Thực hiện quy định người đứng đầu cấp ủy tiếp dân, đối thoại với dân:

Những kết quả bước đầu

  • 11:08 | Thứ Hai, 28/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình là một trong những tỉnh, thành của cả nước triển khai sớm Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân (sau đây gọi tắt là Quy định 11) gắn với Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10-1-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
 
Tạo chuyển biến trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
 
Phiên tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân đầu tiên tổ chức vào ngày 24-4-2019. Đến nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thực hiện được 12 phiên định kỳ tiếp 134 lượt công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo (KNTC). Trong đó, chỉ đạo giải quyết dứt điểm 128 trường hợp.
 
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác tiếp, đối thoại với dân và giải quyết KNTC của nhân dân trên địa bàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Tổ công tác của Bí thư Tỉnh ủy để kiểm tra, rà soát việc giải quyết một số vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài. Đây là một kênh tham mưu rất quan trọng giúp Bí thư Tỉnh ủy nắm bắt, chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Tổ công tác tiếp nhận 3 vụ việc, trong đó 1 vụ việc được rà soát, kiểm tra, tham mưu chỉ đạo giải quyết dứt điểm, 2 vụ việc đang trong quá trình rà soát.
 
Cùng với việc tiếp dân của Bí thư Tỉnh ủy, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy xã, phường, thị trấn đồng loạt triển khai việc tiếp dân của bí thư cấp ủy. Bí thư cấp ủy cấp trên cơ sở tổ chức 81 phiên tiếp công dân với 276 lượt người; cấp xã, phường tổ chức 2.169 phiên, tiếp 678 lượt người.
 
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Quy định số 11, vai trò, trách nhiệm cấp ủy các cấp trong tiếp, đối thoại với dân, giải quyết KNTC công dân ngày càng được chú trọng, nâng cao, nhất là cá nhân đứng đầu cấp ủy. Người dân càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng về giải quyết KNTC, phản ánh, kiến nghị công dân… Qua công tác kiểm tra, rà soát của các cơ quan tham mưu và cách giải quyết “thấu tình đạt lý” từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến bí thư cấp ủy các cấp giúp người dân hiểu, đồng tình, đồng thuận. Nhiều vụ việc chỉ đạo giải quyết từ cơ sở, tránh phát sinh “điểm nóng” phức tạp hay dư luận bức xúc kéo dài.
Công dân đến đăng ký tham gia phiên tiếp công dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy
Công dân đến đăng ký tham gia phiên tiếp công dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy
Cấp tỉnh quá tải, cấp huyện thong thả, cấp xã đìu hiu
 
Số lượng công dân đăng ký tại các phiên tiếp, đối thoại với dân của Bí thư Tỉnh ủy rất lớn. Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Quy định 11 cho thấy có phiên lên đến 25 trường hợp đăng ký. Trong khi đó, phiên tiếp, đối thoại với dân của bí thư cấp huyện, thị xã, thành phố có chiều hướng giảm dần, chỉ một vài trường hợp đăng ký, phần lớn đã được tiếp, giải quyết nhiều lần. Ở cấp cơ sở, nhiều xã, phường, thị trấn các phiên tiếp, đối thoại với công dân nhiều lúc không có người đăng ký.
 
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là nhiều vụ việc KNTC ở cơ sở giải quyết chậm, chưa đúng bản chất, chưa phù hợp thực tế nên không dứt điểm KNTC. Tình trạng né tránh, đùn đẩy trong giải quyết KNTC phức tạp vẫn còn xảy ra.
 
Đáng chú ý, một số trường hợp công dân cố ý hiểu sai những quy định pháp luật, thiếu tính xây dựng trong phản ánh, kiến nghị, thậm chí có tư tưởng chống đối, tiếp tục gửi đơn nhiều lần, gửi đến nhiều cơ quan, gửi đơn vượt cấp và liên tục đến phản ánh tại phiên tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy cao hơn để cầu may, tìm kiếm sự chỉ đạo khác hơn có lợi cho mình mà không lựa chọn giải quyết tại tòa án theo quy định pháp luật, gây khó khăn cho công tác tiếp dân, chỉ đạo giải quyết và xử lý đơn thư của các cấp ủy đảng, chính quyền.
 
Ngoài ra, người dân tại TP.Đồng Hới và các địa phương lân cận luôn lựa chọn đến thẳng TP.Đồng Hới đăng ký, mong được chính Bí thư Tỉnh ủy tiếp. Đây chính là áp lực lớn trong các phiên tiếp dân của Bí thư Tỉnh ủy. Mặt khác, gây ra lãng phí về mặt thời gian, nhân lực, vật lực tại các địa phương, đơn vị.
 
Thiếu những cuộc đối thoại có nội dung hiến kế, góp ý xây dựng
 
Nhìn chung, các vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân chủ yếu liên quan đến quyền lợi trực tiếp từng cá nhân, rất ít trường hợp đến đối thoại để hiến kế, góp ý xây dựng với người đứng đầu cấp ủy các cấp trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị.
 
Đáng chú ý, việc phản ánh, kiến nghị về “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên bị một số đối tượng dùng làm “bình phong” tố cáo người giải quyết KNTC cho mình nhưng không đạt được mục đích cá nhân mong muốn. Nguyên nhân chính là do thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể về phản ánh, kiến nghị, KNTC thuộc thẩm quyền xử lý của người đứng đầu cấp ủy nên công dân có tâm lý gửi đơn thư về tất cả các lĩnh vực với mong muốn đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp xem xét giải quyết.
 
Bên cạnh đó, nhận thức, hiểu biết pháp luật một bộ phận người dân còn hạn chế; một số người lợi dụng quyền KNTC, lợi dụng dân chủ hoặc vì lợi ích cá nhân cố tình bám người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để tái khiếu kiện kéo dài. Xuất hiện hiện tượng liên kết, lập tổ nhóm trong KNTC khiến tình hình thêm phức tạp.
 
Cấp xã lúng túng trong tổ chức thực hiện
 
Việc tổ chức tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC công dân tại cấp xã nhiều nơi còn lúng túng, bao gồm cả việc triển khai thực hiện Quy định số 11. Việc xác định nội dung đơn thư, thẩm quyền giải quyết, ban hành văn bản thụ lý, trả lời công dân chưa bảo đảm quy trình, quy định; chưa chú trọng công tác tuyên truyền, hòa giải, đối thoại trực tiếp với công dân dẫn đến chất lượng giải quyết thấp.
 
Nguyên nhân chính là do việc hướng dẫn thực hiện của Trung ương chưa kịp thời, cụ thể, trong khi Quy định số 11 có hiệu lực thi hành ngay kể từ ngày ký, nên thời gian đầu tổ chức thực hiện ở cấp huyện và cấp xã gặp nhiều lúng túng, đặc biệt là việc xây dựng quy chế, phân công cơ quan chủ trì, phối hợp trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư của người đứng đầu cấp ủy cấp huyện, cấp cơ sở.
 
Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và một số cơ quan, đơn vị chưa cao, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa phối hợp tốt trong quá trình giải quyết vụ việc. Cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết đơn thư KNTC; một số cán bộ, công chức thiếu tâm huyết, kỹ năng tiếp công dân.
 
Những kiến nghị, đề xuất
 
Từ thực tiễn việc tổ chức tiếp, đối thoại trực tiếp với dân của người đứng đầu cấp ủy thời gian qua, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy định số 11 trong thời gian tới, Bộ Chính trị, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan Trung ương cần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng mô hình “tiếp dân chủ động” thống nhất trong toàn quốc. Tập trung tiếp, đối thoại với dân, nội dung liên quan đến các vấn đề nổi cộm như: suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của cán bộ, đảng viên; các kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện và nâng cao chất lượng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của hệ thống các cơ quan Đảng, chính quyền; các kiến nghị liên quan đến “quốc kế, dân sinh” và các vụ việc phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm…
 
Chỉ đạo sửa đổi Luật Khiếu nại 2011 theo hướng hoàn thiện quyền khiếu nại của công dân. Bảo đảm tính khách quan, công khai, dân chủ trong quá trình giải quyết; khuyến khích  người dân phát huy quyền khởi kiện tại toà án; đơn giản hóa  trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu. Đề cao vai trò các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội và đội ngũ luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại.
 
Xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng quyền dân chủ, quyền KNTC của công dân để kích động, lôi kéo, xúi giục tổ chức khiếu nại đông người, vượt cấp; tố cáo sai sự thật, vu khống cán bộ, đảng viên.
 
Chỉ đạo xây dựng, triển khai sử dụng thống nhất phần mềm quản lý công tác tiếp dân, xử lý đơn thư đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để tạo thuận lợi trong công tác theo dõi các vụ việc, xử lý đơn thư của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.
 
Võ Bá Phong
(Ban Nội chính Tỉnh ủy)