.

Những dấu ấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

.
09:04, Thứ Tư, 09/01/2019 (GMT+7)

3. Xem xét, thông qua các dự án luật, nghị quyết

(Tiếp theo và hết)

Tại kỳ họp này, trên cơ sở thảo luận, xem xét, Quốc hội đã thông qua 9 luật (gồm: Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch), 1 nghị quyết (Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan) và cho ý kiến về 6 dự án luật khác (gồm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (sửa đổi)).

Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền công dân, chính sách giáo dục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phòng, chống tham nhũng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế…

Riêng về quy định “xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc” trong Luật Phòng, chống tham nhũng, do đây là vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất nên Quốc hội đã quyết định không bổ sung nội dung này vào trong dự án Luật mà thực hiện theo quy định hiện hành và tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm thực hiện.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Việc phê chuẩn CPTPP có ý nghĩa quan trọng, không chỉ nhằm hoàn tất quy trình pháp lý để bảo đảm Hiệp định sớm có hiệu lực, mà còn thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Hành chính công ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 và dừng việc xây dựng dự án Luật này. Đối vớidự án Luật Giáo dục (sửa đổi) là dự án Luật với nhiều vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, được Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự 3 kỳ họp.

Quốc hội giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân về dự án Luật, tổng hợp ý kiến nhân dân trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 1-2019, làm căn cứ sửa đổi các quy định của Luật bảo đảm hợp lý, có tính khả thi cao trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019).

Quốc hội cũng tán thành thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 trong thời gian 2 năm kể từ ngày 1-2-2019. Theo đó, giao Chính phủ chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền và nghiên cứu, rà soát Danh mục các nước được áp dụng, các cửa khẩu được nhập cảnh bằng thị thực điện tử để bảo đảm chặt chẽ, hợp lý; đồng thời, khẩn trương tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để báo cáo, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật này.

Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống.

Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật; đồng thời có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.

4. Chất vấn và trả lời chất vấn

Quốc hội đã xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Nội dung chất vấn có phạm vi rộng, nhiều chất vấn của đại biểu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở hầu hết các lĩnh vực của cả khối hành pháp và tư pháp. Tổng cộng có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 82 lượt đại biểu tranh luận.

Các thành viên Chính phủ, trong đó 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 19 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu.

Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục.

Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội. Đồng thời, đề nghị các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

5. Lấy phiếu tín nhiệm

Quốc hội đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục của Nghị quyết số 85/2014/QH13.

Đây là kết quả của một quá trình chuẩn bị chu đáo và trách nhiệm; xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình lấy phiếu tín nhiệm. Với ý thức trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian nghiên cứu, nắm bắt thông tin, thảo luận, đánh giá một cách công tâm, khách quan mức độ tín nhiệm của các vị được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh tương đối khách quan quá trình thực hiện nhiệm vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Đây là cơ sở để người được lấy phiếu tín nhiệm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

6. Xem xét, quyết định các vấn đề  khác

-Quốc hội đã dành thời gian xem xét các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV và một số báo cáo khác của các cơ quan, tổ chức hữu quan (Báo cáo của Chính phủ về kết quả 2 năm (2017-2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Báo cáo của Chính phủ về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; Báo cáo về bảo hiểm y tế). Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực công tác trong thời gian tới.

- Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, trong đó đã đánh giá tổng quan về kết quả kỳ họp và quyết định một số vấn đề: điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 trong thời gian hai năm kể từ ngày 01/2/2019; giao Chính phủ triển khai xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2045; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36–NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương
 

,