Nhìn lại 4 năm thực hiện Dự án Dân chấm điểm

  • 09:26 | Thứ Năm, 26/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Năm 2016, Dự án Dân chấm điểm chính thức được triển khai tại tỉnh Quảng Bình trên lĩnh vực hành chính công và y tế. Qua 4 năm triển khai, dự án đã mang lại những kết quả rất tích cực, góp phần củng cố niềm tin của người dân với các cấp chính quyền.

Dự án Dân chấm điểm (viết tắt theo tên tiếng Anh là M-Score) là chương trình gọi điện phỏng vấn người dân để thu thập ý kiến đánh giá, chấm điểm về chất lượng dịch vụ công trên lĩnh vực hành chính và y tế được triển khai tại tỉnh ta từ năm 2016 đến nay.

Dự án được tiến hành từ sự hợp tác giữa HĐND tỉnh, tổ chức Oxfam, Trung tâm Phân tích và Dự báo-Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (CAF), Trường đại học Indiana tại Hoa Kỳ và Công ty TNHH phân tích thời gian thực (RTA) nhằm tạo ra kênh đối thoại giữa chính quyền địa phương và người dân để nâng cao chất lượng dịch vụ công ở cấp cơ sở, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Dựa trên danh sách dữ liệu văn phòng một cửa (VP1C) 7 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Quảng trạch), các bệnh viện đa khoa (BVĐK): Đồng Hới, Bắc Quảng Bình, Lệ Thủy và Trung tâm hành chính công (TTHCC) tỉnh gửi cho RTA để đơn vị này phỏng vấn những người dân có trải nghiệm dịch vụ.

Cán bộ các sở, ban, ngành đang giải quyết TTHC cho người dân tại TTHCC tỉnh.
Cán bộ các sở, ban, ngành đang giải quyết TTHC cho người dân tại TTHCC tỉnh.

Ngoài ra, hệ thống máy tính bảng cũng được đặt tại VP1C để người dân trực tiếp đánh giá sau khi làm thủ tục hành chính (TTHC). Đối với các VP1C, RTA đã thực hiện 38 kỳ phỏng vấn, trên 23.000 người tham gia trả lời. Qua khảo sát, điểm số người dân chấm cho các chỉ số đạt từ 8 điểm trở lên (thang điểm 10 tối đa).

Đặc biệt, điểm thái độ phục vụ có xu hướng tăng qua các năm. Số lần bị hẹn lại của người dân, nhũng nhiễu của cán bộ đã giảm đáng kể (dưới 1%). Chỉ số M-Score hài lòng chung cũng tăng điểm cuối kỳ so với đầu kỳ. Nếu tại thời điểm bắt đầu dự án, chỉ số này là 8,25 điểm (tháng 1-2016) thì mức điểm cao nhất được ghi nhận vào tháng 1-2019 là 9,35 điểm. Điểm số đã cho thấy hệ thống một cửa cấp huyện ở tỉnh ta thực sự làm hài lòng phần lớn người dân.

Qua 4 năm, huyện Bố Trạch và thành phố Đồng Hới là những địa phương có điểm số trung bình thấp nhất về các chỉ số nhưng cũng đã tăng dần theo thời gian. Huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa luôn thay nhau đứng đầu về các điểm số đánh giá.

Ngoài ra, hệ thống máy tính bảng đặt tại các VP1C đã có 1.118 lượt người đánh giá. Mặc dù phương pháp đánh giá trên máy tính bảng ghi nhận kết quả mang tính chất tham khảo bổ sung nhưng đã cho thấy mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ cung ứng tại VP1C ở mức tương đối cao.

Anh Nguyễn Ngọc N., một người dân làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh tại huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Cán bộ ở VP1C làm việc rất tốt, tiếp đón niềm nở, hướng dẫn làm thủ tục rõ ràng, trả kết quả đúng hẹn”.

Thấy được hiệu quả của Dự án Dân chấm điểm tại các VP1C, HĐND tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án trong lĩnh vực y tế và TTHCC tỉnh. Lĩnh vực y tế được triển khai từ tháng 10-2018 với 3 đơn vị tham gia gồm các bệnh viện đa khoa: Đồng Hới, Bắc Quảng Bình, Lệ Thủy. Đến nay, phía RTA đã thực hiện 14 kỳ phỏng vấn với 8.477 người tham gia trả lời. Có tất cả 11 câu hỏi đều liên quan đến chất lượng dịch vụ y tế.

Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ hài lòng của người dân với kết quả khám chữa bệnh khá cao, điểm bình quân đạt từ 4,1 đến 4,5 điểm (thang điểm 5) và không có sự chênh lệch quá lớn về điểm số giữa các đơn vị. Những góp ý của người dân tập trung vào vấn đề như: cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, cải thiện sự sạch sẽ của nhà vệ sinh bệnh viện, nâng cao thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế...

“Tại bệnh viện, các bác sỹ làm việc rất trách nhiệm với bệnh nhân, nhiệt tình, niềm nở, chẩn đoán đúng bệnh nên tôi rất hài lòng”, một bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình chia sẻ.

Trung tâm Hành chính công tỉnh cũng triển khai dự án từ tháng 2-2019 đến nay. Tính đến tháng 11-2019, RTA đã thực hiện 9 kỳ phỏng vấn với 1.857 người tham gia trả lời về chất lượng dịch vụ hành chính công ở các sở: Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Giao thông vận tải, Văn hóa-Thể thao, Giáo dục-Đào tạo.

Nhìn chung, điểm cả 3 chỉ số gồm: thái độ, hướng dẫn và đánh giá chung đều ở mức cao từ 9 đến 9,8 điểm. Chỉ số M-Score chung về chất lượng dịch vụ của tỉnh là 9,3 điểm. Trong 10 đơn vị được khảo sát, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Văn hóa là hai đơn vị có điểm trung bình cao nhất (9,7 điểm).

Bà Trương Thị Phương Lan, điều phối viên Dự án Dân chấm điểm tại Quảng Bình đánh giá: “Sau 4 năm triển khai, Dự án Dân chấm điểm tại tỉnh ta đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Kết quả khảo sát cho thấy đại đa số người dân đã biết về dự án và hài lòng các dịch vụ công cũng như dịch vụ y tế nên chấm điểm cao.

Dự án cũng đã góp phần thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cán bộ đối với nhân dân theo hướng tích cực. Qua đó, lòng tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền, cơ sở y tế ngày càng được củng cố”.

Xuân Vương