Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III, năm 2019

"Bông hoa" miền sơn cước

  • 09:05 | Thứ Ba, 10/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Chúng tôi đang muốn nói đến chị Hồ Thị Thanh, người dân tộc Bru-Vân Kiều tại bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa. Không những làm kinh tế giỏi, luôn có ý thức giúp đỡ mọi người cùng vươn lên làm giàu chính đáng, chị Thanh còn là đầu tàu gương mẫu trong mọi công việc của địa phương, là tấm gương sáng của đồng bào dân tộc thiểu số để mọi người học tập và noi theo.

Đến thăm gia đình chị Hồ Thị Thanh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cơ ngơi của gia đình chị. Ngôi nhà được xây dựng khang trang, khuôn viên sạch, đẹp, tươm tất. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, bản thân chị Thanh và gia đình luôn xác định phải bám đất, bám quê hương, làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc của mình.

Chị luôn tự nhắc nhở mình và động viên chồng, con phải chịu thương, chịu khó. Thông qua việc hỗ trợ giống và chuyển giao kỹ thuật của các dự án, chương trình an sinh xã hội trên địa bàn, gia đình chị đã canh tác thêm các loại cây ăn quả, nuôi lợn bản, chăn nuôi bò và trồng cây keo lai, cây trầm để tăng thu nhập cho hộ gia đình. Ngoài nghị lực và ý chí vươn lên, chị Thanh luôn là người phụ nữ năng động, đảm đang, tháo vát.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, trong khó khăn chị đã tìm hướng phát triển kinh tế riêng cho gia đình. Hiện tại, Hồ Thị Thanh là một trong những điển hình về phát triển kinh tế của xã Trọng Hóa. Không những làm kinh tế giỏi, chị Thanh còn gương mẫu trong mọi công việc của địa phương, luôn có ý thức giúp đỡ mọi người cùng vươn lên làm giàu chính đáng.

Chị Hồ Thị Thanh đi khắp các bản bên sườn núi Giang Màn, xã Trọng Hóa để tuyên truyền, vận động bà con.
Chị Hồ Thị Thanh đi khắp các bản bên sườn núi Giang Màn, xã Trọng Hóa để tuyên truyền, vận động bà con.

Bản Hưng có 26 hộ, trong đó 22 hộ nghèo và 3 hộ mới vươn lên thành hộ cận nghèo. Nếu ở những nơi khác, thoát nghèo là một kỳ tích, thì ở bản Hưng, để không nghèo hơn cũng là một kỳ tích. Vì nơi đây vốn là bản nghèo nhất của xã nghèo nhất (tỷ lệ hộ nghèo của xã Trọng Hóa là 93,58%) của huyện miền núi Minh Hóa.

Đóng góp vào “kỳ tích” giữ không để nghèo hơn ấy có công sức của chị Hồ Thị Thanh, người phụ nữ trẻ tuổi, luôn lăn lộn, nhiệt tình, gắn bó với phong trào phụ nữ, phong trào xóa đói giảm nghèo của bản Hưng và của xã Trọng Hóa trong suốt gần 15 năm qua.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, là Trưởng bản, khi biết Trường tiểu học bản Hưng được mở rộng và có tổ chức thiện nguyện hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhưng không có đất để xây dựng, không một chút do dự, gia đình chị Thanh đã tự nguyện hiến hơn 1.000m2 đất vườn nhà mình cho nhà trường. Ngoài ra, gia đình chị còn chặt hơn 100 cây trầm (được trồng từ năm 2003) để cho 2 hộ dân trong bản mở đường đi lại và xây dựng nhà ở.

Chia sẻ về việc làm này, chị Hồ Thị Thanh cho biết: “Nhà Hồ Lam và Hồ Xuân Bách ở sát ngay khe suối, vào mùa mưa lũ dễ bị sạt lở. Họ lại không có chỗ làm nhà. Miềng cho họ đất dựng nhà để có nơi sinh sống. Miềng cũng tiếc công sức trồng cây nhưng không thể để bà con không có chỗ ở ổn định và mong muốn trẻ em được học ở ngôi trường rộng rãi hơn”.

Ngoài việc hiến đất xây dựng, mở rộng trường học, chị Thanh đã vận động gia đình ông bà Hồ Thị Chăn hiến 600m2 đất và bà con đóng góp ngày công để san lấp, giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà trường. Bà con nơi đây rất tin tưởng chị, bởi lời nói của chị rất uy tín. Những việc chị Thanh làm đã được bà con ghi nhận và có sức lan tỏa rất lớn trong bản, làng xa xôi này.

Chi hội Phụ nữ bản Hưng hiện có 31 hội viên. Đến nay, 100% chị em phụ nữ bản Hưng đều đăng ký thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, gắn việc phát triển kinh tế với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, tích cực hiến đất, hiến ngày công để làm đường giao thông, mở rộng khuôn viên trường học, nhà văn hóa, nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân bản.

Với chức danh là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã (xã có 18 chi hội nằm rải rác trên các sườn núi), để đến được một số chi hội, chị Thanh phải băng rừng, lội suối đi bộ nhiều giờ liền. Đôi chân Hồ Thị Thanh đã in dấu khắp mọi nẻo đường rừng. Chị đã đến với bà con của những bản xa xôi nhất như: Lòm, Dộ, Tà Vờng... để tuyên truyền, vận động bà con không sinh con thứ ba, không để xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hướng dẫn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, cha mẹ không cho con bỏ học...

Mưa dầm thấm lâu, tỷ lệ sinh con thứ ba của bản Hưng và của xã giảm rõ rệt. Năm 2015, xã Trọng Hóa có 41 trường hợp sinh con thứ ba, bản Hưng có 3 trường hợp. Nhưng đến năm 2018, xã Trọng Hóa chỉ còn 13 trường hợp sinh con thứ ba và bản Hưng đã không có trường hợp sinh con thứ 3.

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Trọng Hóa đã giảm xuống đáng kể (riêng bản Hưng đã chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từ năm 2017 đến nay). Để có được những kết quả đó, không thể không kể đến sự tận tâm với đồng bào, cùng với đó là vai trò của người cán bộ phụ nữ, Trưởng bản chị Hồ Thị Thanh trong thời gian qua.

Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: “Trọng Hóa là xã khó khăn nhất huyện, có 96% dân số là người Bru-Vân Kiều, trình độ dân trí còn hạn chế, một số bà con còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Vì vậy, ở xã miền núi này có một cán bộ phụ nữ nhiệt tình, năng nổ như chị Thanh là đáng quý lắm. Bản thân cả 2 vợ chồng đều là đảng viên nên gia đình Hồ Thị Thanh luôn tích cực làm công tác xã hội, giúp đỡ các hộ khó khăn trong bản, trong xã và không ngừng học hỏi để phát triển kinh tế gia đình”.

Quyết tâm vươn lên từ trong gian khó, luôn đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn chính là nét đẹp của người phụ nữ Bru-Vân Kiều Hồ Thị Thanh ở bản Hưng, xã Trọng Hoá. Chị xứng đáng là gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Minh Tiến
(Ban Dân tộc tỉnh)