Dấu ấn đột phá đưa Quảng Bình phát triển nhanh, bền vững

  • 07:58 | Thứ Tư, 28/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức, tạo được những dấu ấn nổi bật. Nhờ đó, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tiếp tục được phát huy, tạo tiền đề vững chắc cho việc phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) nhanh và bền vững cho giai đoạn tiếp theo.
 
Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng đạt khá qua hàng năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,83%, cao hơn nhiệm kỳ trước. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.
 
Lĩnh vực du lịch đã có bước phát triển nhanh, khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Quảng Bình trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư và dần khẳng định được thương hiệu. Mặc dù sự cố môi trường biển và đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất nặng nề đến phát triển du lịch, có thời điểm du lịch bị ngưng trệ hoàn toàn, nhưng tỉnh đã nhanh chóng có sự phục hồi mạnh mẽ về số lượng, chất lượng.Tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình giai đoạn 2016-2020 đạt 19,7 triệu lượt khách;doanh thu tăng bình quân 9-10%/năm. Mạng lưới cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng cao cấp có bước phát triển mạnh.
 
Các sản phẩm, loại hình du lịch mới, như: du lịch mạo hiểm, sinh thái, du lịch trải nghiệm... được đưa vào khai thác có hiệu quả. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh, các loại hình giải trí và phương tiện truyền thông quốc tế, tổ chức các sự kiện, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực và các trung tâm du lịch trong nước và quốc tế ngày càng có quy mô, chuyên nghiệp.
 
Các khu du lịch, như: Vũng Chùa-Đảo Yến, Nhật Lệ-Bảo Ninh, suối nước nóng Bang và du lịch tâm linh phía Nam của tỉnh đã hình thành rõ nét trong bản đồ du lịch của tỉnh, ngày càng phát huy hiệu quả. Đặc biệt, Khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Du lịch đã tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, xã hội phát triển, nhất là các ngành kinh tế dịch vụ, xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị.
 
Hoạt động thương mại đã thu hút được nhiều dự án phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ có quy mô lớn, văn minh, tiện ích, như: Siêu thị Co.opmart Quảng Bình, Trung tâm thương mại Vincom Đồng Hới và các siêu thị, cửa hàng tiện ích ở các huyện, thị xã, thành phố. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 13,5%/năm.
 
Trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Trong đó, chú trọng kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị. Đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung; sản xuất theo hướng an toàn, nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; tích cực dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, sản xuất trên cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất...
 
Nhờ đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,95%/năm; sản lượng lương thực bình quân đạt 30,5 vạn tấn/năm (tăng 2 vạn tấn so với nhiệm kỳ trước); sản lượng thủy sản liên tục tăng, năm 2020 đạt 88.000 tấn; tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp năm 2020 chiếm 52,6%; độ che phủ rừng đạt 67,7%, đứng thứ hai toàn quốc.
 
Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện quyết liệt, sáng tạo, chú trọng lồng ghép và sử dụng hợp lý các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa và đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ đó, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống dân cư nông thôn được cải thiện. Đến hết năm 2020, số tiêu chí nông thôn mới đạt bình quân 16,5 tiêu chí/xã; có 79/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 61,72%, trong đó, có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
 Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi và tặng quà cán bộ, công nhân trên công trường dự án
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi và tặng quà cán bộ, công nhân trên công trường dự án "Hệ thống thủy lợi Rào Nan".
Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ, thương mại và một số vùng động lực, như: Khu Kinh tế Hòn La, Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo, thành phố Đồng Hới, vùng ven biển... được tập trung đầu tư, ngày càng phát huy hiệu quả. Nhiều quy hoạch quan trọng định hướng phát triển KT-XH và đô thị được phê duyệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, đã lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm định hướng, cơ sở đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
 
Ngành công nghiệp từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế trọng điểm khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 8,53%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo; năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư lớn đầu tư thực hiện nhiều dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, như: dự án "Cụm trang trại điện gió B&T" có tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng; dự án "Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy" có tổng vốn đầu tư hơn 1.430 tỷ đồng; dự án "Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và II"...
 
Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH có bước phát triển mới, từng bước đồng bộ với tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt trên 93.000 tỷ đồng. Nhiều dự án quan trọng đã được đưa vào sử dụng, như: cầu Nhật Lệ 2, tỉnh lộ 565, đường từ thị trấn Hoàn Lão đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đường nối Khu Công nghiệp Hòn La với Khu Công nghiệp xi măng tập trung Tiến-Châu-Văn Hóa, hệ thống đường Hồ Chí Minh nhánh Đông... 
 
Các hồ chứa, công trình ngăn mặn, hệ thống đê bao sông biển, hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản và các công trình nước sạch được đầu tư, nâng cấp. Năm 2020, tỷ lệ tưới tiêu chủ động đạt 97,7%; có 97,2% dân số đô thị sử dụng nước sạch và 94% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. Hệ thống lưới điện được đầu tư xây dựng tương đối hoàn thiện. Năm 2020, có 98,68% xã, phường, thị trấn có điện lưới; 99,8% hộ dân sử dụng điện.
 
Hoạt động tài chính, tín dụng chuyển biến tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH. Trong đó, thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 17,4%/năm; tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt 22.352 tỷ đồng. 
 
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả cao hơn với môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện và tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư. Cùng với đó, chính sách thu hút đầu tư chú trọng về chất lượng, có chọn lọc, nhất là ở các lĩnh vực quan trọng, tỉnh có thế mạnh, như: du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Số lượng nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ngày càng tăng, trong đó, nhiều nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu đã và đang đầu tư tại tỉnh. Qua đó, đã huy động được nguồn lực lớn để phát triển kinh tế. Giai đoạn 2016-2020, thu hút được 25 dự án ODA, trong đó, có 9 dự án chuyển tiếp và vận động mới 16 dự án; thu hút 11 dự án FDI; vận động 103 dự án NGO.
 
Các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp tiếp tục được củng cố, phát triển. Giai đoạn 2016-2020, có khoảng 3.000 doanh nghiệp được thành lập, đưa tổng số doanh nghiệp đến hết năm 2020 có 7.020 doanh nghiệp.
 
Công tác quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên, môi trường ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đặc biệt, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quan tâm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư; tài nguyên, khoáng sản được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn; nhận thức về bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét; tỷ lệ thu gom rác thải đạt 77,5%...
 
Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Hệ thống trường, lớp, quy mô giáo dục tiếp tục ổn định, phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng và nâng cao trình độ đào tạo, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển KT-XH. Chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều tiến bộ, học sinh giỏi đạt kết quả khá cao trong các kỳ thi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục THCS mức độ III; 47,3% trường mầm non, 90% trường tiểu học, 59% trường THCS, 42,4% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Đào tạo đại học, cao đẳng, đào tạo nghề từng bước đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động.Lĩnh vực khoa học và công nghệ có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH.
 
Việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng với chất lượng khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ và ngày một nâng cao ở các tuyến với tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế đổi mới tích cực. Công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, chương trình mục tiêu y tế-dân số được thực hiện có hiệu quả. Năm 2020, có 92,45% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc; 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi giảm dưới 10‰ và dưới 5 tuổi giảm dưới 15‰.
 
Hoạt động văn hóa, thể thao đã có bước phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu Nhân dân. Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt kết quả tích cực và đời sống văn hóa cơ sở tiếp tục được nâng lên; đã có những giải pháp phù hợp nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển với bảo tồn di sản văn hóa.
 
Tỉnh đã tổ chức thành công một số lễ hội, chương trình nghệ thuật đặc sắc mang nét đặc trưng riêng của Quảng Bình để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương trong và ngoài nước.
 
Thể thao thành tích cao có nhiều bứt phá vượt bậc, vận động viên Quảng Bình liên tục đạt các giải cao tại đấu trường châu Á, khu vực, trong nước và vinh dự đại diện cho thể thao nước nhà tham dự Olympic thế giới.
 
Đặc biệt, đã xây dựng và khánh thành Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Quảng Bình”, Đền thờ “Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ tỉnh”-công trình có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà, nhằm giáo dục truyền thống và khắc ghi sự kiện Bác Hồ về thăm Quảng Bình vào ngày 16-6-1957.
 
Lĩnh vực thông tin và truyền thông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là hoạt động báo chí, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở, thông tin điện tử được chú trọng, thông tin đại chúng đã có bước phát triển mạnh mẽ; việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, tích cực xây dựng chính quyền điện tử; hạ tầng nền tảng của chính quyền điện tử được triển khai, đầu tư; đẩy mạnh trao đổi văn bản trên môi trường mạng thay văn bản giấy, họp trực tuyến, họp không giấy, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4; kết nối liên thông với trục quốc gia.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật thăm hỏi và tặng quà gia đình chính sách.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật thăm hỏi và tặng quà gia đình chính sách.
Công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, an sinh xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 2,1%/năm; hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm 4,6%/năm; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,81%/năm. Dự ước, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2020 giảm xuống dưới 4%. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công, công tác giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ hơn..., đời sống Nhân dân được cải thiện.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được nổi bật nói trên, trong phát triển KT-XH vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là: tốc độ tăng tổng sản phẩm, GRDP bình quân đầu người, thu ngân sách trên địa bàn, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Đời sống người dân một số vùng còn khó khăn, nhất là tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn cao. Một số hạn chế trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường chậm được khắc phục...
 
Thành quả của 5 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI chính là nền tảng vững chắc để mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh ta bước vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với quyết tâm: Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, quyết tâm đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.
 
Đồng chí Trần Công Thuật
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh