Các cơ quan Trung ương trả lời kiến nghị của cử tri Quảng Bình

  • 08:10 | Thứ Ba, 02/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước và sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, cử tri Quảng Bình có 10 kiến nghị gửi tới các cơ quan Trung ương. Hiện nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được 9 văn bản giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan Trung ương đối với 9/10  kiến nghị cử tri do Đoàn tổng hợp gửi Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1 ý kiến vẫn chưa được trả lời.
 
Sau đây là phần tổng hợp ý kiến trả lời của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Giáo dục-Đào tạo đối với các vấn đề liên quan tới lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn hành lang đường Quốc lộ 1A và việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong trường học.
 
Bảo đảm mỹ quan mặt đường Quốc lộ 1A, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành
 
Cử tri phản ánh, hiện nay dọc hai bên tuyến Quốc lộ 1A từ Bắc đến Nam và nhiều đoạn quốc lộ, tỉnh lộ khác, tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh bia mộ; kinh doanh các nguyên liệu phế thải, như: sắt vụn, giấy vụn, đồng nát…, bày hàng ra ngay phía mặt đường để quảng cáo và bán hàng trông rất phản cảm; tạo hình ảnh không đẹp trong mắt du khách, nhất là du khách nước ngoài khi đến thăm quan, du lịch tại các địa phương.
 
Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và chính quyền các các cấp có biện pháp yêu cầu, bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trên phải có quy hoạch gian hàng hợp lý, tạo không gian phía trước sạch đẹp để không gây phản cảm cho người qua đường, đặc biệt là du khách.
 
Trả lời kiến nghị trên, Bộ Giao thông vận tải cho rằng: hành động vi phạm hành lang an toàn đường bộ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong khoản 2, Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ. Tuy vậy, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ để kinh doanh, bán hàng vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương do tình trạng đô thị hóa nhanh, nhu cầu bám mặt đường để kinh doanh của người dân lớn; ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn thấp và chính quyền địa phương chưa quan tâm, xử lý triệt để. Do đó, Bộ đưa ra quan điểm, để xử lý được vấn đề này cần có sự vào cuộc của các ngành, các cấp đặc biệt là chính quyền địa phương.
 
Về phía Bộ Giao thông vận tải, Bộ đã ban hành Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT, ngày 23-9-2015 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, ngày 24-2-2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng bàn hành Thông tư số 39/2011/TT-BCA quy định lực lượng công an kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…
 
Tại các tuyến quốc lộ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ tăng cường quản lý, phát hiện, ngăn chặn, thông báo tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ cho chính quyền địa phương để xử lý, cưỡng chế, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan hai bên đường.
 
Ngày 1-7-2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có Văn bản số 4451/TCĐBVN-QLBTĐB yêu cầu các cơ quan quản lý đường bộ xây dựng kế hoạch và triển khai việc lập lại trật tự, quản lý, bảo vệ kết cấu giao thông đường bộ… Trên cơ sở đó, các Cục quản lý đường bộ, các sở giao thông vận tải đã ra quân xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ, giải tỏa lòng lề đường và vỉa hè trên các tuyến đường bộ… Hàng nghìn biển quảng cáo trái phép bị dỡ bỏ, hàng trăm điểm san lấp, đấu nối bị xử lý.
 
Trong thời gian tới, Bộ và các ngành, các cấp liên quan sẽ tiếp tục chỉ đạo ráo riết vấn đề này để từng bước tạo không gian xanh, sạch, đẹp trên các tuyến đường phục vụ đời sống người dân, khách du lịch.
 
Việc sử dụng điện thoại ở trường về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm
 
Một số cử tri phản ánh, quy định tại Khoản 4, Điều 37 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, ngày 15-6-2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định về các hành vi học sinh không được làm, trong đó có quy định: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép” chưa thực sự phù hợp, khi mà còn nhiều học sinh thiếu tự giác và chăm chỉ trong học tập.
 
Theo cử tri, quy định này đồng nghĩa với việc không cấm học sinh mang điện thoại vào lớp; theo đó, với một lớp học, giáo viên sẽ rất khó kiểm soát hành vi sử dụng điện thoại vào mục đích khác ngoài phục vụ học tập của học sinh. Thực tế, đã có nhiều học sinh lợi dụng việc được mang điện thoại vào lớp để sử dụng vào việc riêng, như: xem phim, chụp ảnh, quay clip đưa lên mạng, vì hiện nay đa số đều sử dụng điện thoại thông minh; những hành vi trên đã làm sao nhãng việc học tập của cá nhân và ảnh hưởng lớn đến việc tập trung học tập của lớp.
 
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: theo quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, ngày 15-6-2020, việc sử dụng điện thoại di động trong trường học cơ bản vẫn là hành vi bị cấm. Để hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học và kinh tế xã hội của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, ngày 18-12-2020 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
 
Trong đó, nhấn mạnh việc không bắt buộc học sinh trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy quyết định theo các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy, đồng thời, giáo viên cần thông báo tới học sinh chỉ sử dụng điện thoại di động như một thiết bị hỗ trợ hoạt động học, tuân thủ quy định về những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học.
 
Diệu Linh
(tổng hợp)