.

Xây dựng Đảng ở vùng khó: Bài học từ Trọng Hóa

.
08:36, Thứ Bảy, 01/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong khi một số đảng bộ cơ sở trên địa bàn huyện miền núi Minh Hóa còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong công tác phát triển đảng viên, chưa phát huy được vai trò của chi bộ, đảng viên khi triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống, thì Đảng bộ xã Trọng Hóa đã có những cách làm hay, vượt qua những khó khăn đặc thù của một xã vùng biên giới, giữ vững thành tích đảng bộ 5 năm liền vững mạnh xuất sắc.

Đảng viên luôn đi trước

Đầu năm 2018, tại bản Ra Mai (Trọng Hóa), một cuộc họp chi bộ có sự tham dự của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, đảng ủy viên được phân công về sinh hoạt ở chi bộ đã diễn ra sôi nổi và nghiêm túc.

Bí thư Đảng ủy xã Trong Hóa Hồ Thị Thoi (giữa) kiểm tra rừng trồng của bà con.
Bí thư Đảng ủy xã Trong Hóa Hồ Thị Thoi (giữa) kiểm tra rừng trồng của bà con.

Tại cuộc họp, ngoài những nội dung sinh hoạt định kỳ, chi bộ đã triển khai chủ trương của Huyện ủy về phát triển trồng rừng bằng giống cây bản địa hỗn loài mà Đảng ủy xã Trọng Hóa đã chọn bản Ra Mai làm mô hình điểm, sau đó nhân rộng ra toàn xã. Kết quả của cuộc họp Chi bộ bản Ra Mai lúc đó, tất cả các đảng viên trong chi bộ đã bàn bạc và thống nhất để đồng chí Bí thư Chi bộ Hồ Kinh thực hiện mô hình điểm này.

Nhận tránh nhiệm trước Đảng bộ xã Trọng Hóa, Chi bộ bản Ra Mai, gia đình ông Hồ Kinh đã bắt tay ngay vào thực hiện mô hình điểm. Trên diện tích trước đây trồng keo, tràm bị cơn bão số 10 năm 2017 làm đổ gãy, gia đình ông Hồ Kinh đã cải tạo lại đất và nhận cây giống hỗ trợ về để thực hiện mô hình trồng rừng hỗn loài bằng các giống cây bản địa, như dỗi, lim, trám, huê và cây keo lai nuôi cấy mô.

Hơn nửa năm trồng và chăm sóc chu đáo, cánh rừng của ông Hồ Kinh đang phát triển tốt, báo hiệu một tín hiệu vui đang đến với không chỉ gia đình đảng viên Hồ Kinh mà của toàn thể nhân dân xã Trọng Hóa.

“Miềng (mình) là đảng viên, lại là Bí thư Chi bộ nên phải tiên phong làm trước. Mà làm trước thì phải cố gắng làm thật tốt để thành công, để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, cấp trên giao phó mà còn rút kinh nghiệm để bà con dân bản học tập làm theo”, ông Hồ Kinh chia sẻ.

Không chỉ mạnh dạn nhận thí điểm mô hình rất mới này, nhiều năm qua, Bí thư Chi bộ Hồ Kinh luôn là người được đảng viên tín nhiệm, dân bản tin yêu vì ông là người rất gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong bản nuôi lợn, gà, trồng rau, trồng rừng để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vai trò của đảng viên “nòng cốt”

Đồng chí Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho biết, đầu năm 2018, nhận thấy chi bộ cơ quan xã không còn cần thiết, Đảng bộ xã Trọng Hóa đã quyết định giải thể chi bộ này, thay vào đó là sắp xếp, đưa các đảng viên là cán bộ xã về sinh hoạt tại các chi bộ bản. Việc làm này đã thực sự tăng thêm sức mạnh cho các chi bộ, từ đó đã vực dậy phong trào tại cơ sở.

Năm 2016, thiếu tá Lưu Văn Dũng được bố trí về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa và đầu năm 2018, đồng chí được phân công về tham gia sinh hoạt với Chi bộ bản Rông. Tại đây, thiếu tá Lưu Văn Dũng đã cùng các đảng viên trong chi bộ tích cực tuyên truyền,vận động quần chúng nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chịu khó làm ăn, xóa dần tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

“Sinh hoạt đảng ở chi bộ cơ sở, tôi có nhiều điều kiện để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con. Từ đó, tôi đã cùng các đảng viên trong Chi bộ bản Rông vận động nhân dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tích cực cho con em đến trường để học chữ và đặc biệt là tích cực, siêng năng lao động sản xuất, làm ăn, nên hiện nay, trong bản đã có nhiều mô hình trồng rừng, nuôi lợn rừng, dê có hiệu quả rất cao”, thiếu tá Lưu Văn Dũng chia sẻ.

Chi bộ bản La Trọng 1 từng có thời điểm 2 năm liền không phát triển được đảng viên nào. Từ năm 2017 đến nay, khi đưa các đồng chí trong cấp ủy và đảng viên ở chi bộ cơ quan xã về tham gia sinh hoạt, trên tinh thần thẳng thắn góp ý, kiên trì tuyên truyền, vận động, đã có nhiều quần chúng tự nguyện viết đơn xin vào Đảng. Và hiện nay, chi bộ có thêm 3 đảng viên trẻ là người dân tộc thiểu số, trong đó có 2 đảng viên nữ.

Chị Hồ Thị Thon, sau khi vào Đảng đã được dân bản tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản La Trọng 1. Trên cương vị mới, chị tích cực phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên để cùng với chi bộ đưa bản La Trọng ngày càng phát triển.

Không chỉ ở bản Ra Mai, La Trọng, Rông mà ở tất cả 18 bản trên địa bàn, Đảng ủy xã Trọng Hóa đều thực hiện việc cử những đảng viên là cán bộ có trình độ về sinh hoạt, từ đó quan tâm, giúp đỡ và theo dõi các chi bộ bản khó khăn về công tác phát triển đảng viên, cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách, đưa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống.

Trên cơ sở nắm tình hình thực tế, định kỳ hàng quý, những đồng chí được phân công có trách nhiệm báo cáo trước Đảng ủy về kết quả công tác xây dựng Đảng, phát hiện, tạo nguồn đảng viên, cũng như công tác phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và xóa đói giảm nghèo theo kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra.

Đảng viên Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, được phân công về sinh hoạt tại Chi bộ bản Ra Mai thăm lúa rẫy của bà con.
Đảng viên Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, được phân công về sinh hoạt tại Chi bộ bản Ra Mai thăm lúa rẫy của bà con.

Có thể khẳng định, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy xã, những đảng viên "nòng cốt" được Đảng ủy phân công về sinh hoạt ở chi bộ bản đã thực sự phát huy được vài trò là “hạt nhân lãnh đạo từ cơ sở”, từ đó, góp phần không nhỏ giúp công tác xây dựng Đảng ở Trọng Hóa thời gian qua đạt được những kết quả khả quan.

Năm 2017, Đảng bộ xã Trọng Hóa kết nạp 8 đảng viên mới. Năm 2018, Đảng bộ có thêm 13 quần chúng làm đơn xin vào Đảng và đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa ký quyết định kết nạp. 11 quần chúng khác cũng đang làm hồ sơ để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đến nay, Đảng bộ xã Trọng Hóa có 244 đảng viên, sinh hoạt tại 25 chi bộ, trong đó có 18 chi bộ bản.

Trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, để giải bài toán thoát nghèo nhanh và bền vững, Đảng bộ xã Trọng Hóa xác định, cần vận dụng phù hợp các nghị quyết của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn địa phương, đặc biệt là dựa vào lợi thế để trồng rừng và chăn nuôi.

Bên cạnh việc duy trì các loại cây lương thực truyền thống, như lúa rẫy, ngô, sắn..., Đảng bộ xã Trọng Hóa tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển trồng rừng kinh tế, đặc biệt là chú trọng trồng các giống cây bản địa và trồng rừng gỗ lớn để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong chăn nuôi, tập quán thả rong đã dần được thay đổi, bà con đã biết đầu tư làm chuồng trại, nuôi nhốt, chăn nuôi những con đặc sản có giá trị kinh tế cao.

P.Phương-T.Linh

 

,