Công tác bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên ở Quảng Bình

  • 15:26 | Thứ Sáu, 21/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quốc hội Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 16-8-1945, "Quốc dân Đại hội” đã được triệu tập tại Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. "Quốc dân Đại hội" Tân Trào đã góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 và tạo cơ sở cho sự ra đời của một thể chế nhà nước mới, đặt nền móng cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và xây dựng Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam, hình thành Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
 
Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam, có chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát các hoạt động tối cao của Nhà nước.Quốc hội khóa I ra đời trong hoàn cảnh cuộc đấu tranh quyết liệt giành và bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Quốc hội ra đời là thành quả, là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp đấu tranh cách mạng.
 
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử nước ta diễn ra ngày 6-1-1946, gồm 403 đại biểu. Đây cũng là sự kiện trọng đại, mở đầu thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thể hiện bước nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta và và sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I vào ngày 2-3-1946. Ngày 9-11-1946, tại kỳ họp thứ 2, khóa I, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với sự nhất trí của 240/242 đại biểu dự họp. Quốc hội đã giao cho Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội căn cứ vào các nguyên tắc đã định của Hiến pháp để thực thi việc lập pháp. Quốc hội khóa I đã hoàn thành trách nhiệm của mình trước nhân dân ở một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, từng bước đưa đất nước vuợt qua những khó khăn, thử thách trên hành trình tìm tòi con đường đổi mới.
 
Sau cách mạng tháng Tám 1945 thành công, chính quyền về tay nhân dân. Chính quyền cách mạng đã ban bố quyền bình đẳng nam nữ, quyền tự do hội họp, quyền bàn luận việc làng, việc nước... Nhà nước hợp pháp, hợp hiến, hợp lòng dân là yêu cầu cấp bách của nước nhà sau khi cách mạng thành công. Phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời do Hồ Chủ tịch chủ tọa ngày 3-9-1945 đã quyết định “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. 
Bác Hồ tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II. (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II. (Ảnh tư liệu)
Ở tỉnh Quảng Bình, tại hội nghị ngày 7-10-1945, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất chủ trương của Trung ương Đảng ấn định ngày bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của cả nước là ngày 6-1-1946. Công tác chuẩn bị cho bầu cử được tiến hành khẩn trương trước 1 tháng. Các đảng viên và các đồng chí lãnh đạo đã về tận các huyện, xã để tập trung chỉ đạo công tác bầu cử Quốc hội khóa I và quán triệt sâu sắc nguyên tắc vận động bầu cử. Việc lựa chọn các đại biểu Quốc hội theo phương châm “khôn khéo, kín đáo, chân thật, không làm ồn ào quá, không tâng bốc quá, không được sử dụng thủ đoạn gian dối, bất chính. Lúc giới thiệu vận động cũng như lúc kiểm phiếu phải sòng phẳng, rõ ràng, hẳn hoi” (trích: Về cuộc vận động bầu cử sắp tới của Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ-chỉ thị 5-11-1945).
 
Công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa I ở tỉnh ta diễn ra rất thuận lợi. Những ứng cử viên đại biểu Quốc hội được giới thiệu qua hiệp thương được nhân dân đồng tình ủng hộ. 5 ứng cử viên gồm các ông: Võ Thuần Nho, Võ Văn Quyết, Đồng Sỹ Nguyên (Nguyễn Đồng), Trần Hường và Hoàng Văn Diệm.
 
Công tác thông tin tuyên truyền cho bầu cử cũng được đưa lên hàng đầu và tổ chức tốt. Từ các thôn, xã cho đến huyện, tỉnh đều tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: mít tinh cổ động, thông báo trên loa truyền thanh... Từ tháng 12-1945, Ty Văn hóa-Thông tin đã hoàn thành việc in ấn tranh cổ động, biểu ngữ, in phiếu bầu cử, danh sách ứng cử viên, cử tri… Đoàn Thanh niên tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm... Thanh, thiếu niên cũng tham gia vào công tác cổ động tại các tuyến đường của thôn, xóm. Điểm bầu cử được đội tuần tra bảo vệ suốt đêm trước ngày bầu cử. Không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử rộn ràng khắp nơi. 
 
Ngày 6-1-1946, khắp nơi trong toàn tỉnh, mọi người dân đủ 18 tuổi không phân biệt già trẻ, nam nữ, hăng hái tham gia đi bầu cử. Các địa điểm bầu cử được trang trí trang trọng, có cờ Tổ quốc, biểu ngữ, hoa tươi. Nhân dân Quảng Bình đã tham gia bầu cử Quốc hội khóa I với tỷ lệ đạt 100% số cử tri. Đây thực sự là một cuộc vận động chính trị rộng lớn phát huy được sức mạnh của nền dân chủ nhân dân, củng cố và bảo vệ chính quyền non trẻ. Nhân dân Quảng Bình đã thấy rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình đối với vận mệnh nước nhà và càng tin tưởng vào chế độ mới, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Quốc hội.
 
75 năm là một chặng đường dài, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ của Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình đã làm tròn sứ mệnh thiêng liêng và cao cả: người đại biểu của nhân dân, là những người có tinh thần yêu nước, thương dân, góp phần vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh nhà, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
 
Trần Thị Diệu Hồng