Kho bạc Nhà nước Quảng Bình: Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến

  • 08:14 | Thứ Hai, 12/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều tiện ích và thuận lợi hơn khi giao dịch chính là kết quả nổi bật mà dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mang lại cho khách hàng khi giao dịch tại Kho bạc Nhà nước. Không chỉ mang lại nhiều thuận lợi cho đơn vị sử dụng, ứng dụng DVCTT đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kho bạc Nhà nước (KBNN) trên địa bàn tỉnh.
 
Trao đổi với phóng viên về việc triển khai DVCTT trên địa bàn, ông Lê Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng KBNN Quảng Bình cho biết: Ngay từ quý II năm 2017, KBNN Quảng Bình đã nhanh chóng triển khai công tác chuẩn bị những bước đầu tiên, sẵn sàng cho việc triển khai DVCTT trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính và UBND tỉnh.
 
Năm 2018, khi việc vận hành và cung cấp DVCTT chính thức được áp dụng trên phạm vi toàn quốc, KBNN Quảng Bình lập tức triển khai thí điểm đợt đầu tiên với tiêu chí lựa chọn là các đơn vị đã có máy tính kết nối internet, máy scan và đặc biệt là chủ tài khoản, kế toán trưởng đã được cấp chứng thư số.
 
Theo đó, 15 đơn vị sở, ban, ngành cấp tỉnh, Phòng Tài vụ KBNN Quảng Bình và 17 đơn vị cấp huyện đã được chọn là các đơn vị tiên phong trong đợt đầu triển khai trên địa bàn.
 
Để triển khai thành công, ngoài việc tuyên truyền về các lợi ích của DVCTT, KBNN Quảng Bình đã bố trí cán bộ hỗ trợ, tập huấn cho các đơn vị tham gia về cách thức đăng nhập chương trình, thao tác nghiệp vụ để thực hiện giao dịch trực tuyến; tham mưu lãnh đạo chính quyền địa phương triển khai trên diện rộng DVCTT tại KBNN Quảng Bình. Sau 2 tháng triển khai thí điểm, DVCTT đã chính thức kết nối 12 đơn vị sử dụng ngân sách với KBNN Quảng Bình.
 
Việc giao nhận chứng từ qua DVCTT đã làm thay đổi nhận thức, đánh giá của đơn vị đối với KBNN trong việc kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước khi nắm bắt cụ thể được thời hạn tiếp nhận, quy trình xử lý hồ sơ kiểm soát chi thông qua các trạng thái thông báo công khai tới khách giao dịch như “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”, “KBNN đang xử lý hồ sơ”, “KBNN đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán”... 
Nhờ thực hiện hiệu quả DVCTT, các giao dịch trực tiếp tại KBNN giảm đáng kể.
Nhờ thực hiện hiệu quả DVCTT, các giao dịch trực tiếp tại KBNN giảm đáng kể.
Từ thành công của đợt triển khai thí điểm với phản hồi tích cực từ phía các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, đến nay, trừ khối an ninh, quốc phòng, 100% đơn vị có giao dịch với KBNN Quảng Bình đã tham gia DVCTT với lượng hồ sơ, chứng từ thanh toán được giao dịch qua DVCTT đạt trên 96%.
 
Theo ông Phạm Tiến Bình, Trưởng phòng Kế toán, KBNN Quảng Bình, thông qua DVCTT, quy trình thủ tục kiểm soát chi kho bạc đã được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian kiểm soát và phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong chu trình kiểm soát chi. Cụ thể, đối với kiểm soát chi đầu tư, thời gian kiểm soát chi đã được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; thời gian xử lý một chứng từ thanh toán được rút ngắn từ 5 phút xuống còn 2 phút so với trước đây do giao dịch viên không phải nhập thủ công vào hệ thống Tabmis.
 
Còn theo đánh giá chung của đội ngũ kế toán tại các đơn vị thường xuyên giao dịch với KBNN Quảng Bình thì lợi ích của DVCTT được thể hiện rõ khi tạo sự công khai, minh bạch hóa trong thủ tục hành chính; hướng đến tăng độ hài lòng, thuận lợi và giảm thời gian, chi phí đi lại, giảm chi phí hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách. Theo đó, các đơn vị sử dụng ngân sách có thể thực hiện gửi hồ sơ và nhận kết quả với KBNN ngay tại đơn vị.
 
Thay vì phải đến trực tiếp tại KBNN, giờ đây, các đơn vị chỉ cần sử dụng DVCTT đẩy chứng từ, thực hiện giao dịch vào bất kỳ giờ nào trong ngày kể cả thứ bảy, chủ nhật. Trường hợp KBNN tiếp nhận, kiểm tra và nhận thấy chứng từ sai sót sẽ lập tức đẩy trả qua DVCTT để các đơn vị bổ sung, chỉnh sửa ngay. Bởi vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, DVCTT đã thể hiện được sự tiện ích, thuận lợi và nhận được những phản hồi tích cực từ phía các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
 
Không chỉ mang lại nhiều thuận lợi cho đơn vị sử dụng, ứng dụng DVCTT đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KBNN Quảng Bình. Thông qua DVCTT, cán bộ giao dịch sẽ giảm thiểu được các giao dịch nhận chứng từ trực tiếp, hiệu quả công việc nhờ đó được nâng cao rõ rệt, hoạt động của KBNN minh bạch hơn, phục vụ các đơn vị, doanh nghiệp, người dân tốt hơn, chuyên nghiệp hơn với 100% hồ sơ DVCTT lĩnh vực KBNN đều được giải quyết đúng hạn.
 
“Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả DVCTT, trong thời gian tới, KBNN Quảng Bình sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị giao dịch nhằm hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao tính chuyên nghiệp và trình độ quản lý tiên tiến của đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Cùng với đó, việc xây dựng quy trình nghiệp vụ theo hướng lãnh đạo KBNN chỉ ký các hồ sơ chứng từ theo mức độ kiểm soát rủi ro hay sớm triển khai phương án lưu trữ điện tử đối với hồ sơ chứng từ giao dịch trên hệ thống DVCTT cũng là điều rất cần thiết nhằm hướng tới “Kho bạc điện tử” với “ba không”: không tiền mặt, không chứng từ giấy, không khách hàng giao dịch tại quầy”, ông Lê Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng KBNN Quảng Bình chia sẻ thêm. 
 
Thanh Hải