HĐND huyện Lệ Thủy: Tăng cường công tác giám sát

  • 21:03 | Chủ Nhật, 20/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, HĐND huyện Lệ Thủy đã triển khai nhiều chuyên đề giám sát quan trọng được nhân dân quan tâm. Qua thực hiện công tác giám sát, HĐND huyện đã chỉ ra kết quả đạt được cũng như  tồn tại, hạn chế để các đơn vị khắc phục; đề xuất UBND huyện, các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, trăn trở của các đơn vị được giám sát.
 
Thực hiện công tác giám sát, Thường trực, các ban và đại biểu HĐND huyện Lệ Thủy đã chủ động xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện; trong đó, chú trọng việc chọn nội dung giám sát phù hợp với chuyên môn của các ban và những vấn để nổi cộm được cử tri quan tâm. 
 
Theo đó, Thường trực HĐND huyện đã giao cho Ban Kinh tế-Xã hội giám sát chuyên đề tình hình triển khai và tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-dịch vụ du lịch (CN-TTCN-DVDL) trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020. 
 HĐND huyện Lệ Thủy quan tâm giám sát các chính sách về dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
HĐND huyện Lệ Thủy quan tâm giám sát các chính sách về dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Hiện tổng số cơ sở sản xuất trong lĩnh vực CN-TTCN-DVDL toàn huyện là 2.837 cơ sở, bao gồm khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân, thu hút trên 7.000 lao động. Từ năm 2016 đến 2020, ngân sách huyện hỗ trợ lĩnh vực CN-TTCN-DVDL là 3.700 triệu đồng. Một số đơn vị đã có sự phát triển, tự đứng vững, đổi mới tư duy, sản xuất được nhiều mặt hàng có giá trị về kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
 
Tuy nhiên, việc bố trí nguồn ngân sách dành cho hoạt động phát triển CN-TTCN-DVDL còn hạn hẹp, gây khó khăn cho mở rộng sản xuất, thị trường tiêu thụ. Một số xã chỉ đạo còn lúng túng, chưa sâu sát, thiếu các dự án cụ thể, tư tưởng còn trông chờ vào cấp trên.
 
Đa số các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực CN-TTCN- DVDL có quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, chậm đổi mới, khả năng xúc tiến thương mại còn yếu, chưa có chiến lược phát triển bền vững. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số địa phương vẫn chưa kiểm soát được, ảnh hưởng đến sự phát triển của làng nghề. Nguồn nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao còn thiếu, chưa qua đào tạo…
 
Ông Võ Xuân Bình, Trưởng ban Kinh tế-Xã hội HĐND huyện Lệ Thủy cho biết: “Sau khi giám sát, chúng tôi đã đề nghị UBND huyện tiếp tục chỉ đạo phòng, ban, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn sử dụng lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển CN-TTCN-DVDL, gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường.
 
Trong đó, ưu tiên hỗ trợ, đầu tư cho các cơ sở ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản và xử lý môi trường”...
 
Qua giám sát chuyên đề thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015-2020, HĐND huyện nhận thấy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, cơ sở triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đã được phê duyệt hàng năm đối với 3 nhóm đất gồm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng.
 
Công tác đấu giá và giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; khảo sát, lập dự án tạo quỹ đất; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhìn chung đã được thực hiện đúng quy định. Công tác thu hồi đất cơ bản phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn…
 
Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy, chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa cao, chưa theo kịp đòi hỏi phát triển của địa phương. Việc triển khai kế hoạch sử dụng đất của một số đơn vị cơ sở còn chậm, lúng túng, nhất là trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Nhiều chỉ tiêu sử dụng đất không đạt kế hoạch đã được phê duyệt hàng năm.
 
Việc triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thiếu đồng bộ, chồng chéo giữa các phòng ban, đơn vị và các xã, thị trấn. Một số dự án tạo quỹ đất vẫn còn bất cập, vướng mắc từ việc khảo sát, lựa chọn khu đất để lập dự án đến công tác lập hồ sơ, tổ chức thi công dẫn đến tiến độ triển khai chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao...
 
Từ những vấn đề thực tiễn trên, HĐND huyện đã đề nghị UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan sớm ban hành quy định về thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh nhằm gắn trách nhiệm cụ thể cho các phòng ban, đơn vị có liên quan và trách nhiệm của UBND cấp xã; rút ngắn thời gian nộp tiền vào ngân sách; xem xét để giao cho các xã, thị trấn làm chủ đầu tư đối với các dự án phát triển quỹ đất nhỏ lẻ.
 
Đồng thời, cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị, cơ sở trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm tính khả thi, không để lặp lại những tồn tại, thiếu sót trong giai đoạn trước…
 
Ông Nguyễn Đình Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Lệ Thủy cho biết, đối với các chuyên đề sau khi được giám sát, HĐND huyện đều có kiến nghị, đề xuất và cơ bản được các cấp có thẩm quyền quan tâm, giải quyết thấu đáo, mang lại niềm tin cho cử tri. Hiện tại, HĐND huyện Lệ Thủy đang giám sát chuyên đề về triển khai thực hiện các mô hình kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới.
 
Thời gian tới, HĐND huyện và các phòng ban, đơn vị có liên quan sẽ giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UBND xã, thị trấn…
 
Xuân Vương