Nâng cao năng lực giảng dạy lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

  • 14:03 | Thứ Tư, 18/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giảng dạy lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò hết sức quan trọng trong công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho học viên hiện nay, nhằm trang bị một hệ thống tri thức lý luận chính trị khoa học, hiện đại và có định hướng lý tưởng rõ ràng; đồng thời cung cấp cho người học phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, ứng dụng vào thực tiễn một cách tích cực và hiệu quả.
 
Khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị Quảng Bình với chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Ban giám hiệu về các học phần được phân công đảm nhận; trực tiếp giảng dạy các môn học: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tình hình nhiệm vụ địa phương. Khoa có 7 giảng viên với trình độ chuyên môn là thạc sỹ trở lên được đào tạo cơ bản tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các chuyên ngành triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học và tư tưởng Hồ Chí Minh.
 
Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Quảng Bình đã hết sức chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên nói chung và đội ngũ giảng viên lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Vì vậy, đa số giảng viên tham gia giảng dạy các môn học nói trên đều được đào tạo về phương pháp giảng dạy tích cực, nhiệt tình, có trình độ chuyên môn, có phương pháp giảng dạy tốt, đảm nhận được các bài giảng trong nội dung chương trình thuộc khoa đảm nhận. 
Đại diện lãnh đạo nhà trường khen thưởng học viên xuất sắc lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính khóa 24.
Đại diện lãnh đạo nhà trường khen thưởng học viên xuất sắc lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính khóa 24.
Một số giảng viên có ý thức trong việc trau dồi chuyên môn, cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, chất lượng bài giảng ngày càng được nâng lên, phương pháp giảng dạy ngày càng được đổi mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của học viên góp phần vào thành tích chung của nhà trường.
 
Bên cạnh đó lãnh đạo nhà trường tạo điều cho các giảng viên trong khoa tham gia các đề tài khoa học cấp trường như: “Đổi mới phương pháp giảng dạy môn học “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị Quảng Bình”, “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị Quảng Bình giai đoạn hiện nay”... nhằm tăng cường hoạt động khoa học và vận dụng có hiệu quả vào công tác giảng dạy.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế: chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên trong khoa chưa đồng đều, một số giảng viên còn thiếu kiến thức thực tiễn, khả năng sử dụng phương pháp thiếu linh hoạt, sáng tạo; một số nội dung trong bài giảng nặng về lý luận, liên hệ với thực tiễn còn hạn chế, chưa sát với nội dung, đối tượng đào tạo... Trước thực trạng nói trên xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực giảng dạy lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị Quảng Bình
 
Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong tình hình mới; thường xuyên quan tâm công tác quản lý, kiểm định chất lượng giảng dạy của giảng viên, thông qua nhiều kênh để kiểm tra đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên; đồng thời quan tâm giáo dục xây dựng lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức nhà giáo và tinh thần trách nhiệm cho giảng viên.
 
Trường cần chú trọng bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Muốn nâng cao năng lực giảng dạy thì giảng viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, cần có kỹ năng sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, vận dụng hợp lý các phương pháp dạy học hiện đại.
 
Cần phải căn cứ vào đặc điểm của từng bài học, với đối tượng người học cụ thể để có phương pháp giảng dạy thích hợp. Thường xuyên tổ chức dự giờ, trao đổi, rút kinh nghiệm giảng dạy giữa các giảng viên trong khoa; phổ biến, cung cấp thông tin về những nội dung có liên quan đến kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, để giảng viên cập nhật, làm cho bài giảng vừa phong phú, sâu sắc, vừa không lạc hậu với tình hình...
 
Phải gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Giảng viên trước hết phải quán triệt tốt nhiệm vụ của mình và nắm chắc nội dung lý luận chính trị mà mình đảm nhiệm giảng dạy, để qua đó có sự lựa chọn đúng, vận dụng hiệu quả lý luận và thực tiễn; đồng thời đưa đúng những yếu tố thực tiễn vào bài giảng để nâng cao tính thực tiễn trong bài giảng các môn lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc lựa chọn vấn đề thực tiễn để đưa vào giảng dạy phải có tính điển hình, nổi bật, có tính thời sự. Thực tiễn đưa ra phải được phân tích thấu đáo, chỉ rõ giá trị thực tiễn của lý luận để định hướng chính trị, để bài giảng có sức hấp dẫn và thu hút người học...
 
Bên cạnh đó, cần phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác trong tự học, tự rèn nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên. Mỗi giảng viên phải tự mình nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đầu tư nhiều thời gian hơn nữa cho việc chuẩn bị tài liệu, nội dung chương trình trước khi lên lớp. Giảng viên cần phải thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, tăng cường dự giờ những giảng viên có trình độ năng lực sư phạm tốt, có kinh nghiệm; không ngừng trau dồi về kiến thức chuyên môn, không ngừng học tập và tự nghiên cứu, đào sâu suy nghĩ về chuyên môn được phân công giảng dạy.
 
Mỗi giảng viên phải là người làm chủ kiến thức môn mình giảng dạy, muốn vậy trước hết phải hiểu đúng, hiểu sâu sắc bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phải hiểu sâu sắc bản chất cách mạng, tính khoa học của từng nguyên lý, quy luật, khái niệm, phạm trù và toàn bộ học thuyết, tư tưởng trong sự vận động, phát triển, chuyển hóa lẫn nhau, gắn với thực tiễn cách mạng.
 
Giảng viên phải tích cực và không ngừng đổi mới trong hoạt động khoa học và cập nhật kiến thức, thường xuyên sàng lọc, cập nhật những thông tin thời sự, kể cả những quan điểm trái chiều, phản diện; những kiến thức mới, thiết thực với các chuyên ngành đào tạo, lĩnh vực hoạt động trong thời đại bùng nổ thông tin và có nhiều vấn đề tư tưởng phức tạp như hiện nay, đồng thời, loại bỏ những thông tin, kiến thức đã lạc hậu, không còn thiết thực với người học và đặc biệt luôn nắm vững, vận dụng đường lối đổi mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào giảng dạy một cách hiệu quả.
 
Nâng cao năng lực giảng dạy đội ngũ giảng viên nói chung và giảng viên lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng ở Trường Chính trị Quảng Bình. Nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là sự quan tâm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và ý thức chủ động, tự giác, tích cực của đội ngũ giảng viên lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường.
 
ThS. Nguyễn Thị Thúy Cầm
Trưởng khoa Lý luận cơ sở