.
Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII:

Lãnh đạo các sở, ban, ngành trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và kiến nghị cử tri

.
08:56, Thứ Ba, 16/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII đã dành nhiều thời gian để giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu. Báo Quảng Bình xin lược ghi lại ý kiến trả lời của giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành về những vấn đề cử tri quan tâm.

* Thượng tá Nguyễn Tiến Hoàng Anh, Phó Giám đốc Công an tỉnh thay mặt Công an tỉnh trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh

Đại biểu HĐND chất vấn: Tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số người nghiện ma túy ngày càng tăng, đặc biệt là tình trạng sử dụng trái chất ma túy tại các cơ sở karaoke, khách sạn... Đề nghị cho biết thực trạng và giải  pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn.

Trả lời: Sau khi Bộ Công an chỉ đạo quyết liệt đấu tranh với các đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới vùng Tây Bắc, các tổ chức, đường dây, nhóm đối tượng vận chuyển chuyển xu hướng sử dụng biên giới các tỉnh miền Trung, trong đó, Quảng Bình trở thành một trong những địa bàn trung chuyển ma túy từ nước ngoài vào nước ta.

Các loại ma túy tổng hợp, chất gây nghiện, chất hướng thần mới đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ, như: hồng phiến, ketamin, ma túy đá, cỏ Mỹ, “tem giấy”, “bóng cười”... Việc sử dụng ma túy, chất gây nghiện ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ (quán bar, khách sạn, nhà nghỉ, karaoke...) là xu thế. Nhiều đối tượng sau khi sử dụng các loại ma túy tổng hợp đã không làm chủ được hành vi, xuất hiện những “ảo giác” dẫn đến có các hành vi tiêu cực, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Một số vụ tổ chức sử dụng ma túy dưới hình thức “bay, lắc” tại quán karaoke, khách sạn ở TP. Đồng Hới với hàng chục đối tượng tham gia. Hiện nay, có 133/159 xã, phường thị trấn và 2.422 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó có 849 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 72 đối tượng “ngáo đá”.

Công an huyện Bố Trạch phát hiện, bắt giữ Võ Thị Đàn (SN 1986, trú tại tiểu khu 2, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh) khi đang vận chuyển gần 500 viên ma túy tổng hợp tại địa bàn xã Sơn Trạch (Bố Trạch).
Công an huyện Bố Trạch phát hiện, bắt giữ Võ Thị Đàn (SN 1986, trú tại tiểu khu 2, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh) khi đang vận chuyển gần 500 viên ma túy tổng hợp tại địa bàn xã Sơn Trạch (Bố Trạch).

Xác định đấu tranh với tội phạm này là vấn đề quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành trong hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt, chuyên trách, Công an tỉnh đã tổ chức nắm, phân tích, đánh giá, dự báo đúng diễn biến tình hình, xu hướng tội phạm ma túy trên địa bàn.

Nhờ vậy, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu, phối hợp các lực lượng chức năng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch công tác tuyên truyền, phòng, chống ma túy (PCMT), đấu tranh triệt xóa có hiệu quả nhiều đường dây tội phạm ma túy lớn, nhiều ổ nhóm, điểm phức tạp về ma túy gây bức xúc trong quần chúng nhân dân; vận động quần chúng nhân dân tham gia PCMT. Qua đó, tác động tích cực góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về tệ nạn ma túy trên địa bàn.

6 tháng đầu năm đã đấu tranh triệt xóa, vô hiệu hóa 10 đường dây phạm tội về ma túy; 16 điểm phức tạp về ma túy; bắt giữ, điều tra xử lý 63 vụ, 78 đối tượng phạm tội về ma túy. Nổi bật đã phá 1 chuyên án, 3 đối tượng tàng trữ mua bán trái phép chất ma túy tại phường Quảng Phong (TX. Ba Đồn) thu giữ 173 gói nilong heroin, 276 viên ma túy tổng hợp; 1 vụ/3 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy tại Sơn Trạch (Bố Trạch) thu giữ 469 viên ma túy tổng hợp; đột kích 1 cơ sở karaoke và 3 khách sạn trên địa bàn TP.

Đồng Hới phát hiện bắt giữ 43 đối tượng sử dụng ma túy trái phép; triệu tập giáo dục 107 lượt đối tượng có liên quan ma túy; xử lý hành chính 39 vụ, 54 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Lập hồ sơ đưa 85 đối tượng vào diện cai nghiện ma túy theo quy định; 296 người tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone).

Tổ chức hội nghị tập huấn về PCMT cho cán bộ các ngành trực tiếp làm công tác PCMT; phối hợp tổ chức 91 buổi tuyên truyền tác hại ma túy và công tác PCMT cho 23.300 lượt cán bộ, học sinh, quần chúng nhân dân; phát 4.600 tờ rơi; xây dựng 12 tin, bài về tuyên truyền PCMT.

Công an tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng kiểm soát công tác quản lý, xuất nhập khẩu và phân phối các loại tiền chất, thuốc tân dược có chứa chât gây nghiện, hướng thần; quản lý Methadone ở các cơ sở điều trị nghiện; vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, giáo dục các đối tượng nghiện tại cộng đồng dân cư, giảm thiểu việc nghiện mới, tái nghiện.

Lực lượng Công an chủ động phối hợp với các lực lượng chuyên trách Biên phòng, Hải quan và các ngành, đoàn thể, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động sản xuất, vận chuyển mua bán, tàng trữ trái phép tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, như: tuyến biên giới, Quốc lộ 12A, khu vực Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Quốc lộ 1, thành phố Đồng Hới.

Tình hình ma túy hiện nay vẫn đang là vấn nạn nhức nhối, bức xúc. Sở dĩ công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn vẫn chưa đạt được như mong muốn là do: Đường biên giới Quảng Bình với nước bạn Lào khá dài, chủ yếu là rừng núi hiểm trở, lại có nhiều đường tiểu ngạch, lối mòn, vì vậy, công tác tuần tra kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và thường xuyên thay đổi, sẵn sàng sử dụng vũ khí, hung khí chống trả các cơ quan chức năng. Xuất hiện một số chất gây nghiện mới, chất hướng thần, các loại ma túy mới, trong khi các quy định của pháp luật, trang thiết bị phục vụ giám định chất ma túy theo chưa kịp, làm cho công tác đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Các văn bản pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện thiếu đồng bộ, khó áp dụng trong thực tiễn. Các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, nhất là ở địa bàn cấp xã chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm theo quy định, còn nặng tư tưởng coi công tác PCMT là trách nhiệm của cơ quan chuyên trách PCMT, vì vậy, việc triển khai các giải pháp phòng ngừa xã hội còn nhiều hạn chế.

Số đối tượng chấp hành xong hình phạt, sau cai nghiện trở về địa phương không có việc làm, phần lớn không chịu tu dưỡng, rèn luyện, nhanh chống tái nghiện làm tăng nguồn “cầu” về ma túy và gắn với hành vi xâm phạm trật tự xã hội.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương và lực lượng chuyên trách PCMT của Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển, tập trung điều tra, xác minh, lập án đấu tranh các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, các điểm ma túy phức tạp tại các tuyến, địa bàn trọng điểm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài vận chuyển trái phép vào Việt Nam qua biên giới tỉnh Quảng Bình.

Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy nghiêm minh; xét xử công khai, lưu động một số vụ án ma túy điểm nhằm nâng cao tính giáo dục, phòng ngừa, răn đe đối với tội phạm ma túy. Đẩy mạnh tuyên truyền PCMT, chú trọng các địa bàn phức tạp, địa bàn biên giới, trường học; vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội.

Tích cực tham mưu, phối hợp với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội triển khai các biện pháp cai nghiện, quản lý sau cai, tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, trong đó tập trung thực hiện lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định.

* Đại biểu HĐND chất vấn: Hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi ngày càng gia tăng và có nhiều biến tướng, tinh vi. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở địa bàn thành phố mà còn len lỏi ở các vùng nông thôn, gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống, gây mất an ninh trật tự, dư luận bức xúc, lo lắng…Đề nghị cho biết thực trạng và giải pháp để ngăn chăn, đẩy lùi có hiệu quả.

Trả lời: Thời gian qua, tình trạng cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và cũng nằm trong tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Tại địa bàn tỉnh ta hiện còn 33 nhóm/279 đối tượng có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, chủ yếu là người địa phương (giảm 11 nhóm so với đầu năm 2019), trong đó có 6 nhóm/28 đối tượng từ Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ninh…Hoạt động cho vay lãi nặng thường đi kèm với các hành vi đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng…

Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc đòi nợ, siết nợ dẫn đến các hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật…Trước tình trạng trên, Công an tỉnh đã ban hành, triển khai kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó, tích cực phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng, lập hồ sơ theo dõi, lên danh sách quản lý đối với các băng, nhóm có biểu hiện hoạt động hiện hành để đấu tranh; tiến hành đẩy đuổi ra khỏi địa bàn 2 nhóm/11 đối tượng ngoại tỉnh.

Lực lượng Công an thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê; điều tra xử lý 1 vụ/3 đối tượng bắt giữ người trái pháp luật tại huyện Lệ Thủy; 1 đối tượng truy nã của Công an Hà Nội đến địa bàn hoạt động, gây rối trật tự công cộng.

Nổi bật, ngày 18-6-2019, phá chuyên án, khám xét 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ Lan Hùng ở phường Đồng Sơn và Quang Hà ở phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới), ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ 1 đối tượng, triệu tập đấu tranh đối với 11 đối tượng khác liên quan; khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng; thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến việc cho vay lãi nặng.

Đấu tranh bước đầu các đối tượng khai nhận hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với lãi suất từ 57,36%/năm đến 180%/năm, thu lãi bất chính nhiều tỷ đồng, đang tiếp tục điều tra mở rộng. Đây chính là chuyên án đầu tiên lực lượng Công an tỉnh đấu tranh trực diện với hoạt động “tín dụng đen”, xử lý hình sự được hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và dịch vụ đòi nợ thuê theo quy định. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình xây dựng, phát song các phóng sự, bài viết, đồng thời trực tiếp tổ chức các đợt tuyên truyền liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Tích cực phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Phát động các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, vận động nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Sau các đợt tấn công tội phạm, phòng ngừa, răn đe của lực lượng Công an, các đối tượng cho vay lãi nặng, tín dụng đen không hoạt động công khai, trắng trợn như trước mà thay đổi hình thức tinh vi, tìm cách đối phó, trốn tránh cơ quan chức năng.

Kết quả công tác đấu tranh, xử lý đối với các hoạt động “tín dụng đen” còn gặp nhiều khó khăn do: hệ thống pháp luật thiếu quy định để xử lý đối với trường hợp cho vay lãi suất với mức cao hơn mức lãi suất do pháp luật quy định, chưa có đủ chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm cho vay tín chấp.

Phương thức thủ đoạn hoạt động của đối tượng tinh vi, một số cơ sở tìm cách biến tướng hoạt động để trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng. Quá trình vay, người vay không lưu giữ hợp đồng vay, không có tài liệu thể hiện việc đã thanh toán. Người vay vì nhiều lý do không hợp tác gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mặt công tác nói trên, lực lượng Công an sẽ tổng rà soát, mở hồ sơ quản lý các cơ sở kinh doanh cầm đồ, cho vay tài chính để kịp thời phát hiện các hoạt động nghi vấn “tín dụng đen”; phân cấp quản lý số đối tượng này từ Công an cấp tỉnh đến Công an cấp huyện, cấp phường. Điều tra, đề nghị xử lý nghiêm đối với các hoạt động “tín dụng đen”. Công khai đường dây nóng trực ban hình sự 24/24h: 0232.3822.790 cho cử tri, nhân dân biết để kịp thời liên hệ, tố giác tội phạm.

Bùi Thành (lược ghi)

(Còn tiếp)

,