Không còn cảnh "một chốn hai quê"

  • 14:23 | Thứ Năm, 08/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 10-1-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 862/NQ-UBTVQH14 sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Bình. Theo đó, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) mới hình thành trên cơ sở hợp nhất hai xã Văn Thủy, Trường Thủy.
 
Sau hơn một năm hợp nhất, vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc, đến nay mọi hoạt động của bộ máy hành chính xã Trường Thủy mới đã vận hành thông suốt. Cán bộ và nhân dân trên địa bàn không còn tâm lý ngại khó, ngại khổ vì cảnh “một chốn hai quê”.
 
Những kết quả bước đầu
 
Ông Phạm Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết: “Sau sáp nhập, diện tích tự nhiên toàn xã 2.594ha, dân số 5.695 người; giảm từ 16 thôn xuống còn 9 thôn. Những ngày đầu thành lập xã mới, hoạt động của bộ máy hành chính gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có trường hợp “dở khóc… dở cười” khi cán bộ phải chạy theo dân hoặc dân phải đi tìm cán bộ để giao dịch, giải quyết công việc.
 
Quảng đường từ trụ sở xã Trường Thủy cũ sang trụ sở xã Văn Thủy cũ hơn 7 cây số cũng là một trở ngại lớn khi đội ngũ cán bộ, công chức xã phải “chia đôi” thời gian trong ngày trực tại hai nơi. Riêng chủ tịch, cán bộ địa chính, tư pháp, văn phòng được phân lịch rõ ràng, sáng Văn Thủy, chiều Trường Thủy. Chủ tịch đi đâu, con dấu theo đó. Lịch công tác của bộ máy hành chính xã thông báo rộng rãi cho nhân dân…, từ đó, tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch”.
 
Theo lời Chủ tịch UBND xã Phạm Hữu Tình, sau khi ổn định công tác tổ chức, cán bộ, xã Trường Thủy nhanh chóng tập trung vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, trong đó duy trì, phát huy kết quả đạt được của 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ hai địa phương cũ. “Năm 2020, vượt qua những khó khăn sau sát nhập, ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19, hạn hán, lũ lụt…, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, xã chỉ còn 43 hộ nghèo và 38 hộ cận nghèo. Thu nhập đầu bình quân người đạt gần 46 triệu đồng/năm”, ông Phạm Hữu Tình chia sẻ. 
Trụ sở xã Văn Thủy hiện tại vẫn là điểm giao dịch giữa cán bộ với dân theo lịch sáng Văn Thủy cũ, chiều Trường Thủy cũ
Trụ sở xã Văn Thủy hiện tại vẫn là điểm giao dịch giữa cán bộ với dân theo lịch sáng Văn Thủy cũ, chiều Trường Thủy cũ.
Tổng thu ngân sách toàn xã đạt hơn 9.923 triệu đồng, bằng 142,30% kế hoạch, trong đó thu ngân sách trên địa bàn 1.782 triệu đồng, đạt 150,89%. Tổng sản lượng lương thực 1.568 tấn, các loại cây trồng chủ lực duy trì năng suất ổn định. Tổng đàn gia súc, gia cầm gia tăng về quy mô, chất lượng.
 
Kinh tế rừng có những bước phát triển bền vững với trên 1.902ha, trong đó thông nhựa 351 ha, sản lượng khai thác 501 tấn; có 300ha rừng trồng được khai thác, sản lượng 24.000 ste. Toàn xã trồng mới thêm 300ha rừng; có 6 hộ dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, diện tích 14ha.
 
Tiếp tục gỡ vướng trong công tác cán bộ
 
Một trong vướng mắc lớn nhất của các địa phương sau sáp nhập là công tác cán bộ, với xã Trường Thủy việc sắp xếp, bố trí cán bộ còn có thêm những khó khăn riêng cần tháo gỡ.
 
Trước khi sáp nhập, xã Văn Thủy có 20 cán bộ, công chức và 9 người hoạt động không chuyên trách; xã Trường Thủy có 20 cán bộ, công chức và 10 người hoạt động không chuyên trách. Thời điểm mới sáp nhập, tổng số cán bộ xã có 40 người, quá trình sắp xếp, tinh giản biên chế, nghỉ hưu, còn lại 27 người. Theo lộ trình, cuối năm 2021, tổng số cán bộ, công chức xã Trường Thủy tiếp tục giảm xuống đúng định biên 21 người.
 
Bí thư Đảng ủy xã Trường Thủy Phạm Văn Tư cho biết: “Quá trình kiện toàn, sắp xếp, bố trí, tinh giản cán bộ chúng tôi gặp nhiều thuận lợi khi nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có 3 cán bộ đã luân chuyển; 4 người sinh năm 1963 đồng tình xin nghỉ hưu trước tuổi. Về khó khăn, hiện tại, xã còn 4 công chức lãnh đạo gồm 2 Bí thư Đảng ủy xã, 1 Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và 1 Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã đang hưởng nguyên chế độ lương và phụ cấp nhưng không sắp xếp được vị trí việc làm”.
 
Để gỡ vướng trong công tác cán bộ, ông Phạm Văn Tư cho biết thêm: “Tháng 9-2020, Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh có buổi làm việc với xã Trường Thủy để giám sát tình hình thực hiện quy định pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã và nghị quyết HĐND tỉnh về những người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Tinh thần của buổi làm việc là tiếp tục động viên, khuyến khích những công chức lãnh đạo xã nghỉ hưu trước tuổi, đồng thời có chế độ ưu đãi đối với họ theo đúng quy định pháp luật. Nếu đến thời hạn 31-12-2021, xã Trường Thủy không thực hiện được công tác tinh giản cán bộ theo quy định thì phải báo cáo cụ thể cho các ngành chức năng của huyện và tỉnh để tiếp tục tháo gỡ”.
 
Để chấm dứt tình trạng “một bộ máy, hai nơi làm việc”, đội ngũ cán bộ, công chức xã không phải di chuyển quảng đường cách nhau 7km, giúp người dân thuận tiện hơn trong tất cả giao dịch liên quan đến đời sống xã hội, Chủ tịch UBND xã Phạm Hữu Tình chia sẻ: “Cần thiết phải xây dựng Trung tâm hành chính xã mới tại vị trí tiếp giáp giữa hai địa phương Văn Thủy, Trường Thủy cũ. Vì có “an cư” mới “lạc nghiệp” được. Từ đó, tập trung mọi nguồn lực để phát triển xã nhà đi lên, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân, giúp Trường Thủy trở thành một điểm sáng nông thôn mới phía Tây huyện Lệ Thủy”.
 
Ngô Thanh Long