Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV:

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tích cực đóng góp ý kiến

  • 08:21 | Thứ Sáu, 19/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong tuần mở đầu đợt họp tập trung của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (từ ngày 8 đến ngày 12-6-2020), Quốc hội họp bàn, biểu quyết về các vấn đề liên quan tới công tác nhân sự, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021, các nghị quyết về cơ chế tài chính đặc thù đối với một số địa phương…
 
Các đại biểu cũng thảo luận tổ và thảo luận tại nghị trường về các dự án Luật còn nhiều ý kiến khác nhau, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội...; thảo luận về các Luật trình dự thảo lần đầu, như: Luật Cư trú, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Luật Thỏa thuận quốc tế… và các nghị quyết, dự án lớn của đất nước… Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã tích cực tham gia ý kiến thảo luận một số luật, nghị quyết, chương trình MTQG và dự án lớn trong tuần đầu của đợt họp tập trung.
 
Cần bổ sung quy định để làm rõ thẩm quyền quy định phán quyết EVIPA
 
Cùng với việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA, việc Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết riêng để bảo đảm công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA là hết sức cần thiết, vừa thể hiện quan điểm chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định EVIPA, vừa tăng cường sự tin cậy và thúc đẩy các nước thành viên Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại kỳ họp.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại kỳ họp.
Chính vì vậy, sáng ngày 8-6-2020, tham gia thảo luận về Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa một bên là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã có bài phát biểu trong đó làm rõ một số vấn đề về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo nghị quyết, thời điểm ban hành và công nhận phán quyết, phân công trách nhiệm các cơ quan trong thi hành hiệp định EVIPA.
 
Thứ nhất, băn khoăn về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo nghị quyết, đại biểu chỉ ra điểm chưa thống nhất giữa nghĩa vụ được quy định tại Điều 3.53 trong tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết. Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo nghị quyết này thì phải quy định rõ khái niệm về nghĩa vụ tài chính là nghĩa vụ gì để tránh sự bất cập trong áp dụng.
 
Thứ hai, chỉ ra điểm chưa hợp lý khi dự thảo nghị quyết có quy định về việc công nhận đối với phán quyết trong thời hạn 5 năm hoặc một thời hạn dài hơn do Ủy ban xác định nhưng không nói rõ về thời điểm ban hành phán quyết hay thời điểm yêu cầu công nhận phán quyết, đại biểu đề nghị trong trường hợp hiệp định quy định không rõ thì cần phải giải thích hiệp định theo hướng vừa phù hợp với nội dung của hiệp định nhưng cũng vừa phải bảo đảm được lợi ích của Việt Nam; cần quy định có hiệu lực từ thời điểm ban hành nghị quyết để đảm bảo phán quyết được thực hiện nghiêm túc trong thời hạn 5 năm kể từ khi được ban hành, không bị xem xét lại, không bị kháng cáo, kháng nghị.
 
Góp ý thêm về thủ tục công nhận phán quyết, đại biểu cho rằng dự thảo hiệp định đang phân ra 2 loại phán quyết có cách công nhận khác nhau, trong đó loại phán quyết thứ hai cần quy định cụ thể hơn. Theo đó, khoản 2 Điều 357 Hiệp định quy định mỗi bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm được ban hành phù hợp với mục này là ràng buộc và cho thi hành các nghĩa vụ về tài chính trên lãnh thổ của mình, tương tự như phán quyết chung thẩm của Tòa án bên đó. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cần quy định rõ nhà đầu tư sẽ phải mang hồ sơ đó đến cơ quan nào, đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến Tòa án hay đến cơ quan thi hành án dân sự để được công nhận.
 
Với yêu cầu của Hiệp định là phán quyết, được công nhận như một bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án Việt Nam, đại biểu cho rằng cơ quan công có thẩm quyền công nhận nên là Tòa án. Bởi thế, cần bổ sung quy định rõ Tòa án cấp nào có thẩm quyền công nhận, Tòa án nơi có tài sản hay không phải là nơi có tài sản phải thi hành.
 
Còn nếu quy định cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan có thẩm quyền công nhận thì cũng phải quy định rõ cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan nào, cấp nào… Để đảm bảo tính chặt chẽ, dễ tra cứu, đối chiếu của hồ sơ, đại biểu đề nghị cần quy định rõ về thủ tục, các loại hồ sơ phải nộp, các quy định về công chứng, dịch thuật…
 
Nghị quyết này cũng cần phải có quy định về thời hạn yêu cầu công nhận đối với phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp… Đại biểu đã góp ý chi tiết về chi phí công nhận, thi hành phán quyết nên giao cho Tòa án nhân dân tối cao chủ động quy định chi tiết, đồng thời cần thống nhất giữa các cơ quan việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
 
Nhấn mạnh yếu tố bản sắc văn hóa, phát triển bình đẳng giới và xã hội hóa trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
 
Ngày 12-6-2020, tại phiên thảo luận tại hội trường về Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có bài phát biểu trong đó nêu rõ 3 vấn đề chính để góp ý hoàn thiện Chương trình.
 
Khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đại biểu cho rằng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang cư trú tại những nơi trọng yếu, vùng xa xôi hẻo lánh, biên giới, hải đảo. Đảm bảo đời sống no ấm, bền vững cho bà con là bảo vệ phên dậu “sống”, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc thù. Bày tỏ mối lo ngại khi Ban soạn thảo chỉ lượng hóa chỉ tiêu bằng những con số, như: xóa được bao nhiêu nhà tạm, xây dựng được bao nhiêu trường học, soạn thảo được bao nhiêu bộ tài liệu..., đại biểu cho rằng, nếu quy định chung chung thì kiến trúc, văn hóa đặc thù của dân tộc sẽ dần mất đi và chúng ta sẽ “Kinh hóa” người dân tộc, không bảo tồn được truyền thống của dân tộc thiểu số.
 
Đại biểu khẳng định Chương trình MTQG này là cơ hội để phát triển bình đẳng giới, thúc đẩy bình đẳng giới phụ nữ dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng dân số của đồng bào thiểu số.
 
Từ đó, đại biểu đề nghị quy định rõ ràng tỷ lệ phần trăm người dân tộc thiểu số được ưu tiên chế độ đào tạo, bồi dưỡng, tham gia các hoạt động hướng nghiệp là phụ nữ; đảm bảo tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số được hưởng chế độ BHYT, đặc biệt là trong quá trình mang thai và sinh nở; bổ sung tiêu chí tỷ lệ phần trăm tối thiểu phụ nữ tham gia các cuộc họp cấp thôn lựa chọn công trình CSHT và tỷ lệ phần trăm tối thiểu phụ nữ đồng ý lựa chọn các công trình ưu tiên đầu tư để đảm bảo yếu tố cân bằng giới trong quá trình hưởng lợi từ các công trình phúc lợi xã hội… Ngoài ra, cần chú trọng đến vai trò của phụ nữ thiểu số trong quá trình khởi nghiệp từ ngành nghề truyền thống.
 
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có chế độ xã hội hóa, dựa vào nguồn lực của cộng đồng để thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và xem đây là giải pháp bền vững. Đánh giá cao vai trò của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng chính sách trong quá trình tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu cho rằng vốn từ ngân hàng chính sách sẽ hạn chế sự ỷ lại của đồng bào dân tộc thiểu số do tình trạng các nhóm thiện nguyện đều tự phát để đến cho đồng bào những món quà vật chất và vô hình chung đẩy họ đến chỗ mất dần bản sắc văn hóa.
 
Để bổ sung nguồn lực ngân sách, đại biểu đề xuất giải pháp cần ban hành cơ chế để lập ra những tổ chức, những nguồn quỹ từ các Tổ chức phi Chính phủ để huy động nguồn lực từ cộng đồng một cách bền vững như là những dự án văn hóa, dự án khởi nghiệp, giáo dục để thế hệ tương lai của dân tộc thiểu số có khả năng kết hợp được tài nguyên, nguồn lực của họ với xu thế toàn cầu hóa để nhằm tạo ra sản phẩm có thương hiệu toàn cầu. Đại biểu cũng khẳng định chương trình mục tiêu quốc gia phải tích hợp về một đầu mối, tránh chia rẽ và hạn chế những vấn đề xảy ra trong thời gian qua.
 
Tại các buổi thảo luận tổ, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng thường xuyên có các đóng góp sâu sắc để hoàn thiện các dự án Luật được đệ trình, như: Luật Cư trú, Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, Luật Bảo vệ môi trường…
       
Phong Hồng-Diệu Linh