Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV:

Đoàn ĐBQH Quảng Bình tích cực tham gia thảo luận

  • 08:56 | Thứ Sáu, 06/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 10 từ ngày 20 đến 26-10-2020, Quốc hội đã tiến hành thảo luận một số vấn đề quan trọng, như: Báo cáo kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025… Quốc hội cũng thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật phòng, chống HIV/AIDS, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)…
 
Tại đợt họp trực tuyến này, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình có 2 đại biểu Trung ương tham dự họp tại tòa nhà Quốc hội, 2 đại biểu họp tại đầu cầu địa phương. Tham gia chỉ đạo ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, đại biểu Nguyễn Văn Man đã hy sinh trước thời gian khai mạc kỳ họp một tuần; đại biểu Trần Công Thuật phải thường xuyên túc trực chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu trợ, ứng phó các sự cố lụt bão. Dù vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình vẫn tiến hành đầy đủ, nghiêm túc các hoạt động thảo luận tại các phiên họp.
 Đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Ngọc Phương tham gia thảo luận trực tuyến tại kỳ họp.
Đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Ngọc Phương tham gia thảo luận trực tuyến tại kỳ họp.
Tại phiên họp trù bị, các vị đại biểu Quốc hội mặc niệm đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội, cùng các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) và đồng bào tử nạn trong mưa lũ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội đã quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
 
Tại tuần đầu làm việc, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tham gia 4 lượt phát biểu, 1 lượt tranh luận.
 
Sáng ngày 21-10-2020, phát biểu góp ý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã nêu ý kiến tán thành với việc dự thảo sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú, chuyển từ quản lý thủ công bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý bằng dữ liệu điện tử, bằng các ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng để tránh tình trạng gây phiền hà và bảo vệ quyền lợi của người dân thì nên tiếp tục duy trì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy cho đến ngày 31-12-2022.
 
Góp ý một số nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng cần cân nhắc một số vấn đề, như: Điều 11 dự thảo quy định rằng nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc tạm trú sẽ nảy sinh một số vấn đề bất cập trong quan hệ pháp luật dân sự, trong việc xác định các quyền, nghĩa vụ của người dân trong việc tống đạt các giấy tờ hoặc trong việc xác định thẩm quyền của Tòa án để giải quyết tranh chấp...
 
Vì vậy, cần phải xác định rõ là cá nhân đó phải có một nơi cư trú. Bên cạnh đó, theo đại biểu, quy định này chưa bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Dân sự. Vì vậy, đại biểu Cường đề nghị cần có quy định để Luật Cư trú phù hợp với Bộ luật Dân sự và có hướng dẫn cụ thể về nơi thường xuyên sinh sống. Hoặc nếu thấy cần thiết phải sửa Bộ luật Dân sự để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
 
Chiều ngày 21-10-2020, tham gia phần thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã nêu một số vấn đề để khẳng định những đóng góp to lớn của bộ đội biên phòng, từ đó góp ý hoàn thiện dự án Luật. Theo đại biểu, bộ đội biên phòng là nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới, thường xuyên nắm bắt, phát hiện nhiều tổ chức gián điệp, biệt kích, phản động, dập tắt các vụ gây rối, gây bạo loạn trong vùng dân tộc, tôn giáo ở khu vực biên giới, điều tra phát hiện, xác lập hàng ngàn chuyên án, đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm về ma túy, các đường dây xuất, nhập cảnh trái phép, chuyển giao tài liệu ra nước ngoài, mua bán phụ nữ, trẻ em vận chuyển, lưu hành tiền giả, chống buôn lậu, truyền đạo trái phép trong vùng đồng bào dân tộc ít người…
 
Từ những lập luận đó, đại biểu ủng hộ khoản 2 Điều 12 của dự thảo Luật quy định vai trò của bộ đội biên phòng là chủ trì, duy trì an ninh, trật tự, an toàn khu vực biên giới; khi chưa có lực lượng phối hợp thì biên phòng xử lý các trường hợp duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển.
 
Bàn về Quy định tại Điều 14 khoản 2 và Điều 15 dự thảo luật, nêu quan điểm về việc: quy định bộ đội biên phòng có quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vi phạm của pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu… có chồng chéo với chức năng của hải quan hay không, đại biểu cho rằng: quy định này sẽ đảm bảo sự đồng hành trong vấn đề xử lý các vi phạm tại các cửa khẩu.
 
Theo đại biểu, việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa, phương tiện xuất, nhập cảnh do hải quan chủ trì và thẩm quyền hải quan được xử lý trong phạm vi Luật Hải quan, còn bộ đội biên phòng kiểm soát xuất, nhập cảnh ở các cửa khẩu, đồng thời kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Do đó, việc quy định nhiệm vụ bộ đội biên phòng như dự thảo luật là phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trên địa bàn của hải quan.
 
Góp ý thêm về chế độ cho bộ đội biên phòng quy định tại Điều 28, đại biểu cho rằng khi nói đến lực lượng biên phòng, thường có câu "đồn là nhà, biên giới là quê hương" thể hiện tấm lòng người lính biên phòng với việc thường xuyên gắn bó, yêu mến biên giới. Tuy nhiên, lực lượng này phải chịu đựng những vất vả thầm lặng, như: xa nhà, xa quê, xa gia đình, xa người thân..., gặp không ít khó khăn, thách thức, thẩm chí ảnh hưởng đến tính mạng từ những kẻ phản quốc, buôn bán ma túy, buôn người, gian lận thương mại…
 
Vì thế, đại biểu kiến nghị, luật cần có quy định bổ sung về chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ biên phòng; có chính sách ưu đãi thỏa đáng để người lính biên phòng có niềm tin, trách nhiệm với công tác, đây là điều kiện để gia đình, người thân yên lòng động viên chiến sỹ của mình chiến đấu, giữ vững chủ quyền của đất nước.
 
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sáng ngày 23-10-2020, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Ngọc Phương tiếp tục có bài phát biểu nhấn mạnh vào vấn đề cơ chế để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người nhiễm HIV, cơ chế hỗ trợ các nhóm đồng đẳng.
 
Trong ngày làm việc thứ năm (ngày 24-10-2020), Quốc hội dành thời gian buổi sáng thảo luận về dự thảo Luật bảo vệ Môi trường (sửa đổi). Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đã đề xuất làm rõ thêm trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường; về đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý môi trường; về quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; về quy định rõ đối tượng và nội dung đánh giá tác động môi trường; về quản lý sức khỏe môi trường; về bồi hoàn đa dạng sinh học các dự án đầu tư bởi thiếu sự liên kết, đồng hành tham gia của các tổ chức chính quyền các cấp và cá nhân thì khó phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
 
Sau đợt họp trực tuyến, Quốc hội sẽ tiếp tục họp với hình thức tập trung từ ngày 2-11 đến ngày 17-11-2020.
 
Phong Hồng – Diệu Linh