Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 - 20-10-2019):

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

  • 11:29 | Thứ Bảy, 19/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền cho phụ nữ và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện quyền chính trị của phụ nữ còn nhiều rào cản và khó khăn. Vì vậy, để đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ, không chỉ nhất quán về quan điểm, chủ trương, mà cần phải có một hệ giải pháp đồng bộ và khả thi, gắn liền với nâng cao nhận thức, đổi mới nội dung và phương thức phát huy tiềm năng phụ nữ…

Vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng nâng cao

Quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chương trình hành động số 14-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU, những năm qua, cùng với việc nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bình đẳng trong lĩnh vực chính trị và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Báo cáo sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đã có những điểm sáng trong việc thực hiện mục tiêu về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Kết quả bầu cử đại hội Đảng các cấp cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở các cấp của nhiệm kỳ này đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội được xem là giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội được xem là giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cụ thể, cấp tỉnh có 4/52 đồng chí, đạt tỷ lệ 7,7% (tăng 2,3%) và hiện có 2/14 nữ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy (đạt 14,28%); cấp huyện có 51/332 đồng chí, đạt tỷ lệ 15,36% (tăng 1,46%), trong đó 8/94 nữ là Ủy viên Ban Thường vụ (đạt 8,51%); cấp cơ sở có 425/2.278 đồng chí (đạt 18%) và có 23 nữ là bí thư, phó bí thư đảng ủy cấp xã.

Đặc biệt, tỉnh ta đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV là 16,7%, đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 14%, cấp huyện 25,5% và cấp xã 24,1%...

Bà Cao Thị Giang, nữ đại biểu duy nhất của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV chia sẻ, trong nhiệm kỳ hoạt động, để đảm đương được vai trò của mình, bà luôn tâm huyết và làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa cử tri với Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tham gia xây dựng, giám sát, phản biện các chính sách, pháp luật cũng như đại diện cho giới nữ, thể hiện tiếng nói, mong muốn đối với các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, hoàn thành tốt trọng trách của người đại biểu nhân dân, góp phần không nhỏ vào vấn đề tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị…

Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để tạo điều kiện và hỗ trợ đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện, nâng cao nhận thức về lý tưởng cách mạng, năng lực, trình độ chuyên môn và thực tiễn công tác. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đều quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trong quy hoạch.

Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ nữ ở cả 3 cấp được nâng lên, phần lớn cán bộ nữ chủ chốt đương chức và trong quy hoạch của các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, tỉnh đã và đang được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa các mặt. Nhiều cán bộ nữ được đào tạo trình độ sau đại học, cao cấp, cử nhân lý luận chính trị. Hiện toàn tỉnh có 19/77 nữ phó giáo sư, tiến sỹ (chiếm 24,7%); từ năm 2015 đến nay, có 166/575 cán bộ nữ được cử đi học cao cấp, cử nhân lý luận chính trị (chiếm 28,7%).

Cùng với đó, các sở, ngành, đoàn thể chính quyền đã chú trọng thực hiện tốt công tác tham mưu, tạo nguồn đào tạo và quy hoạch cán bộ nữ theo từng lĩnh vực cơ quan, địa phương…

Đến nay, toàn tỉnh có 24 nữ là trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể và tương đương cấp tỉnh; 5 nữ là phó chủ tịch HĐND, UBND và 192 nữ là trưởng, phó phòng đoàn thể cấp huyện; 56 nữ là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã... Công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên nữ cũng được cấp ủy các cấp quan tâm. Riêng từ năm 2015 đến nay, trong tổng số 10.227 đảng viên mới được kết nạp thì có 5.880 đảng viên là nữ (chiếm 57,43%).

Đánh giá về vấn đề này, bà Phạm Thị Hân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết, trong thời đại mới, bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, phụ nữ còn tích cực tham gia vào lĩnh vực chính trị. Đây được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy trình độ, năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau.

Đặc biệt, khả năng tham gia chính trị của phụ nữ làm thay đổi quy trình xác định những ưu tiên cho chính sách công và giúp các cấp chính quyền có cách nhìn công bằng và bao quát hơn. Thông qua đó, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội…

Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở tỉnh ta hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý còn chưa tương xứng với lực lượng, tiềm năng đóng góp của phụ nữ.

Toàn tỉnh có 4/8 huyện, thị xã, thành phố và 61/159 xã, phường, thị trấn chưa đạt tỷ lệ 15% nữ tham gia cấp ủy; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND ở cả 3 cấp chưa đạt chỉ tiêu 30%… Cơ cấu cán bộ nữ phân bố không đều, số lượng cán bộ lãnh đạo khối quản lý nhà nước còn ít và cán bộ nữ chủ yếu là cấp phó ở các cơ quan Đảng, đoàn thể và lĩnh vực văn hóa-xã hội…

Chia sẻ về những rào cản trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, bà Đỗ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hội LHPN tỉnh cho biết, hiện nay, một số quy định trong các lĩnh vực liên quan đến bình đẳng giới còn chưa phù hợp, như: tuổi nghỉ hưu, đào tạo, quy hoạch… dẫn tới những hạn chế về điều kiện và cơ hội tham gia bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Chưa kể, nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí, năng lực lãnh đạo, quản lý của phụ nữ vẫn còn mang nặng định kiến giới, khó thay đổi. Một số cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ và chưa dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức cho việc thực hiện bình đẳng giới trong công tác cán bộ.

Từ đó, nguồn cán bộ nữ để thay thế và quy hoạch được luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng rất khó khăn. Ngoài ra, một số cán bộ nữ do điều kiện, hoàn cảnh còn ngại tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị nên công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ ở một số địa phương bị thiếu hụt…

Nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, bà Phạm Thị Anh Đào, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội và Bình đẳng giới (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh, cần sớm rà soát, sửa đổi những chính sách, luật trái với nghị quyết của Đảng, Luật Bình đẳng giới và những hướng dẫn thực hiện đã hạn chế việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đề bạt phụ nữ.

Tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử góp phần bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử góp phần bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu nữ, bao gồm: chỉ tiêu nữ trong hệ thống dân cử, cấp ủy đảng; chỉ tiêu nữ được đề bạt, bổ nhiệm vào chức vụ cơ quan Nhà nước các cấp và chỉ tiêu nữ đưa vào quy hoạch, đưa đi đào tạo. Hệ thống chỉ tiêu này sẽ có tác động tích cực khi nhận thức của người dân và không ít lãnh đạo về bình đẳng giới trong tham chính trị còn nhiều hạn chế.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cũng tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội về bình đẳng giới và bình đẳng giới trong công tác cán bộ nữ. Đối với các tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy và mỗi cấp ủy viên phải có trách nhiệm phát hiện, đánh giá, giới thiệu nguồn cán bộ nữ để đưa vào quy hoạch, bảo đảm tỷ lệ nữ trong quy hoạch phải tương ứng với tỷ lệ nhân lực nữ và tỷ lệ đảng viên nữ trong cơ quan, đơn vị.

Việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ cũng phải tuân thủ cơ cấu tỷ lệ và chú trọng tạo nguồn cán bộ nữ bảo đảm chất lượng, đi đôi với thực hiện các chính sách chăm lo, ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ nữ trong quá trình phấn đấu.

Để nâng cao tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử, không chỉ các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận thể hiện vai trò của mình mà yếu tố quan trọng là Hội Liên hiệp Phụ nữ, nữ công các cấp và lãnh đạo các ngành, đoàn thể phải đề cao trách nhiệm, bảo đảm công bằng trong giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử, thông suốt quan điểm, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới.

Đặc biệt, với mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, vấn đề quan tâm, ủng hộ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp là hành động thiết thực và ý nghĩa. Qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì hạnh phúc của gia đình và sự phát triển của xã hội.

Thùy Lâm