Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-2019):

Mặt trận Vị Xuyên Hà Tuyên-35 năm đã qua

  • 21:14 | Thứ Tư, 11/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Suốt mấy ngàn năm lịch sử, quân và dân ta đã đánh thắng tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, viết lên những trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Thời đại Hồ Chí Minh, với sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, chúng ta đã đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Đại thắng mùa xuân 1975 - đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối.

Tưởng rằng sau chiến thắng, nhân dân ta sẽ có thời gian xây dựng lại đất nước to đẹp, đàng hoàng hơn như mong muốn của Bác Hồ kính yêu. Thế nhưng, năm 1978-1979 biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc lại vang lên tiếng súng của kẻ thù xâm lược. Một lần nữa toàn quân ta vào cuộc chiến đấu mới.

CCB, trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Sư đoàn 313 (trái), đi thực địa nắm tình hình trên điểm cao 812 Vị Xuyên 1984.
CCB, trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Sư đoàn 313 (trái), đi thực địa nắm tình hình trên điểm cao 812 Vị Xuyên 1984.

Lệnh tổng động viên ngày 5-3-1979 của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng với ý chí kiên cường, bất khuất, cả dân tộc Việt Nam nhất tề đứng lên chống quân xâm lược, bảo vệ đất nước. Chỉ hơn 20 ngày quân và dân ta suốt 6 tỉnh biên giới đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 62 ngàn tên địch, phá hủy và bắn cháy hàng ngàn xe, pháo các loại. Tổn thất nặng nề, ngày 5-3-1979 kẻ địch đã phải tuyên bố rút quân khỏi nước ta.

Không dừng lại đó, những năm tiếp theo, kẻ địch lại đưa quân, bắn pháo, xâm lấn biên giới khu vực Hà Tuyên thêm một lần nữa. Đỉnh điểm, đầu năm 1984 địch đã huy động 4 sư đoàn bộ binh, dưới dự chi viện của pháo binh tấn công vào các điểm cao của Thanh Thủy - Vị Xuyên: 1509, 772, 266, 233, 685 do Sư đoàn 313 của ta phòng ngự. Chúng còn huy động thêm 2 sư đoàn bộ binh đánh mở rộng ra khu vực đông sông Lô các điểm cao như 1030, Xicana, Pha Hán (Minh Tân)...

Suốt 5 năm 1984-1989, kẻ địch đã đưa hơn nửa triệu quân, hơn 400 khẩu pháo, hàng ngàn xe cơ giới của 8 trên 10 đại quân khu, bắn gần 2 triệu quả đạn pháo vào lãnh thổ Việt Nam, hòng lấn chiếm, vẽ lại biên giới tới Bắc suối Thanh Thủy, sâu vào đất Việt Nam có nơi đến 5km.

Để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược từ những năm 1984 đến năm 1989 ở Vị Xuyên - Hà Tuyên, Việt Nam chúng ta cũng đã phải huy động 9 sư đoàn bộ binh: Sư đoàn 3, 31, 312, 313, 314, 316, 356, 325, 328 và một số trung đoàn bộ binh, đặc công, các binh chủng, hàng vạn dân quân, du kích và hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân công phục vụ cho cuộc chiến đấu này.

Với ý chí anh dũng kiên cường, quyết tâm cao “sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”, quân ta đã tiêu diệt và làm bị thương hàng ngàntên địch. Đặc biệt cao điểm A6B chỉ 1 trung đội phòng ngự từ ngày 31-4-1984 đến 15-5-1984 đã đánh bại 1 trung đoàn địch phản kích, bắt sống 350 tên. Đây là “thảm bại lớn nhất” trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của địch.

Góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược này, Bình Trị Thiên - mảnh đất anh hùng, bất khuất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thời kỳ 1979-1989, Bộ Quốc phòng đã huy động hàng ngàn con em tiếp bước cha anh, lên đường nhập ngũ, phiên chế về các đơn vị, các sư đoàn làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giữ gìn và bảo vệ biên giới, đặc biệt là mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên.

Gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong hy sinh tại mặt trận này, gần 3.000 liệt sĩ chưa được quy tập, các anh đã thành đất, đá, mãi nằm lại tuổi 20 nơi biên cương của Tổ quốc. Trong số này có hàng trăm liệt sĩ, thương binh là con em quê hương Bình-Trị-Thiên thân yêu của chúng ta.

Cuộc chiến đã kết thúc được hơn 30 năm, đất nước thanh bình, phần lớn các cán bộ, chiến sĩ đã trở về quê hương, tham gia lao động sản xuất và công tác. Với bản lĩnh "Bộ đội Cụ Hồ" dù ở cương vị nào cũng đều thống nhất đoàn kết một lòng vượt mọi khó khăn xây dựng gia đình, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nhiều cán bộ, chiến sĩ  đã đi đầu trong phong trào làm kinh tế, lập doanh nghiệp và làm giàu chính đáng.

Thể theo nguyên vọng của các cựu chiến binh đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên, được phép của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các quân khu, đã thành lập Ban liên lạc CCB Mặt trận Vị Xuyên và sau đó đã thành lập các ban liên lạc ở các tỉnh và các khu vực, trong đó có Ban liên lạc khu vực Bình Trị Thiên.

Ban liên lạc toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên cùng với ban liên lạc các tỉnh, các khu vực đã khẳng định đây là cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc có quy mô lớn nhất, ác liệt nhất, thời gian dài nhất sau chiến tranh chống Mỹ.

 Trung tá Đặng Xuân Nghiêm (giữa), nguyên Trung đoàn trưởng 150 sư đoàn 356 tặng sách cho đoàn CCB Mặt trận Vị Xuyên Bình Trị Thiên nhân gặp mặt kỷ niệm 35 năm chiến dịch MB84 (12-7-1984 - 12-7-2019).
Trung tá Đặng Xuân Nghiêm (giữa), nguyên Trung đoàn trưởng 150, sư đoàn 356 tặng sách cho đoàn CCB Mặt trận Vị Xuyên Bình Trị Thiên nhân gặp mặt kỷ niệm 35 năm chiến dịch MB84 (12-7-1984 - 12-7-2019).

Vì vậy, cùng với tuyên truyền cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ biết được một phần của cuộc chiến tranh chống quân xâm lược bảo vệ biên giới Vị Xuyên-Hà Tuyên, nâng cao lòng tự hào dân tộc, ý thức cảnh giác đối với các thế lực thù địch, sẵn sàng chiến đấu khi Tổ quốc cần, công tác tri ân cũng được ban liên lạc các tỉnh khu vực thường xuyên triển khai và thiết thực, hiệu quả: Đã tìm kiếm và quy tập được hàng trăm liệt sĩ đưa vào nghĩa trang Vị Xuyên; giúp hàng trăm đồng chí là thương binh không còn giấy tờ được hưởng chế độ chính sách thương binh.

Đặc biệt, cùng với Quân khu 2 đề nghị Bộ Quốc phòng tổ chức rà phá bom mìn, tìm kiếm quy tập liệt sĩ, góp phần nâng cấp nghĩa trang Vị xuyên - nơi yên nghỉ của gần 2 ngàn liệt sĩ thành nghĩa trang cấp Quốc gia.

Ban liên lạc toàn quốc nói chung, miền Trung nói riêng luôn phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa, giúp nhau công ăn việc làm, nghĩa tình đồng đội; góp phần cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng Quân đội vững mạnh, chính quy, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu chống phá thành quả nhân dân ta xây dựng.

Phan Văn Tân
(CCB Sư đoàn 356)