Lâm Thủy: Khởi sắc từ các chương trình an sinh xã hội

  • 07:31 | Thứ Ba, 20/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Bằng sự năng động, tranh thủ lồng ghép, huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án và sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xã miền núi rẻo cao Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) đã có chuyển biến rõ nét.

Lâm Thủy có diện tích tự nhiên 24.120 ha, với 6 bản, 394 hộ, 1.613 khẩu; trong đó có 357 hộ DTTS (chủ yếu là người Bru-Vân Kiều), với 1.476 khẩu. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận xã Lâm Thủy đã nỗ lực, tranh thủ lồng ghép, huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Cùng với đó, xã thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất vùng DTTS, gắn với xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng, tập huấn, giúp bà con nhân dân thay đổi cách làm, đổi mới tư duy trong lao động sản xuất.

“Hàng năm, căn cứ vào nguồn vốn phân bổ của tỉnh, huyện, UBND xã cử cán bộ về tận thôn, bản để hướng dẫn và chỉ đạo công tác bình xét, lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách.

Nhiều hộ nghèo ở xã Lâm Thủy được Ủy ban MTTQVN tỉnh hỗ trợ bò giống sinh sản để thoát nghèo.
Nhiều hộ nghèo ở xã Lâm Thủy được Ủy ban MTTQVN tỉnh hỗ trợ bò giống sinh sản để thoát nghèo.

Theo đó, đối tượng ưu tiên hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo có đủ điều kiện về lao động, đất đai và phải cam kết thực hiện tốt những nội dung của dự án đề ra. Xã đặc biệt quan tâm đến các đối tượng hộ sản xuất giỏi và tích cực tuyên truyền, vận động họ tham gia làm nòng cốt giúp đỡ các hộ nghèo về phương pháp sản xuất, kinh doanh, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thôn, bản.”, ông Hoàng Lý, Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy cho hay.

Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện địa hình phức tạp của địa phương, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp nhằm giúp bà con chủ động phát triển sản xuất. Cách làm này đã phát huy hiệu quả, giúp đồng bào DTTS dần dần xóa bỏ các phong tục canh tác lạc hậu, không còn tình trạng du canh du cư và đốt rừng làm nương rẫy.

Tập quán chăn nuôi theo kiểu chăn thả trong rừng trước đây được dần thay thế theo hướng chăn nuôi tập trung, trang trại. Đến nay, xã cơ bản giải quyết được vấn đề đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, đặc biệt là hệ thống điện, đường, trường, trạm và một số công trình phúc lợi khác.

Đồng bào Bru-Vân Kiều đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, đưa các loại giống cây trồng chất lượng, có năng suất cao, có khả năng chống chịu tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương vào canh tác nhằm tăng nguồn thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Từ năm 2015 đến nay, toàn xã có 78 lượt bà con tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Hàng năm, UBND xã, huyện đã hỗ trợ đúng đối tượng các loại giống: lúa, ngô, đậu, lạc từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 và nhiều bà con đã được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ giống, phân bón phát triển trồng rừng nguyên liệu.

UBND xã cũng đã cử cán bộ, công chức và đội ngũ trưởng bản tiến hành rà soát, khảo sát chi tiết nhu cầu giảm nghèo từng bản, từng hộ gia đình để có kế hoạch giảm nghèo cụ thể từng năm và cả giai đoạn 5 năm. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 6%/năm và đến nay còn 52%.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Văn Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Lâm Thủy chia sẻ thêm: “Thời gian qua, Ủy ban MTTQVN xã luôn linh hoạt và nỗ lực phát huy thế mạnh, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai hiệu quả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn xã.

Mặt trận xã đã tham mưu cho Đảng ủy phối hợp với UBND xã phát động kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp xây dựng các loại quỹ nhằm tạo nguồn kinh phí, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào DTTS vươn lên ổn định cuộc sống. Các nguồn quỹ hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, đồng bào DTTS được tiếp nhận, quản lý và sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch và hiệu quả”.

Nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, an sinh xã hội, diện mạo xã Lâm Thủy nay đã khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nơi đây có sự chuyển biến rõ nét so với những năm trước đây.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của huyện Lệ Thủy thì Lâm Thủy vẫn còn nhiều khó khăn… Để có nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Lâm Thủy rất cần sự tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước và sự chung tay, giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

H.C