Tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và tính thời sự

  • 10:23 | Thứ Bảy, 12/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cách đây đúng 70 năm vào ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo "Dân vận" với bút danh X.Y.Z đăng trên Báo Sự thật, số 120. Bài báo ra đời trong thời điểm công cuộc “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của dân tộc ta có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc.
 
Đến hôm nay, tác phẩm "Dân vận" của Bác vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và tính thời sự, trở thành “cẩm nang” không thể thiếu đối với những người làm công tác vận động quần chúng.
 
Chỉ gói gọn trong 573 từ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn về nội dung, phương pháp dân vận rất sâu sắc nhưng hết sức giản dị, thể hiện rõ phong cách và quan điểm viết báo của Người, đó là viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì và viết như thế nào. Tác phẩm chia thành bốn mục lớn, theo thứ tự từ I đến IV, lần lượt: I-Nước ta là nước dân chủ; II-Dân vận là gì?; III-Ai phụ trách dân vận?; IV-Dân vận phải thế nào?
 
Nội dung của tác phẩm đồng thời là quan điểm của Đảng. Bác Hồ luôn khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải phong phú, đa dạng; công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.
 
Trong tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh...”.
 
Và một thực tế vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương hiện nay-điều mà Bác Hồ đã chỉ ra 70 năm về trước, đó là: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc một vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.
 
Với Người, muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng thì cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải gương mẫu, nêu gương. Bác Hồ đã từng khẳng định, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền; lấy gương người tốt, việc tốt hàng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới.
 
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở các địa phương, cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là tình trạng không thống nhất trong lời nói, việc làm: nói nhiều làm ít; nói mà không làm; thậm chí có một số trường hợp nói một đằng, làm một nẻo... gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
 
Đã 70 năm trôi qua nhưng tác phẩm “Dân vận” của Người vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có thể coi là “cương lĩnh dân vận” của Đảng Cộng sản Việt Nam cần thiết trong mọi giai đoạn cách mạng, thể hiện rất rõ tư tưởng trọng dân và tin dân, phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Lấy dân là đối tượng phục vụ và để phục vụ dân, Người luôn gần gũi với nhân dân để thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí và thực hành dân chủ. Tác phẩm là cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước ta đề ra các chủ trương, chính sách về công tác dân vận.
 
Kỷ niệm 70 năm bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta suy ngẫm, cảm nhận sâu sắc hơn về tình cảm, trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của Người với lòng yêu nước, thương dân. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc rằng mình là cán bộ dân vận của Đảng, luôn vững tin nguyện đi theo Đảng, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp văn minh.
 
Đặng Viết Tiến
(Thị ủy Ba Đồn)