Nêu gương từ những việc đời thường

  • 08:01 | Thứ Năm, 21/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi nói đến vai trò nêu gương, làm gương của người cán bộ, đảng viên, chúng ta luôn nghĩ và luôn nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi Người không chỉ thông hiểu và vận dụng khéo léo, hợp lý các nguyên lý, bản chất nêu gương của đông-tây, kim-cổ mà còn là tấm gương sáng ngời trong lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới về tinh thần nêu gương.
 
Noi gương Bác, thực hiện lời Bác dạy, trong cuộc đấu tranh giành độc lập, dù phải chịu điều tra, tù đày, án chém, bom đạn, đói khát… nhưng nhiều đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam là những tấm gương hy sinh cao cả, tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân.
 
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những tấm gương sáng thì một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa thực dụng, cá nhân ích kỷ… Vì vậy, việc chỉ ra một tấm gương tốt, cụ thể thật đáng quý và làm cho quần chúng dễ noi theo, dễ cảm hóa hơn nhiều các mỹ từ bóng bẫy, các thuật ngữ khoa học khô khan.
 
Bác Hồ từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Muốn nêu gương thì cán bộ, đảng viên phải thực hiện nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, nói được, làm được. Tránh nói ba hoa, nói một đằng, làm một nẻo. Người nói: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước…Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý.”
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh trao giấy khen cho các tập thể xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05.
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh trao giấy khen cho các tập thể xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05.
Trên tinh thần đó, người viết bài này muốn nêu một số tấm gương sáng với những việc làm rất “đời thường”, tưởng là “đơn giản” nhưng có ý nghĩa lớn vốn đã từng được chứng kiến để bạn đọc cùng suy ngẫm.
 
Khoảng thời gian năm 1984-1985, Trung ương có quy định chế độ sử dụng xe con. Theo đó, ở cấp tỉnh chỉ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mới được sử dụng xe đưa, đón tận nhà ở đến nơi làm việc. Đồng chí Thái Bá Nhiệm lúc đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình-Trị-Thiên, mắt vốn bị cận thị nặng, nhà ở xa cơ quan nhưng hàng ngày đồng chí vẫn đi xe đạp đến nơi làm việc. Ngày nắng thì mồ hôi nhễ nhại và ngày mưa lại khổ cho đôi mắt đeo kính ướt nhòe. Anh em trong Cơ quan Tỉnh ủy thấy ái ngại và thương đồng chí quá nên đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy vận dụng linh động để bố trí xe đưa, đón đồng chí Thái Bá Nhiệm nhưng đồng chí đã từ chối. Đồng chí nói: Mình làm cán bộ càng phải gương mẫu. Trung ương có quy định rồi phải thực hiện nghiêm túc.
 
Thế là ngày ngày, dù nắng hay mưa, với đôi mắt cận thị nặng, đồng chí Thái Bá Nhiệm vẫn đến cơ quan đều đặn bằng chiếc xe đạp cá nhân của mình. Công việc bộn bề của một đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (tỉnh lớn Bình-Trị-Thiên) nhưng đồng chí vẫn dành thời gian gần gũi, gắn bó với anh em, cán bộ, nhân viên cơ quan. Lúc bấy giờ, cán bộ, nhân viên nhiều ban của Tỉnh ủy còn ăn cơm ở bếp ăn tập thể (số cán bộ quê Quảng Bình, Quảng Trị). Bữa cơm thời bao cấp thường thiếu thốn mọi bề, đồng chí Thái Bá Nhiệm đã nhiều lần ghé xuống nhà bếp căn dặn chị em phục vụ cố gắng cải thiện bữa ăn để có thêm tô canh nóng, dĩa khoai luộc (do cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy tự trồng trong khu đất Cơ quan Tỉnh ủy). Bằng những nghĩa cử như vậy, anh, chị em cán bộ được sưởi ấm bằng tình cảm thân thương của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
 
Lúc mới chia tỉnh, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, mặc dù bận rộn nhiều công việc, nhưng đồng chí Thái Bá Nhiệm vẫn dành nhiều thời gian tìm hiểu, xem xét nơi ăn, chốn ở của cán bộ, nhân viên trong và ngoài cơ quan; không chỉ chỉ đạo, nhắc nhở cán bộ lãnh đạo Văn phòng quan tâm mà chính đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đến từng phòng trong khu tập thể cán bộ Tỉnh ủy để động viên, chia sẻ và dành cho anh chị em những tình cảm gần gũi như người anh, người bác trong gia đình…
 
Người thứ hai tôi muốn kể đến là đồng chí Lê Khai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình-Trị-Thiên (trước khi về làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí là Trưởng ty Văn hóa thông tin tỉnh Bình-Trị-Thiên). Là một đồng chí tuổi cao, đã từng kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng nhưng trong cuộc sống, đồng chí gần gũi, giản dị, gắn bó với mọi người. Năm 1984, cơ quan Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có xem xét, phân cho đồng chí Lê Khai một chiếc lốp xe đạp để thay chiếc lốp cũ đã mòn (thời đó, chiếc lốp xe đạp quý lắm), đồng chí Lê Khai đã vui vẻ từ chối. Đồng chí nói là xe đạp của mình còn tốt hơn xe của nhiều anh em, hơn nữa là lãnh đạo ban thỉnh thoảng đi công tác còn có xe ô tô đưa đón và đồng chí kiên quyết không nhận.
 
Thế là ngày ngày đến cơ quan, đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vẫn trên chiếc xe đạp “cà tàng” của mình. Một lần khác, cơ quan xét nâng lương cho đồng chí Lê Khai, đồng chí lại từ chối (lúc bấy giờ xét nâng lương làm kỹ lắm, phải theo tỷ lệ % cán bộ, nhân viên trong cơ quan chứ không phải cứ đến năm, đến tháng là được lên lương như bây giờ). Đồng chí Lê Khai bảo, mình lương cao rồi nên ưu tiên xét cho anh em lương còn thấp, đời sống khó khăn hơn. Không chỉ một lần mà nhiều lần đồng chí đều làm như vậy. Anh, chị em trong cơ quan vừa kính nể, vừa thương yêu đồng chí Lê Khai vô ngần.
 
Lúc mới chia tỉnh, cán bộ, nhân viên các cơ quan đều thiếu nơi ăn, chốn ở, khó khăn trăm bề. Lúc bấy giờ, Văn phòng Tỉnh ủy có liên hệ được với lãnh đạo phường Đồng Phú cấp một số lô đất làm nhà ở cho cán bộ, công chức cơ quan Tỉnh ủy. Đồng chí Lê Trung Thiện, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Bá Tào, Chánh văn phòng Tỉnh ủy sau đó là Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, là những cán bộ thuộc diện ưu tiên trước nhưng các đồng chí đều từ chối và tự nguyện lên mua đất ở xã Nghĩa Ninh, phường Nam Lý để tự xây dựng nhà ở, còn phần đất được chia ở phường trung tâm Đồng Hới các đồng chí đều nhường lại cho anh chị em nhân viên các ban Tỉnh ủy. Nhà ở xa cơ quan, hàng ngày, các đồng chí lại đến cơ quan làm việc bằng những chiếc xe đạp cũ kỹ của mình. Cuộc sống giản dị, đời thường, gần gũi, gắn bó của các đồng chí là những tình cảm quý giá không gì mua, đổi được.
 
Tấm gương liêm khiết, đức tính trung thực, giản dị và rất đỗi yêu thương đồng chí, đồng nghiệp, yêu thương con người của đồng chí Thái Bá Nhiệm, Lê Khai, Lê Trung Thiện, Hoàng Bá Tào và nhiều đồng chí khác nữa là những tấm gương sáng để chúng ta suy ngẫm, làm theo. Hãy nêu gương từ những việc đời thường vì sức sống của một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn thuyết.
 
Tân Phương