Nối tiếp mạch nguồn cách mạng

  • 12:42 | Thứ Ba, 01/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ Đề đốc, Tam giáp Tiến sỹ võ Lê Trực, người có công phò vua Hàm Nghi hưởng ứng chiếu Cần vương đánh Pháp, đến ngày những “hạt giống đỏ” được Đảng ươm mầm và phát triển trên Thanh Thủy thế kỷ trước, mạch nguồn yêu nước trên mảnh đất Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) anh hùng chưa bao giờ ngừng chảy. Và ngày nay, cán bộ và nhân dân nơi đây đang từng ngày viết tiếp trang sử truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.   
 
Chỉ sau 2 ngày Ủy ban Khởi nghĩa huyện Tuyên Hóa được thành lập (ngày 20-8-1945), do đồng chí Lê An là Chủ tịch, chiều ngày 22-8-1945, các đồng chí đảng viên của Chi bộ Thanh Thủy (nay là xã Tiến Hóa) nhận lệnh tham gia khởi nghĩa tại làng xã và huyện lỵ Tuyên Hóa. Các đồng chí đảng viên nhanh chóng có kế hoạch và phân công nhau mỗi người một ngả về các thôn xóm động viên mọi tầng lớp nhân dân chuẩn bị lực lượng để lên đường giành chính quyền ở huyện.
 Diện mạo đổi thay của xã nông thôn mới Tiến Hóa.
Diện mạo đổi thay của xã nông thôn mới Tiến Hóa.
Suốt đêm ngày 22-8, sau khi nhận lệnh tổng khởi nghĩa của tỉnh, Mặt trận Việt Minh huyện phân công cho cán bộ về các vùng huy động quần chúng may thêm cờ, khẩu hiệu và tìm kiếm thêm các loại vũ khí cầm tay: gươm, đại đao, giáo, mác, gậy gộc... Ngay trong đêm, nhân dân Thanh Thủy, Châu Hóa, Mai Hóa và các xã lân cận tiến về huyện lỵ Minh Cầm cướp chính quyền.
 
Rạng sáng ngày 23-8, các lực lượng khởi nghĩa đã bao vây kín huyện lỵ. Sau tiếng súng lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa vang lên, bốn phía huyện lỵ Tuyên Hóa đông kín người với vũ khí, giáo, mác, đại đao, gậy gộc, liềm, búa, cờ đỏ sao vàng... Tiếng reo hò vang vọng bầu trời. Hoảng sợ trước sức mạnh áp đảo của quần chúng, Tri huyện Nguyễn Ba bỏ trốn, chạy về nhà thờ Hướng Phương trú ẩn. Cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa), tập 1 (1930-1975)" đã ghi lại diễn biến không khí sục sôi trong những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 như thế.
 
Để có những thời khắc đi vào lịch sử đó, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân ở Tiến Hóa đã sớm hình thành và phát triển mạnh mẽ. Năm 1923, sau khi Đề đốc, Lãnh binh phong trào Cần vương Lê Trực tạ thế tại quê nhà (thôn Thanh Thủy), trên mảnh đất này, 1 nhóm thanh niên yêu nước gồm 4 người: Hà Suyền, Trần Diên, Lê An, Nguyễn Kế đã được thành lập nhằm khơi dậy và giáo dục truyền thống yêu nước, kháng chiến chống Pháp.
 
Tháng 6-1931, được sự giác ngộ tư tưởng và lập trường cách mạng, trên cơ sở nhóm Thanh niên này, tổ chức Nông Hội đỏ được thành lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 7-1937, đồng chí Đoàn Bá Thừa (đặc phái viên Xứ ủy Trung kỳ) đã làm lễ tổ chức kết nạp chính thức 3 thanh niên Hà Suyền, Trần Diên, Lê An vào Đảng Cộng sản Đông Dương và thành lập tổ Đảng Thanh Thủy.
 
Cũng theo cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Tiến Hóa", từ những “hạt giống đỏ” đầu tiên được Đảng đem gieo mầm trên đất Thanh Thủy, phong trào đấu tranh cách mạng đã không ngừng đâm chồi nảy lộc sang đất Kinh Châu, Uyên Phong, xuống Cương Gián, Ngọa Cương, lên Xuân Mai. Từ Tổ Nông Hội đỏ đến sự ra đời và hoạt động của Chi bộ Thanh Thủy, từ một số ít người được giác ngộ (năm 1930-1931, 1939-1943) cho đến trước ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa, trên mảnh đất anh hùng Tiến Hóa đã có một đội ngũ quần chúng đông đảo đứng trong các tổ chức và được tập dượt qua các phong trào đấu tranh cách mạng theo chủ trương của Đảng.
 
Đã 75 năm trôi qua, thế nhưng trong ký ức của bà Cao Thị Sao (95 tuổi) ở thôn Đông Tân, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa), nhân chứng hiếm hoi còn lại của những năm tháng sục sôi không khí chuẩn bị trước ngày khởi nghĩa cướp chính quyền vẫn còn nguyên vẹn. Dường như tuổi tác và thời gian vẫn không xóa nhòa ký ức của người cán bộ tiền khởi nghĩa về những năm đầu nổ ra Cách mạng tháng 8-1945.
 
Điều đáng nói, gia đình bà là một trong những gia đình hiếm hoi ở xã Tiến Hóa có đến 2 cán bộ tiền khởi nghĩa gồm ông Cao Thái, bố đẻ của bà và bà. Ông Cao Thái, vốn là một thợ rèn, nhưng sớm giác ngộ lý tưởng và tham gia hoạt động cách mạng. Thế nhưng phải đến tận sau ngày tổng khởi nghĩa, bà mới biết những chuyến đi xa, vắng nhà nhiều tháng trước đó, bố bà không chỉ đi làm rèn, mà còn ngụy trang để hoạt động cách mạng.    
Nhà đồng chí Lê An, một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Thanh Thủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa từ tháng 11-1945.
Nhà đồng chí Lê An, một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Thanh Thủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa từ tháng 11-1945.
Bà kể rành rọt, từ năm 1942, bà đã được bí mật huấn luyện để làm liên lạc cho những người hoạt động cách mạng trên địa bàn. Người dẫn dắt huấn luyện bà không ai khác chính là bố bà và các đồng chí của ông. Bà kể: "Nghe mấy chú, mấy bác hướng dẫn, bảo làm như thế này, như thế kia thì làm theo thôi. Chứ với một cô bé mới 16 tuổi lúc đó, tôi không nghĩ chính mình đang cũng đang tham gia hoạt động cho cách mạng. Bởi nếu bị lộ, không chỉ bản thân bị nguy hiểm, mà tổ chức cũng bị bắt bớ, khủng bố. Lúc đó, hễ có tin tức, hay cần liên lạc gì, tôi lại một mình cải trang đi đưa tin hoặc thư. Những bức mật thư chỉ là một miếng giấy nhỏ chỉ bằng 2, 3 ngón tay, được viết bằng những ký hiệu. Địa điểm giao nhận cũng bí mật không kém. Những hôm về giao mật thư ở các địa điểm Pháp Kệ, Hòa Ninh, tôi phải cải trang thành người đi chợ bán rau, nấm...".
 
Một tháng có khi vài ba lần, có khi từ 2 đến 3 tháng/lần đi liên lạc. May sao những chuyến ngược xuôi ấy, bà đều lọt qua sự kiểm soát của kẻ thù, góp phần kết nối bền chặt và liên tục các cơ sở cách mạng hoạt động trong lòng dân từ thuở mới gây dựng, phát triển. Bà bảo, trải qua gần trọn 1 thế kỷ, dù giờ đây chân yếu, mắt mờ, bà vẫn cảm thấy mình là người may mắn vì đã từng sống trong những ngày tháng gian khổ mà anh hùng ấy, vừa lại có được may mắn chứng kiến những đổi thay của đất nước, quê hương kể từ ngày có Đảng.
 
Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa Hoàng Trọng Tài tự hào cho biết, phát huy truyền thống anh hùng của lớp lớp cha ông đi trước, những năm qua, cán bộ, nhân dân xã Tiến Hóa đã không ngừng khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết, phấn đấu vươn lên, chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đời sống nhân dân và diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 45 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 14,6% năm 2015, đến nay còn 6,1% (hàng năm giảm bình quân 4,1%). Năm 2018, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Đảng bộ xã cũng là đơn vị nhiều năm liền được công nhận tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Kế thừa di sản ông cha đã gây dựng, thời gian tới, Tiến Hóa xác định mục tiêu tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và thương mại-dịch vụ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.  
 
Dương Công Hợp