.

Dấu ấn một thập kỷ-Bài 2: Những thành quả tự hào

.
08:15, Thứ Hai, 13/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Đi qua một thập kỷ với quyết tâm và nỗ lực thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Quảng Bình đã thực sự thay da đổi thịt. Bên cạnh những con số biết nói, điều quan trọng hơn nữa là những thay đổi về mặt tư duy, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện Cương lĩnh, chung tay xây dựng quê hương.

Những con số biết nói

Bằng những quyết sách đúng đắn, 10 năm qua, nhiều dấu mốc mới đã được xác lập trong hầu hết các lĩnh vực. Đó là tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân thời kỳ 2010 - 2019 tăng 6,7%, trong đó, năm 2018 đạt 7,03%, đây là sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà trong điều kiện có nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người từ 14,8 triệu đồng năm 2010, đến năm 2019 ước đạt 40,5 triệu đồng.

Ngư dân Quảng Bình vượt qua khó khăn từ sự cố môi trường biển, tiếp tục đầu tư đóng mới tàu công suất lớn khai thác hải sản xa bờ
Ngư dân Quảng Bình vượt qua khó khăn từ sự cố môi trường biển, tiếp tục đầu tư đóng mới tàu công suất lớn khai thác hải sản xa bờ.

Tương tự, thu ngân sách trên địa năm 2010 đạt 1.343 tỷ đồng, đến năm 2019 ước tăng lên 4.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,3% GRDP toàn tỉnh, cơ cấu thu ngân sách ngày càng bền vững.

Trong lĩnh vực du lịch, có thể khẳng định một thập kỷ qua đánh dấu sự phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và cách thức làm du lịch. Từ việc khai thác các danh lam thắng cảnh thiên nhiên, đặc biệt là hệ thống hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng theo hướng đơn thuần, đến nay, Quảng Bình đã phát triển du lịch theo hướng đa dạng.

Cùng với hệ thống hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư, sự phát triển của du lịch cộng đồng khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng đã tạo sức hút rất riêng và mạnh mẽ đối với du khách trong nước và quốc tế.

>> Bài 1: Đồng lòng vượt qua gian khó

Những nông dân tay cày tay cuốc, những “lâm tặc” sống nhờ phá rừng, nay trở thành ông chủ các homestay, farmstay, đưa bản sắc văn hoá Quảng Bình đến với du khách. Hệ thống hang động mới được khám phá đồng thời cho ra đời những tour du lịch trải nghiệm hấp dẫn. Du lịch Quảng Bình đã trở thành một dấu son trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Với sự đổi thay ngoạn mục đó, từ 1 triệu lượt khách năm 2011, doanh thu 424 tỷ đồng, đến năm 2018, con số này là 3,9 triệu lượt và 4.485 tỷ đồng. Từ những con số này có thể thấy, số lượng khách năm 2018 so với năm 2011 tăng gần 4 lần, nhưng doanh thu đã tăng 10,5 lần. Điều này minh chứng cho hiệu quả của việc khai thác du lịch trong một thập kỷ qua. Con số 4,3 triệu lượt khách năm 2019 là hoàn toàn có cơ sở cùng những kỳ vọng lớn về doanh thu.

Cũng trong một thập kỷ qua, hoạt động xúc tiến đầu tư đã gặt hái nhiều kết quả ngoài mong đợi, đưa Quảng Bình trở thành một điểm đến hấp dẫn. Các hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức trong và ngoài nước, nhiều rào cản về thủ tục được đơn giản hóa hoặc xóa bỏ, các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng hơn. Con số 66 dự án, với tổng số vốn 168.869 tỷ đồng, tương đương 7,34 tỷ USD được ký kết tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 là minh chứng rõ nét về sức hút của Quảng Bình.

Mười năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư đồng bộ và hiện đại với cảng hàng không, cảng biển và những tuyến đường nối các quốc gia trong khu vực. Giao thông nông thôn khởi sắc nhờ sự đầu tư của tỉnh, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) mà ở đó người dân đóng vai trò chủ thể với trách nhiệm và những quyền lợi thiết thực cho bản thân, cộng đồng. Xe ô tô về tận bản, cảng hàng không Đồng Hới với các tuyến bay nội địa và quốc tế, cảng biển quy mô lớn … là những giấc mơ đã thành hiện thực trong một thập kỷ qua.

Trong sản xuất nông nghiệp, đã hình thành những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” từ hiệu quả của chủ trương “dồn điền đổi thửa”. Mùa gặt đã vắng bóng những người nông dân khuya sớm trên đồng, thay vào đó là máy gặt đập liên hợp hoạt động nhịp nhàng, giúp người nông dân vơi đi bao nhọc nhằn.

Và nỗi băn khoăn vì sự vắng bóng của các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giờ đã được giải toả khi đã có nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Điệp khúc “được mùa rớt giá” từng ám ảnh người nông dân giờ cũng vơi bớt khi sản xuất nông nghiệp được xây dựng theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Trên biển, hoạt động đánh bắt hải sản dù gặp phải nhiều khó khăn, thách thức từ sự cố môi trường biển, nhưng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự quyết tâm, nỗ lực của mỗi một ngư dân, hoạt động khai thác đã phục hồi. Năm 2010, sản lượng khai thác hải sản là 48.567 tấn, đến năm 2019 đã tăng lên 82.457 tấn. Đội tàu đánh bắt xa bờ được trang bị hiện đại, vừa tham gia khai thác hải sản ở ngư trường xa, vừa làm tốt vai trò giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.

Nếu mười năm trước, khái niệm về thị trường bất động sản vẫn còn khá mờ nhạt thì hiện nay, các dự án nhà ở thương mại, dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư được triển khai đã góp phần mở rộng quỹ đất, thay đổi diện mạo thành phố Đồng Hới các trung tâm các huyện, thị xã ngày càng khang trang, hiện đại. Với khoảng 300 ha đất được đầu tư mở rộng, các dự án đã đóng góp vào ngân sách bình quân 500 đến 1.000 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng đã cho ra đời 3 khu công nghiệp cùng nhiều cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sau khi 62 xã về đích, đạt 45,5% số xã, đã tự tin bước sang một giai đoạn mới là xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao. Đời sống người dân nông thôn ngày càng khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,24%/năm, hiện còn 6,98%. Xã hội ổn định, đồng thuận xã hội ngày càng cao.

Với gần 1.000 lao động, năm 201, Công ty may S&D Quảng Bình xuất khẩu gần 4 triệu sản phẩm, doanh thu 5,4 triệu USD.
Với gần 1.000 lao động, năm 201, Công ty may S&D Quảng Bình xuất khẩu gần 4 triệu sản phẩm, doanh thu 5,4 triệu USD.

Song song với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhận thức của người dân cũng từng bước được nâng cao. Không chỉ phát huy hiệu quả các thế mạnh trong sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, người dân đã quan tâm và chung tay hành động bảo vệ môi trường cho hiện tại và thế hệ tương lai.

Sự ra đời của các nhóm, các diễn đàn hành động nói không với rác thải nhựa, làm sạch biển, thu gom, phân loại rác thải ở các khu dân cư, các điểm du lịch… ngày càng nhiều đã khẳng định sự đổi thay tích cực về tư duy và kịp thời trong hành động. Đó là những tín hiệu vui, là sự kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mới sau một thập kỷ thực hiện Cương lĩnh 2011.

Lời kết

Kinh tế-xã hội phát triển, quốc phòng-an ninh được giữ vững, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được nâng cao… là những thành tựu cơ bản, là tiền đề để Quảng Bình tiếp tục phát triển.

Bên cạnh những thành tựu cơ bản, Quảng Bình vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ trong phát triển kinh tế; trong phong trào khởi nghiệp; quản lý tài nguyên môi trường, khoáng sản; vấn đề “tín dụng đen”; chất lượng giáo dục ở vùng sâu vùng xa còn hạn chế; tình hình mất an ninh trật tự ở một số địa bàn nông thôn, địa bàn vùng giáo; kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ của một bộ phận công chức, viên chức chưa nghiêm; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí…

Giải quyết tốt những khó khăn, tồn tại nêu trên là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà cần nỗ lực thực hiện để thực hiện thắng lợi Cương lĩnh 2011, đưa Quảng Bình đồng hành cùng đất nước vững bước đi tới tương lai.

Diệu Cầm

,