Công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ ở Quảng Ninh: Một số kết quả bước đầu

  • 08:16 | Thứ Năm, 14/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nghiên cứu lịch sử Đảng nói chung, lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trong thời kỳ mới nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đổi mới, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng. Nhận thức được vấn đề quan trọng đó, những năm qua, Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xem đây là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
 
Đồng chí Phạm Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Ninh cho biết: “Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/HU ngày 7-4-2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp và lịch sử các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trong tình hình mới, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn quy trình sưu tầm, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn và các cơ quan đơn vị; đồng thời kịp thời giúp đỡ các đảng bộ cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình biên soạn."
 
Đảng bộ huyện và đảng bộ các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ; đồng thời ban hành nghị quyết chuyên đề, đưa nhiệm vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ của địa phương, đơn vị mình vào nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2015-2020 để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ ở huyện Quảng Ninh gặp không ít khó khăn, trở ngại. 
 Tập sách
Tập sách "Lịch sử Đảng bộ xã Lương Ninh". Ảnh: Đ.V
Phần lớn các xã trải qua quá trình sáp nhập, chia tách nên có nhiều xáo trộn về lưu trữ tư liệu, tài liệu, văn bản. Hơn nữa, các đồng chí lão thành cách mạng là nhân chứng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nhiều người đã mất, một số người thì tuổi cao, sức yếu, trí nhớ hạn chế, nên việc khai thác tư liệu lịch sử từ nguồn này cũng gặp không ít khó khăn. Trình độ của các cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử ở cơ sở không đồng đều, không được đào tạo sâu về chuyên môn, lại thường xuyên thay đổi nên khi triển khai còn nhiều lúng túng, vướng mắc…
 
Để khắc phục những khó khăn và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử các đảng bộ, Huyện ủy Quảng Ninh, các đảng ủy cơ sở đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo gặp gỡ các nhân chứng lịch sử để làm sáng tỏ, bổ sung các sự kiện, nhân vật; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành trên địa bàn huyện giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức sưu tầm tư liệu. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ công tác sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cho các xã, thị trấn, đơn vị và giúp đỡ các địa phương trong khâu sưu tầm tư liệu tại các ban, ngành cấp tỉnh, trung tâm lưu trữ cấp tỉnh, Cục Lưu trữ Trung ương và các đơn vị liên quan...
 
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng cùng với sự tham gia tích cực của các nhân chứng lịch sử, công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử các đảng bộ trên địa bàn huyện Quảng Ninh trong những năm qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
 
Về công tác nghiên cứu, biên soạn, tái bản có chỉnh lý tập sách Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Ninh tập I, giai đoạn 1930-1954, Ban Thường vụ Huyện ủy giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu cho Ban chỉ đạo huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức việc sưu tầm, nghiên cứu, xác minh tư liệu để chỉnh lý, bổ sung và tập sách đã được in tại Nhà xuất bản chính trị Quốc gia-Sự thật. Ngày 28-9-2018, Đảng bộ huyện Quảng Ninh công bố cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện tập I giai đoạn 1930-1954 (tái bản có chỉnh lý), đồng thời phát động cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Ninh và được đông đảo cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.
 
Đối với công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ ở các địa phương, đơn vị, đến cuối tháng 3-2020, huyện Quảng Ninh có 13 đảng bộ đã hoàn thành và cho ra mắt tập sách lịch sử, đó là các đảng bộ: xã Võ Ninh, Duy Ninh, Tân Ninh, Hàm Ninh, Lương Ninh, Vĩnh Ninh, Vạn Ninh, Hải Ninh, Xuân Ninh, Gia Ninh, Trường Xuân, thị trấn Quán Hàu và Đảng bộ Quân sự huyện. Trong đó, tập sách Lịch sử Đảng bộ xã Võ Ninh giai đoạn 1930-2000 hoàn thành trước khi có Chỉ thị số 08/CT-HU của Ban Thường vụ Huyện ủy.
 
Các tập sách lịch sử của các đảng bộ xã, thị trấn giai đoạn 1930-2015 đã giới thiệu khái quát quá trình hình thành và phát triển của vùng đất, con người, truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng từ khi có Đảng và quá trình thành lập, lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với tập sách lịch sử Đảng bộ Quân sự huyện Quảng Ninh giai đoạn 1945-2015 (đây là đảng bộ cơ quan, đơn vị đầu tiên công bố tập sử) phản ánh toàn diện, có hệ thống lịch sử ra đời, quá trình tôi luyện trong lãnh đạo đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển của Đảng bộ Quân sự huyện; ghi dấu lịch sử chiến đấu và chiến thắng của lực lượng vũ trang huyện Quảng Ninh từ những năm đầu cách mạng đến giai đoạn hiện nay.
 
Tập sách lịch sử của các đảng bộ là những tài liệu quý, tái hiện quá trình chiến đấu, xây dựng đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang của đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang. Đây là những công trình nghiên cứu khoa học, xã hội nhân văn, phản ánh trung thực, khách quan quá trình đấu tranh cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của bạn đọc, nâng cao lòng tự hào về truyền thống của quê hương, đơn vị mình...
 
Trong thời gian tới, cùng với việc tập trung các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế-xã hội và trên cơ sở thực trạng, những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng bộ huyện Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ. Các đảng bộ cơ sở, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc lưu trữ tư liệu; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh thông qua các ngày lễ, ngày kỷ niệm của quê hương, đất nước.
 
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn đảng bộ các xã Hiền Ninh, An Ninh, Trường Sơn và đảng bộ các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và cho ra mặt tập sử, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng.
 
Hà Ngọc Khang
(Đài TT-TH Quảng Ninh)