Tua Hai, trận mở đầu cho cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ

  • 14:45 | Thứ Hai, 06/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Sáng 6-1, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư và Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Chiến thắng Tua Hai - Mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ”.
Hình ảnh tại Hội thảo.
Hình ảnh tại Hội thảo.
Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước và các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Võ Văn Phuông, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư; Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự hội thảo.
 
Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm cho rằng, 60 năm trước đây, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Xứ ủy Nam Bộ, Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ phối hợp quân và dân tỉnh Tây Ninh tổ chức trận tập kích vào căn cứ Tua Hai của quân đội Sài Gòn và giành thắng lợi giòn giã. Tác động của chiến thắng Tua Hai đã vượt khỏi phạm vi một trận đánh, trở thành “phát pháo lệnh” mở đầu cao trào vũ trang Đồng khởi ở Tây Ninh và cả Nam Bộ, góp phần tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chuyển cách mạng miền nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Chiến thắng Tua Hai không những góp phần khẳng định tính đúng đắn trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, mà còn là cơ sở để Đảng ta phát triển và hoàn thiện đường lối, phương thức, nghệ thuật đấu tranh cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn...
 
Theo Ban tổ chức, Hội thảo đã nhận được hơn 70 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương; các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội… Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng vấn đề cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về chiến thắng Tua Hai, được thể hiện trên những nội dung chủ yếu: khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương chỉ đạo chuyển hướng chiến lược của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện sự chủ động, sáng tạo và nhạy bén của Xứ ủy Nam Bộ; mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ, trước hết là miền Đông Nam Bộ; Chiến thắng Tua Hai đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam; tạo tiền đề xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng ở Nam Bộ.
 
Tại Hội thảo, các tham luận đều thống nhất nhận định: Chiến thắng Tua Hai có ý nghĩa chính trị, quân sự to lớn, củng cố niềm tin và cổ vũ mạnh mẽ khí thế nổi dậy “Đồng khởi” của quần chúng nhân dân toàn miền nam đang trong tình thế “như một thùng thuốc súng chỉ chờ mồi lửa” vào đầu năm 1960. Kết quả, ta đã giải phóng và giành chính quyền ở nhiều mức độ khác nhau trên một địa bàn rộng lớn, có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng; củng cố và mở rộng các vùng căn cứ đã xây dựng lại từ năm 1957; tạo nên thế liên hoàn hỗ trợ nhau khá vững chắc, làm nơi đứng chân của các lực lượng vũ trang, bảo đảm an toàn nơi đóng cơ quan Xứ ủy Nam Bộ.
Các đại biểu xem sa bàn trận đánh Tua Hai.
Các đại biểu xem sa bàn trận đánh Tua Hai.
Trong mấy thập niên qua, chiến thắng Tua Hai đã được tìm hiểu, nghiên cứu, làm sáng tỏ ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Song, với vai trò, vị trí, ý nghĩa to lớn, chiến thắng Tua Hai vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu, luận giải để vận dụng, phát huy hơn nữa những kinh nghiệm và bài học lịch sử vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
 
Đồng chí Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cho rằng, từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng ở Tây Ninh ngày càng lớn mạnh, đến Tháng Tám năm 1945, cùng với cả nước, Tây Ninh đã giành được chính quyền về tay nhân dân. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục, quân và dân Tây Ninh lập nhiều chiến công to lớn, từ thắng lợi của trận Tua Hai - Mở đầu cho cao trào Đồng khởi vũ trang ở Nam Bộ, đến những thắng lợi quan trọng đánh bại hàng loạt trận càn lớn của quân Mỹ và quân Sài Gòn như: Mistiff, Hattisburg, Birmingham, Attenboro, Junction City… Trong thời kỳ đổi mới, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hào khí “trung dũng, kiên cường”, bằng quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh đã đoàn kết, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vượt khó, tập trung trí tuệ, xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp, tạo được bước đột phá mạnh mẽ để vươn lên, đạt được nhiều thành tựu. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 8,4% so với năm 2018, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (ước 6,8%), xu hướng tăng trưởng ổn định, bên vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước không ngừng tăng lên. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong nhóm khá của cả nước. Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Đảng bộ Tây Ninh đã có nhiều cách làm mới và đạt được kết quả rõ nét thông qua việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
 
* Cùng ngày, hơn 2.500 đại biểu đã dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Tua Hai (26-1-1960 - 26-1-2020) và dự Chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện lịch sử này tại Di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
 
Theo MINH ANH (Nhân Dân)