.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tích cực tham gia chất vấn

.
10:18, Thứ Sáu, 14/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dành 5 buổi cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp. Trước khi diễn ra các phiên họp chất vấn, Quốc hội đã thảo luận và quyết định chọn 4 nhóm vấn đề thuộc 4 lĩnh vực để tiến hành chất vấn, gồm: an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông-vận tải và văn hóa, thể thao, du lịch. Các vấn đề được lựa chọn xuất đều phát từ những bức xúc trong đời sống để hướng tới có các giải pháp giải quyết một cách thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.

Gắn với 4 nhóm vấn đề chất vấn nêu trên, các Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ trực tiếp trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực và các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan sẽ tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc trách nhiệm quản lý.

Cuối phiên chất vấn, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung liên quan.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình có 3 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thắc mắc vì sao trong điều tra các vụ việc gian lận điểm thi vừa qua, việc giao thẩm quyền điều tra tại các địa phương là khác nhau; tại Hòa Bình được giao cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, tại các địa phương khác giao cơ quan điều tra công an tỉnh; đồng thời, “đề nghị Bộ trưởng cho biết việc giao thẩm quyền điều tra như vậy có bảo đảm khách quan, toàn diện hay không? Trường hợp có dấu hiệu không khách quan thì Bộ có phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo để chuyển thẩm quyền điều tra vụ việc hay không?”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, thực trạng xã hội hiện tại vẫn còn rất nhiều gia đình tán gia, bại sản; nhiều gia đình lo lắng bất an trước nguy cơ con cái, các thành viên trong gia đình dính phải tình trạng nợ nần do tham gia đánh bạc, cá cược qua mạng online, vay tín dụng đen…, bị băng nhóm xã hội đen uy hiếp, đe dọa và “đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ trưởng đã chỉ đạo ngành công an tư vấn, cảnh báo cho người dân như thế nào? Bộ có định hướng, giải pháp gì ngăn chặn, xử lý tình trạng trên trong thời gian sắp tới”.

Đại biểu Cao Thị Giang nêu câu hỏi, cho rằng, hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều tội phạm giết người trong trạng thái bị tâm thần hay ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp gây ra và “đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn về thực trạng và giải pháp để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới”.

Đại biểu Cao Thị Giang tham gia chất vấn tại hội trường.
Đại biểu Cao Thị Giang tham gia chất vấn tại hội trường.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay, cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an và công an các tỉnh Sơn La, Hà Giang đang điều tra 3 vụ, 16 bị can liên quan đến gian lận thi cử xảy ra trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 vừa qua. Trong 3 vụ án nêu trên, có 2 vụ án xảy ra tại Sơn La và Hà Giang là do công an địa phương thụ lý điều tra. Về cơ bản, thẩm quyền điều tra các vụ này là của cơ quan điều tra địa phương.

Riêng ở Hòa Bình, do yêu cầu của tỉnh; đồng thời, Bộ cũng nhận thấy đây là loại tội phạm mới, cần phải tập trung điều tra để có kinh nghiệm trực tiếp nên đã tiếp nhận vụ này để cùng địa phương điều tra. Trong quá trình điều tra, đã có sự phối hợp rất chặt chẽ với Viện Kiểm sát; cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra thì Viện Kiểm sát tối cao có giám sát; cơ quan điều tra của địa phương điều tra thì có Viện Kiểm sát địa phương giám sát. Cho đến nay, không có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong các vụ điều tra của các vụ án liên quan đến đề thi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, tội phạm về tín dụng đen xuất phát từ quan hệ dân sự kinh tế thông thường giữa người vay và người đi vay. Bọn tội phạm đã lợi dụng quan hệ này để tiến hành hoạt động tội phạm.

Người đi vay cũng có nhiều dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm, đa số vay để sử dụng vào những hoạt động vi phạm pháp luật, không lành mạnh, như: cờ bạc, buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại; vì vậy, đã bất chấp lãi suất của các tổ chức tín dụng đen; nếu sản xuất, kinh doanh bình thường thì rất khó có đủ điều kiện để trả lãi cao lên tới 300%.

Những người cho vay lập ra các quỹ tín dụng đen để cho vay; bản thân họ là đối tượng hình sự hoặc nếu không thì cũng nuôi, chăn dắt một số lượng đối tượng hình sự để phục vụ mục tiêu hoạt động tín dụng đen của mình. Do cho vay tín dụng đen với lãi suất cao nên họ sử dụng những đối tượng hình sự để đe dọa, đòi nợ thuê khi các con nợ không có khả năng thanh toán đúng hạn, cho nên tín dụng đen là giới hạn phạm vi của tội phạm hình sự, từ quan hệ dân sự đó diễn biến thành tội phạm hình sự, kể cả người đi vay và người cho vay đều có dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm. Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng: “đây là mầm mống của tội phạm mà lực lượng công an đang nghiên cứu tổng kết, từ đó có kiến nghị với các cơ quan chức năng trong hoạt động quản lý”.

Đối với câu hỏi chất vấn của đại biểu Cao Thị Giang, Bộ trưởng Tô Lâm đã trả lời chung trong nhóm vấn đề về người nghiện và quản lý người nghiện ma túy. Bộ trưởng khẳng định “tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm; từ tội phạm ma túy sẽ nảy sinh ra trộm cắp, cướp của, thậm chí giết người”; vì vậy, đấu tranh với tội phạm ma túy, ngăn chặn ma túy là vấn đề rất quan trọng trong mục tiêu làm giảm phạm pháp hình sự trong nước.

Vấn đề này, Bộ Công an đã có một số giải pháp, như: về mặt pháp luật, Bộ sẽ tổng kết và đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; tiếp tục thực hiện các chủ trương, các chỉ thị của Đảng về vấn đề phòng, chống ma túy. Thậm chí, có thể phải khôi phục lại Điều 199 của Bộ luật Hình sự năm 2009 về tội sử dụng trái phép chất ma túy.

Về mặt nhận thức, cần tăng cường tuyên truyền phòng chống ma túy, nhất là ở cộng đồng, cơ sở, khu dân cư; công tác quản lý người nghiện ngoài xã hội, trong gia đình cũng như quản lý tại các cơ sở cai nghiện mà Nhà nước quản lý. Lực lượng công an sẽ phối hợp thật tốt với lực lượng chức năng, quốc tế để tăng cường công tác nghiệp vụ, phát hiện, triệt phá các đường dây vận chuyển, mua bán ma túy. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết không để hình thành những đường dây buôn bán ma túy từ trong nước”.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp xây dựng giao thông trong nước khó để tham gia các công trình, dự án lớn về giao thông, như: cao tốc Bắc-Nam, do năng lực, khả năng tài chính không đáp ứng được vốn dài hạn, trong lúc đó, các ngân hàng nhà nước cũng không muốn mở rộng nguồn cung cấp để cho vay.

Thực trạng trên đòi hỏi với các dự án giao thông lớn cần phải mời gọi, thu hút đầu tư từ nước ngoài. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết: “Bộ đã có những giải pháp gì để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước được tham gia. Nếu mời gọi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài thì phải làm gì để họ đầu tư vào Việt Nam đúng thời hạn, không gây vướng mắc, cản trở trong thời gian sắp tới”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, đường cao tốc Bắc-Nam phía đông hiện nay là dự án lớn, mỗi dự án có thể tới 20.000 tỷ và chúng ta có 8 dự án PPP. Ngân sách hiện nay đang khó khăn, nguồn lực trong nước cũng khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dự án BOT giai đoạn trước, nguồn lực rất hạn chế, tín dụng ngân hàng đầu tư nhiều cho các dự án BOT nên đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng có khó khăn về nguồn vốn, tín dụng.

Tuy nhiên, đây là dự án lớn, trọng điểm, cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ về đấu thầu. Hiện Bộ đang tổ chức đấu thầu quốc tế, thuê 2 tư vấn nước ngoài cùng tham gia lập hồ sơ mời thầu.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước, Bộ đã khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước có thể liên doanh 3-4 doanh nghiệp thành một đơn vị để đảm bảo tài chính, hoặc liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, vì chúng ta đấu thầu quốc tế nên các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều có thể liên doanh, liên kết với nhau.

Hiện tại, Bộ đã bán được 81 hồ sơ với 34 doanh nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp nước ngoài và 24 doanh nghiệp trong nước; khoảng tháng 8 sẽ mở thầu để sơ tuyển, tháng 9 sẽ cung cấp cho Quốc hội các nội dung có liên quan đến việc đấu thầu.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa-thể thao và Du lịch, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chất vấn 2 vấn đề. Thứ nhất, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp gì để xây dựng, hình thành lối sống văn hóa, ứng xử của người Việt để tạo thêm động lực thu hút khách du lịch. Thứ hai, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp gì để khai thác tiềm năng, lợi thế của liên kết vùng miền trong khai thác, phát triển du lịch.

Trả lời vấn đề thứ nhất, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, liên quan đến phát huy văn hóa ứng xử, lối sống văn minh của người Việt trở thành yếu tố hấp dẫn khách du lịch, ngành văn hóa đã ban hành quy tắc ứng xử trong du lịch, trong đó có một số nội dung, như: xây dựng lối sống gần gũi, thân thiện, cởi mở và hiếu khách, đây là những nét đẹp để thu hút khách du lịch.

Đối với vấn đề thứ hai, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch 7 vùng du lịch và trên cơ sở đó các địa phương đã tiến hành quy hoạch du lịch trên địa bàn. Vấn đề hiện nay là sự liên kết giữa các vùng đang còn hạn chế, trong quá trình liên kết có liên kết về hạ tầng, liên kết về sản phẩm.

Để làm tốt việc này, theo Bộ trưởng “các cấp chính quyền cần phối hợp với nhau trong việc liên kết về du lịch, khách đến địa phương này thì làm sao để cũng đến với địa phương khác; ví dụ, đối với vùng miền Trung, vùng Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị ... các địa phương phải liên kết chặt chẽ với nhau để thu hút khách du lịch.

Trong phiên chất vấn đối với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phản ánh thực trạng tội phạm xâm hại trẻ em qua môi trường mạng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ “đã có nỗ lực gì để phối hợp các bộ, ngành đề ra các giải pháp chủ động đối phó, ngăn chặn, xử lý đối với loại tội phạm lợi dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em?”.

Đối với nội dung chất vấn của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời; trong đó cho rằng, để ngăn chặn, xử lý đối với loại tội phạm này, giải pháp lâu dài và căn cơ nhất là đưa giáo dục, kỹ năng sống trong không gian mạng vào giáo dục từ phổ thông.

Tuy vậy, vấn đề trước mắt phải thực hiện là “quét rác”. Đầu tiên, từng người tham gia mạng xã hội không xả rác, dọn rác của chính mình. Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng đang được Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo và sẽ ban hành.

Thứ hai, các nhà mạng phải có bộ lọc để dọn rác và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ra yêu cầu cụ thể. Thứ ba, các cơ quan, bộ, ngành cũng phải thực hiện dọn rác, đầu tiên phải định nghĩa rác của mình, giám sát, phát hiện và tuyên bố đây là rác, cái này phải dùng công nghệ. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có một trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, cơ bản có thể đánh giá, phân tích, phân loại.

Sau khi các bộ, ngành quyết định đây là rác thì thông báo đến Bộ Thông tin và Truyền thông vì bộ này quản lý các nhà mạng sẽ thực hiện yêu cầu gỡ bỏ, kể cả đối với mạng xã hội nước ngoài. Các mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải thực thi luật pháp Việt Nam vì Việt Nam là nước có chủ quyền.

Phong Hồng-Hồng Nhung

(Còn nữa)

,