham gia di dời, bảo vệ tài sản cho các hộ dân trong thôn. Đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn, anh cũng kêu gọi đoàn viên hỗ trợ kinh phí giúp đỡ.
 
Ngoài những thành tích trong hoạt động đoàn, anh Danh còn được biết đến với vai trò là đoàn viên công giáo làm kinh tế giỏi.
 
Anh chia sẻ: "Tốt nghiệp lớp 12, tôi theo học trường hàng hải. Sau khi học xong, tôi đi làm trên các tàu biển. Do đặc thù công việc phải lênh đênh dài ngày trên biển nên tôi rất nhớ đất liền. Vậy là tôi quyết định nghỉ làm công việc này và bắt đầu học nghề xây dựng. Thế nhưng sau học xong và đi làm được một thời gian, nhận thấy nghề xây dựng cũng khá bấp bênh, thu nhập cũng không được bao nhiêu nên tôi quyết định trở về quê để vừa lập nghiệp, vừa được gần bố mẹ và người thân".
 
Trở về quê, từ mô hình trang trại nhỏ của gia đình, anh bắt tay vào cải tạo và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn rừng. Thế nhưng, do kinh nghiệm chưa có, lứa nuôi này anh bị thiệt hại nặng, nuôi 10 con lợn thì đều chết do bệnh.
 
Không từ bỏ ý định làm kinh tế, anh tiếp tục vào Đồng Nai và tìm đến các trang trại vừa làm thuê vừa học thêm kinh nghiệm. Làm được chừng 2 năm, anh quay trở về quê cải tạo lại trang trại và tiếp tục mua lợn giống về nuôi.
 
Anh cho biết: “Đợt nuôi đó không xảy ra dịch bệnh và lại được giá. Từ 2 con lợn nái và 10 con lợn con, tôi đã phát triển thành đàn lớn. Hiện tại, trong diện tích trang trại hơn 1ha, tôi nuôi 20 con lợn rừng và 20 con lợn trắng; 1 ao nuôi cá với 1.000 con cá trắm và nhiều gà ri, gà chọi. Ngoài ra, tôi cũng trồng thêm nhiều loại cây ăn quả, như: vú sữa, vải thiều, cam, bưởi...”. Với những nỗ lực sau thời gian dài phát triển kinh tế, đến nay, trang trại của anh mỗi năm thu về lợi nhuận 250 triệu đồng.
 
Anh Trương Minh Tuấn, Bí thư Huyện đoàn Quảng Trạch: "Đoàn viên Đỗ Khắc Bôn và Cao Sông Danh là 2 trong số những đoàn viên tiêu biểu của huyện trong thực hiện phong trào phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động xã hội. Trong hoạt động xã hội, họ luôn năng nổ, hết mình với các phong trào thiện nguyện và hoạt động đoàn ở địa phương. Trong lĩnh vực kinh tế, họ là những đoàn viên dám nghĩ, dám làm để vươn lên làm giàu chính đáng, qua đó, đóng góp không nhỏ vào phong trào lập thân, lập nghiệp của đoàn viên thanh niên huyện".
                                                                                                                               
Đoàn Nguyệt