Gương sáng cựu chiến binh

  • 15:45 | Thứ Hai, 12/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Khi Chi nhánh chế biến lâm sản và kinh doanh tổng hợp Đồng Hới thuộc Công ty TNHH MTV Lâm-Công nghiệp Long Đại đứng bên bờ vực phá sản do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cựu chiến binh (CCB) Lê Đại Thắng đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị đưa ra quyết định chế biến gỗ thô rừng trồng thành các sản phẩm gia dụng làm nguồn hàng hóa xuất khẩu. Với cách làm này, ông đã góp công lớn trong việc vực dậy chi nhánh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho công nhân.

Năm 1984, ông Lê Đại Thắng nhập ngũ, biên chế về Trung đoàn 9, Sư đoàn 968 đóng quân ở nước bạn Lào. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, năm 1988, ông rời quân ngũ rồi về làm việc tại Xí nghiệp chế biến gỗ Đồng Hới.

Từ đó đến nay, ông đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau và hiện đang giữ chức Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh chế biến lâm sản và kinh doanh tổng hợp Đồng Hới.

Đơn vị có nhiệm vụ chính là sản xuất, kinh doanh các mặt hàng gỗ công nghiệp. Trước năm 2016, chi nhánh chủ yếu cưa xẻ, chế biến, xuất bán các loại gỗ thô từ rừng tự nhiên nên thị trường tiêu thụ rất hạn hẹp, thu nhập của công nhân thấp, nhiều người lao động thiếu việc làm.

Ông Lê Đại Thắng đang kiểm tra các sản phẩm của đơn vị trước lúc xuất bán.
Ông Lê Đại Thắng đang kiểm tra các sản phẩm của đơn vị trước lúc xuất bán.

Lúc này, Nhà nước cũng đóng cửa rừng tự nhiên nên chi nhánh không còn nguồn nguyện liệu để sản xuất và đứng trước nguy cơ phá sản. Với phẩm chất vượt khó của người lính Cụ Hồ, CCB Lê Đại Thắng đã bàn bạc với lãnh đạo đơn vị để thay đổi cách thức sản xuất truyền thống sang sản xuất các mặt hàng gia dụng, tạo nguồn hàng xuất khẩu.

Ông Thắng tâm sự: “Lâu nay, người tiêu dùng vẫn quen dùng gỗ tự nhiên nên gỗ keo, tràm chẳng mấy ai mặn mà. Để giải quyết bài toán này, chi nhánh cần phải làm thay đổi được tư duy người tiêu dùng, cho ra đời những sản phẩm gỗ công nghiệp từ keo, tràm có chất lượng không thua kém các sản phẩm gỗ tự nhiên”.

Nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo đơn vị, ông đã tự học hỏi để nâng cao tay nghề, kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường và nghiên cứu thiết kế các sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng.

Đặc biệt, những cải tiến về kỹ thuật của ông đã giúp chi nhánh tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt, chất lượng, có uy tín trên thị trường. Qua đó, đã tạo thêm nhiều việc làm ổn định, tăng thu nhập cho công nhân, góp phần thay đổi thói quen người tiêu dùng.

Doanh thu của sản phẩm từ mộc đã tăng cao, trở thành mặt hàng sản xuất chính của đơn vị. Năm 2016, doanh thu của đơn vị là 1,7 tỷ đồng, đến năm 2017 tăng lên 1,9 tỷ đồng và năm 2018, doanh thu đã tăng vọt lên 4,1 tỷ đồng, dự kiến năm 2019 sẽ đạt trên 5 tỷ đồng. Lương công nhân năm 2016 chỉ đạt 3,7 triệu đồng/người/tháng thì đến nay tăng lên gần 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với việc công nhân được tăng lương, tay nghề của họ cũng được nâng cao sau quá trình đào tạo và tham gia sản xuất các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Anh Trần Thanh Bình, công nhân chi nhánh cho biết: “Nhờ sự quan tâm, hướng dẫn tận tình của ông Thắng, tay nghề của tôi và nhiều anh chị em ngày càng được nâng cao, lương chúng tôi cũng tăng dần qua các năm nên ai cũng vui mừng phấn khởi. Nhờ tăng lương nên đời sống gia đình tôi ngày càng được nâng lên".

Ông Đinh Xuân Hóa, Giám đốc Chi nhánh chế biến lâm sản và kinh doanh tổng hợp Đồng Hới đánh giá: “Những cải tiến kỹ thuật của ông Lê Đại Thắng đã giúp đơn vị thay đổi thói quen sản xuất từ chỗ bán gỗ thô tự nhiên sang sản xuất các loại sản phẩm từ gỗ rừng trồng xuất khẩu và phục vụ cho xây dựng.

Qua đó, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho công nhân cũng như tăng doanh thu cho đơn vị”. Với những kết quả đã đạt được, trong năm 2018, ông Thắng vinh dự được nhận danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” với nghề mộc mỹ nghệ.

Xuân Vương