.

Trả lời của các bộ, ngành về kiến nghị của cử tri Quảng Bình

.
08:04, Thứ Tư, 15/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Trước thềm kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã nhận được văn bản trả lời 15 kiến nghị của cử tri gửi tới các cơ quan Trung ương gửi tới kỳ họp thứ 6. Các kiến nghị chủ yếu liên quan tới quy trình giám sát, bỏ phiếu tín nhiệm các đại biểu dân cử; vấn đề an ninh trật tự, chế độ hỗ trợ cho vay đối tượng người dân tộc thiểu số... Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin để đông đảo cử tri được biết.

Trả lời các kiến nghị về cơ chế giám sát của các cơ quan, đại biểu dân cử

* Đối với kiến nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát đối với các vụ án hành chính nhằm bảo đảm các vụ án được diễn ra khách quan, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho cơ quan, tổ chức nhà nước cũng như công dân, Ủy ban Tư pháp đã có công văn trả lời cử tri.

Theo đó, hàng năm, Ủy ban Tư pháp đều tiến hành khảo sát, giám sát chuyên đề, giám sát viêc giải quyết đơn thư, khiến nại, tố cáo về hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động của ngành Tòa án nhân dân.

Ủy ban Tư pháp đã có các kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp để chỉ đạo thi hành dứt điểm, nghiêm túc các bản án hành chính tồn đọng nhiều năm qua, khắc phục tình trạng các bản án hành chính không được chấp hành nghiêm chỉnh.

Tiếp thu kiến nghị sau giám sát, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các tỉnh/thành thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật tố tụng hành chính, xử lý dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; trách nhiệm các cá nhân, tổ chức chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án hành chính đã có hiệu lực.

* Trả lời kiến nghị của cử tri về việc tăng cường công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật để đảm bảo tính đồng bộ của các văn bản luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: thời gian qua, cùng với các hoạt động giám sát của Quốc hội, công tác ban hành văn bản đã có chuyển biến tích cực.

Số lượng văn bản quy định chi tiết thời gian ban hành chậm, nợ đã giảm dần (năm 2018, số lượng văn bản quy định chi tiết tuy nhiều hơn 56 văn bản do với năm 2017 nhưng tỷ lệ ban hành văn bản đã được ban hành tăng từ 88,54% năm 2917 lên 92,1% năm 2018).

Tình trạng văn bản không khả thi, ban hành trái pháp luật, gây bức xúc đã được hạn chế. Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy từ tháng 8-2017 đến tháng 8-2018 đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 6.732 văn bản trong đó phát hiện 3/74 văn bản sai sót về hiệu lực hoặc nội dung.

Các phản ánh, kiến nghị của dư luận, báo chí, các tổ chức, cá nhân về nội dung văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản nghiên cứu nghiêm túc và có biện pháp xử lý kịp thời.

Ủy ban Pháp luật cũng ghi nhận kiến nghị của cử tri để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.

* Một số cử tri đề nghị nâng cao chất lượng hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, đặc biệt là mở rộng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu nhằm giúp cho việc đánh giá cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đại biểu dân cử.

Ban Công tác đại biểu ghi nhận ý kiến trên và sẽ tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét để sửa đổi, hoàn thiện các quy định về lấy phiếu tín nhiệm cho nhiệm kỳ sau.

Trả lời các kiến nghị về quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội

* Nhiều cử tri bức xúc trước tình trạng tham nhũng vặt trong bộ phận thực thi công vụ đang diễn ra nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực xã hội dẫn đến việc người dân mất niềm tin đối với chính quyền.

Thanh tra Chính phủ đã có công văn phúc đáp, trong đó nhấn mạnh: ngoài những vụ án tham nhũng lớn, tham nhũng vặt với tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho nhân dân cũng đang được quyết tâm đẩy lùi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Trong Chương trình công tác của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Dự kiến sau khi ban hành, các cơ quan, ban ngành sẽ khẩn trương tổ chức thực hiện đồng thời chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng “tham nhũng vặt”. Thanh tra chính phủ sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị.

* Trước lo ngại của nhiều cử tri về việc tội phạm ma túy, tội phạm cho vay nặng lãi đang gây nên tình trạng vi phạm trật tự trị an đáng lo ngại, như: trộm cắp, cướp giật, giết người, “bảo kê”… và mong muốn các lực lượng siết chặt kỷ cương, tăng nặng các khung hình phạt đối với các tội danh về ma túy, Bộ Công an đã có 2 công văn trả lời, qua đó thông tin: lực lượng công an các cấp đã triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; kiềm chế gia tăng tội phạm.

Riêng năm 2018, phạm pháp hình sự trên toàn quốc giảm 0,61% so với năm 2017, hầu hết các loại tội phạm đều giảm số vụ. Hàng loạt vụ bắt giữ ma túy, triệt xóa các đối tượng liên quan “tín dụng đen” thời gian qua phần nào đã cho thấy quyết tâm của ngành công an trong việc củng cố an ninh trật tự.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường đấu tranh với tội phạm liên quan tới “tín dụng đen”, đề xuất phân công cho các ngành liên quan để phát huy sức mạnh tổng hợp trong giải quyết vấn đề này; triệt phá các băng nhóm tội phạm “tín dụng đen” và ma túy lớn; tăng cường tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra…

Đối với việc gia tăng khung hình phạt với các tội danh về ma túy, Bộ giải trình Chương XX, Bộ Luật hình sự năm 2015 đã được bổ sung, sửa đổi để đáp ứng nhu cầu phòng, chống ma túy trong tình hình mới, 13 điều từ Điều 247 đến 259 đã quy định 9/13 tội danh có hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình; 3/13 tội danh có hình phạt cao nhất là 10-15 năm tù; chỉ có 1 tội danh có hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.

Thực hiện Luật, các cơ quan tư pháp đã áp dụng nhiều hình phạt nghiêm minh để thể hiện sự răn đe; tội phạm ma túy là tội phạm bị kết án tử hình, chung thân nhiều nhất, cũng là loại tội không (hoặc ít) được ân xá so với các loại tội phạm khác.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục rà soát bất cập, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật pháp, tạo hành lang pháp lý phù hợp, đáp ứng nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy hiện nay.

* Trả lời kiến nghị có biện pháp xử lý tình trạng nợ đọng thuế khá lớn, ảnh hưởng đến nguồn thu quốc gia, Bộ Tài chính khẳng định tính đến 31-12-2018, số tiền thuế nợ có khả năng thu (chiếm tỷ trọng 51,8% tổng số tiền thuế nợ) đã giảm 5,7% so với 1 năm trước đó.

Trong đó, số tiền nợ có khả năng thu chỉ chiếm 3,6%, số tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi chiếm tới 48,2%-tăng tới 16% so với thời điểm 31-7-2017. Bộ cũng cho biết nguyên nhân của thực trạng này là do sự khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, dẫn đến việc doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, mất khả năng trả nợ…

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BTC ngày 15-10-2018 về tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế, để giảm nợ đọng thuế, cùng với đó, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp quyết liệt thực hiện các biện pháp thu hồi, cưỡng chế nợ thuế như giao chỉ tiêu đến từng lãnh đạo, công chức, công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng… Đồng thời, Bộ cũng trình sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nợ thuế trong Luật Quản lý thuế và tham mưu xây dựng Nghị quyết Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế…

* Cử tri có kiến nghị gửi Bộ Xây dựng về vấn đề Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 là quá thấp, mức vay tối đa 25 triệu/hộ (thời gian vay 15 năm) từ Ngân hàng Chính sách xã hội không đủ để xây nhà nếu không có nguồn hỗ trợ khác.

Bộ Xây dựng cho biết, theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức vay trên là để tăng tính chủ động của địa phương và người dân, đối với nhiều địa phương thì mức vay trên cơ bản phù hợp.

Tuy vậy, đối với đối tượng hộ nghèo là người dân tộc, thiểu số miền núi có thể gặp khó khăn. Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương để chủ động cân đối ngân sách, phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, huy động các nguồn xã hội hóa tiến hành giúp đỡ bà con. Về phía Bộ, trong thời gian tới, sẽ tổng hợp, báo cáo đề nghị nâng hạn mức cho vay tới các cấp có thẩm quyền xem xét.

Ngoài những kiến nghị trên, một số vấn đề bất cập trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, giáo dục, y tế, quản lý an toàn pháo nổ, xây dựng nghĩa trang cho các lãnh đạo nhà nước, danh nhân, người nổi tiếng …cũng đã được các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng trả lời. Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin đầy đủ trong các bài viết sau.

Diệu Linh

,