Khi thi đua là "chất xúc tác" để phát triển kinh tế-xã hội

  • 08:13 | Thứ Sáu, 11/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Để các phong trào thi đua yêu nước ngày càng hiệu quả, thiết thực và lan tỏa, thời gian qua, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã xây dựng nhiều phong trào thi đua cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị được giao. Kết quả từ việc thực hiện các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Đồng chí Mai Xuân Toàn, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh cho biết: Hưởng ứng các phong trào thi đua do Chính phủ, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương phát động, Ban Thi đua-Khen thưởng đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, sâu rộng trong toàn tỉnh.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, toàn tỉnh đã đẩy mạnh các phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi", "Thi đua vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh thực phẩm", "Thi đua phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn"...

Từ các phong trào trên đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu như: chị Hồ Thị Thủy, người dân tộc Vân Kiều ở bản Khe Sung (Ngân Thủy, Lệ Thủy), chủ nhân của mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng rừng cho thu nhập 150 triệu đồng/năm; ông Hoàng Tấn Thuẩn (Bắc Lý, Đồng Hới) với mô hình trang trại tổng hợp và dịch vụ mang lại lợi nhuận1,2 tỷ đồng/năm…

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách là một trong những phong trào thi đua tiêu biểu của ngành Du lịch tỉnh ta.
Hình thành nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách là một trong những phong trào thi đua tiêu biểu của ngành Du lịch tỉnh ta.

Đáng mừng là nông dân ở các địa phương đã tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất, kinh doanh; đồng thời chú trọng đến việc sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới có hiệu quả đã được nhân rộng vào sản xuất như: thâm canh lúa cải tiến SRI, sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho hồ tiêu, cây ăn quả nhằm hướng tới nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, từng bước chuyển sản xuất cá thể nhỏ lẻ sang sản xuất hợp tác, liên doanh, liên kết, tập trung, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Các phong trào thi đua trên lĩnh vực: lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch… được tập trung đẩy mạnh và gặt hái nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ đang được các địa phương triển khai đúng kế hoạch.

Hoạt động khai thác gỗ từ rừng trồng được kiểm soát chặt chẽ. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong 9 tháng của năm 2019 đạt 361.300m3 (tăng 5,3% so với cùng kỳ), diện tích rừng trồng mới đạt 1.235 ha (tăng 5,1% so với cùng kỳ). Hiện tại, các chủ rừng đang tiếp tục triển khai làm đất chuẩn bị mặt bằng, cây giống để chủ động trồng rừng tập trung nhằm làm tăng diện tích rừng trồng trên toàn tỉnh.

Lĩnh vực thủy sản có sự tăng trưởng khá trong cả đánh bắt và nuôi trồng. Sản lượng thuỷ sản trong 9 tháng ước thực hiện 66.303 tấn, tăng 7 % so cùng kỳ. Nhờ triển khai tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đóng mới tàu có công suất lớn để chuyển đổi sang khai thác xa bờ, làm tăng năng lực đánh bắt và hiệu quả khai thác.

Các phong trào thi đua “Lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm", “Sáng kiến-cải tiến kỹ thuật", nhất là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo" thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động trong các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...

Giá trị sản xuất công nghiệp trong 9 tháng của năm 2019 ước đạt 8.964 tỷ đồng, tăng 7,6% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 6,6%. Các phong trào thi đua nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch được tập trung đẩy mạnh nhằm hình thành nhiều sản phẩm, loại hình du lịch hấp dẫn, góp phần quảng bá về mảnh đất, con người Quảng Bình tới bạn bè trong nước, quốc tế.

Trong 9 tháng năm 2019, tổng số lượt khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 4,09 triệu lượt, tăng 27,8%, trong đó khách quốc tế ước đạt 212.200 lượt, tăng 36,1% so cùng kỳ.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực vào cuộc bằng nhiều hành động, việc làm cụ thể thiết thực. Từ việc huy động sự đóng góp ngày công lao động, vật chất... của mỗi người dân để làm đường giao thông, nhà văn hóa và các công trình khác đã làm mang lại cho nhiều làng quê ở các vùng nông thôn một diện mạo mới.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 62 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến cuối năm 2019, có thêm 12 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 74 xã, đạt 54,4%. Thành phố Đồng Hới là đơn vị đã thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhờ đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, sự nghiệp giáo dục, đào tạo và công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Toàn tỉnh hiện có 118 xã đã đạt tiêu chí giáo dục (86,8%), 120/136 xã đạt tiêu chí y tế (88,2%) trong xây dựng nông thôn mới.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng. Các lễ hội truyền thống như: lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy), lễ hội Đập trống của người Ma Coong (Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với phương châm thi đua là động lực để phát triển toàn diện, thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Từ đó, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội nhằm triển khai hiệu quả các các phong trào thi đua, xem đó là nhiệm vụ trọng tâm, nòng cốt để xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng phát triển.

Nhật Văn