Nỗ lực xây dựng huyện Lệ Thủy cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới

  • 08:50 | Thứ Tư, 05/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lệ Thủy luôn đoàn kết một lòng, phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đề ra. Nền kinh tế của huyện tiếp tục phát triển khá và có sự chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Quốc phòng-an ninh được tăng cường, giữ vững. Phát huy những kết quả đó, nhiệm kỳ tới, huyện sẽ huy động mọi nguồn lực để xây dựng quê hương Lệ Thủy cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Lệ Thủy đã tập trung chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực với nhiều chỉ tiêu vượt mức khá cao. Kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 11,74%; trong đó, ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 5,6%, công nghiệp-xây dựng tăng 12,5%, dịch vụ tăng 16,5%. 
 Lệ Thủy quan tâm, chỉ đạo ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Lệ Thủy quan tâm, chỉ đạo ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2020 dự kiến đạt 47,3 triệu đồng, tăng 21,3 triệu đồng so với năm 2015. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 ước đạt trên 250 tỷ đồng.  
 
Tổng sản lượng lương thực năm 2020 ước đạt 95.000 tấn. Nông nghiệp từng bước hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyển đổi cây trồng phù hợp. Các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) bước đầu đạt kết quả nhất định, một số mặt hàng nông sản đã từng bước xây dựng được nhãn hiệu. Trên địa bàn đã hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung gắn với quy hoạch phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 53,6% giá trị ngành nông nghiệp.
 
Tại vùng đồng bằng, huyện đã chỉ đạo bà con nông dân tập trung trồng lúa, rau màu, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, thủy sản. Tiếp tục mở rộng diện tích rừng trồng ở vùng núi, gò đồi với việc tăng cường giao khoán, khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Đến năm 2020, toàn huyện đã áp dụng quy trình SRI trên cây lúa với diện tích ước đạt 2.500ha, thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa ước đạt trên 390ha, độ che phủ của rừng đạt 69,6-70%. Vùng ven biển, bà con đã tập trung phát triển nuôi trồng, khai thác gắn với chế biến thủy hải sản. Nhờ đó, sản lượng thủy sản của huyện tăng bình quân hàng năm 10,57%, giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân hàng năm 8,43%.
 
Lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp hoạt động có hiệu quả. Các ngành nghề, như: chế biến tinh dầu tràm, dầu sả, tinh bột nghệ, nón lá, rượu, chổi đót..., được hình thành, duy trì và phát triển. Đặc biệt, huyện đã kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp lớn, như: điện mặt trời, điện gió, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, may, bê tông thương phẩm...
 
Mạng lưới thương mại dịch vụ phát triển đáp ứng nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa. Trên địa bàn đã hình thành một số sản phẩm du lịch, như: Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang, khu du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC... Các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
 
Huyện cũng đã huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, chỉnh trang đô thị. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn 5 năm qua đạt khoảng 7.526 tỷ đồng, tăng 70% so với giai đoạn 2010-2015. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, thương mại, dịch vụ-du lịch, văn hóa-xã hội ngày càng hoàn thiện.
 
Trong giai đoạn này, huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm, như: Quốc lộ 9C, đường 16, đường Mai Thủy-An Thủy, chợ thị trấn Nông trường Lệ Ninh… Hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư ngày càng đồng bộ, bảo đảm tưới tiêu cho trên 97% diện tích đất lúa.
 
Hệ thống lưới điện bảo đảm cung cấp cho 100% xã, thị trấn và hộ gia đình. 100% trường học, trạm xá, trụ sở xã, thị trấn được xây dựng khang trang... Chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020 đã mang lại diện mạo mới cho địa phương. Đến nay, khu vực thị trấn Kiến Giang mở rộng đã được công nhận đô thị loại IV, hạ tầng đô thị được chỉnh trang, đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ.
 
Công tác tài chính-tín dụng, quản lý tài nguyên, môi trường có bước chuyển biến tích cực. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Cơ sở hạ tầng nông thôn, sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Đến cuối năm 2020, huyện có 18 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 75%. Công tác xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đạt được kết những quả bước đầu.
   Khởi sắc trên quê hương Lệ Thủy.
Khởi sắc trên quê hương Lệ Thủy.
Lĩnh vực Giáo dục-Đào tạo tiếp tục có những chuyển biến rõ rệt. Quy mô, mạng lưới trường lớp học được sắp xếp hợp lý, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học, học sinh giỏi luôn giữ vững là một trong những đơn vị tốp đầu của tỉnh.
 
Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa theo quy định. Hiện toàn huyện có trên 78,7% trường đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học, 75% xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Toàn huyện có 5.496 gia đình tú tài, 2.757 gia đình cử nhân.
 
Hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông có nhiều chuyển biến tích cực. Một số loại hình văn hóa truyền thống được phục hồi, bảo tồn và phát triển. Đặc biệt, hò khoan Lệ Thủy và lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chùa Hoằng Phúc cũng được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
 
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa ngày càng phát triển sâu rộng. Chất lượng thông tin tuyên truyền ngày càng được nâng cao. Việc xây dựng chính quyền điện tử bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy việc cải cách hành chính.
 
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Chất lượng khám, chữa bệnh, dược phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm có chuyển biến khá. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, y tế dự phòng được chú trọng. Cơ sở vật chất y tế được đầu tư xây dựng hoàn thiện theo hướng hiện đại. Bệnh viện đa khoa huyện đã được công nhận là bệnh viện hạng II, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,3%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 1,5%, đến cuối năm 2020 còn dưới 4%.
 
Công tác quốc phòng-an ninh được tăng cường. Trong nhiệm kỳ, huyện đã tổ chức 1 cuộc diễn tập cấp huyện, tuyển chọn 705 công dân nhập ngũ vào quân đội, 108 em thi đỗ vào các trường quân đội.
 
Lực lượng Công an huyện thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật, đấu tranh triệt phá nhiều chuyên án hình sự, ma túy lớn. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai rộng khắp, đi vào chiều sâu, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Công tác cải cách hành chính, tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí ngày càng hiệu quả.
 
Phát huy kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện phấn đấu nâng giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân 5-5,5%/năm, công nghiệp-xây dựng tăng bình quân 12-13%/năm, tổng sản lượng lương thực đạt trên 96.000 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/năm, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 500 tỷ đồng; phấn đấu có trên 90% xã đạt chuẩn NTM, có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 10-15 khu dân cư NTM kiểu mẫu.
 
Đối với chỉ tiêu xã hội, huyện phấn đấu đến năm 2025 có trên 85% trường đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn duy trì vững chắc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; trên 93% làng văn hóa; trên 95% cơ quan, đơn vị được công nhận văn hóa, trên 90% gia đình văn hóa; giải quyết việc làm mỗi năm cho 4.500 lao động; trên 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 99% hộ dùng nước hợp vệ sinh; trên 95% hộ gia đình tham gia thu gom rác thải...
 
Để đạt được các mục tiêu đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện sẽ đoàn kết một lòng, huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, xây dựng huyện Lệ Thủy phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới...
 
Đặng Đại Tình
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy