Tầm nhìn Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Sửu 60 năm trước

  • 06:53 | Thứ Bảy, 13/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tân Sửu 60 năm trước, tức là năm 1961. Những năm qua, trong khi kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc và 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã có dịp nghiên cứu rất nhiều di sản Người để lại. Tuy vậy, nhân ngày xuân Tân Sửu 2021, đọc lại bài nói chuyện của Bác tại hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam năm 1961, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về tính thời sự cũng như tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tròn 60 năm về trước.
 
60 năm-quả đất xoay tròn một “lục hoa giáp”, quãng thời gian đủ để “bỏ qua” những gì là giải pháp tình thế, đồng thời khẳng định những giá trị trường tồn với lịch sử. Như việc xây dựng hợp tác xã, thì từ quy mô, cách tổ chức, quản lý ngày nay đã khác xưa; nhưng với một đất nước như Việt Nam thì nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu, có quan hệ đến vận mệnh quốc gia. 60 năm trước, ngay sau Đại hội III của Đảng, giữa hào khí xây dựng kế hoạch 5 năm công nghiệp hóa đất nước theo gương Liên Xô, việc Trung ương mở hội nghị “thảo luận rộng rãi đi sâu vào một vấn đề. Chúng ta phải ra sức tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trong công cuộc phát triển nông nghiệp” (*) đã chứng tỏ tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chủ tịch.
 
Những năm qua, chúng ta vẫn quen nói “Việt Nam là một nước nông nghiệp” và nhiều chính sách nhằm phát triển nông nghiệp đã được ban hành, nhưng chưa lúc nào như năm 2020, trước các sự cố có tầm vĩ mô, chúng ta mới “giác ngộ” là chưa chú trọng toàn diện, đầy đủ đến mặt trận nông nghiệp như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ 60 năm trước. Qua sự cố có tính toàn cầu là dịch Covid-19, kinh tế hầu hết các quốc gia công nghiệp hiện đại đều sụt giảm nghiêm trọng, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đời sống đa số nhân dân tương đối ổn định, chính là nhờ đại bộ phận nhân dân sống dựa vào nền nông nghiệp.
 
Đã có người thốt lên: Thật là may mắn! Nếu nông dân, nông nghiệp cũng đình đốn, mất việc như hàng không, du lịch thì đất nước loạn to! Nói cách khác, nông nghiệp và nông thôn đã là chỗ dựa cho toàn xã hội khi có biến cố. Đây cũng là “bài học” của Việt Nam qua các cuộc kháng chiến, nên từ năm Tân Sửu-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nông nghiệp tốt…làm cơ sở vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà…”. Còn phải nhắc lại “bài học” này vì thế giới cũng như môi trường sinh thái toàn cầu đang bước vào giai đoạn có nhiều biến động bất thường, vị trí của nông nghiệp-nông thôn càng trở nên quan trọng.
 
Một sự số khác đặc biệt nặng nề đối với miền Trung là những đợt bão lũ liên tiếp vừa qua gây ra những thiệt hại to lớn không thể đo lường hết, đã cho chúng ta thấy nhiều khiếm khuyết trong các chính sách đối với nông nghiệp, từ bảo vệ rừng, làm thủy lợi cho đến việc tiêu thụ hàng hóa và xây dựng nhà ở của nông dân… Những điều này đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề trong kỳ họp cuối năm 2020 mà chúng ta đều biết. Hơn nữa, đừng chỉ nhìn nông nghiệp với con số góp vào việc tăng GDP của quốc gia mà đây là "địa bàn" bảo đảm an sinh xã hội, là cái nôi lưu giữ những vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam. 
Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu

Từ những điều nói trên, việc nhắc lại những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh 60 năm trước là rất cần thiết. Người viết một cách thật giản dị: “Có thực mới vực được đạo”, phải làm cho nhân dân ta ngày càng thêm ấm no… Tất cả đường lối, phương châm, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân…”.

Xin lưu ý, dòng chữ in đậm, trong nguyên bản (của NXB Sự thật, 1970) in xiên cũng có nghĩa đây là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm bậc nhất. Phải! Suốt cuộc đời của Người chỉ vì hạnh phúc, vì đời sống của nhân dân, đối nghịch tuyệt đối với những kẻ hoạt động phục vụ “lợi ích nhóm”.
 
Cũng chính vì thế, năm Tân Sửu-1961, thời kỳ miền Bắc chưa có chiến tranh, xã hội tốt đẹp đến mức nhà thơ Tố Hữu viết “Bài ca Xuân 61” có câu: “Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng”; vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh tỉnh “…Cán bộ tiến không kịp với mức độ phát triển của hợp tác xã, ví như những tiểu đội trưởng mà phải chỉ huy những đại đội hoặc tiểu đoàn…Cán bộ quản trị phải chí công vô tư, tài chính phải công khai…” và Người đặc biệt tôn trọng, đề cao quyền dân chủ của nhân dân khi nói xã viên “có quyền cách chức cán bộ nào bất lực…”.
 
Vinh dự riêng cho Quảng Bình, trong bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn, Người “thay mặt Trung ương khen ngợi hợp tác xã Đại Phong và phong trào thi đua với Đại Phong…”.
 
Tròn sáu thập kỷ đã qua. Đất nước, thế giới trải biết bao biến động mà những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở vẫn nguyên giá trị, vẫn soi sáng con đường đi tới tương lai đầy thử thách của dân tộc Việt Nam.
 
Trung Sơn
 
(*) Những dòng in xiên đều trích từ bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam năm 1961.