.

Ủy ban MTTQVN tỉnh: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động về công tác dân tộc

.
08:09, Thứ Tư, 12/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhằm tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động về công tác dân tộc, những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận các cấp hướng mạnh về cơ sở với phương châm: "đi từng ngõ, gõ từng nhà", "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin".

Tỉnh ta có 2 dân tộc thiểu số chính, gồm: Bru-Vân Kiều và Chứt, với 5.095 hộ và 23.036 khẩu; trong đó, dân tộc Bru-Vân Kiều có các tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì và dân tộc Chứt có các tộc người: Sách, Rục, A Rem, Mã Liềng, Mày.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 155 hộ với 729 khẩu thuộc thành phần các dân tộc thiểu số khác, như: Thái, Mường, Thổ, Tày, Nùng, Pa Cô, Ca Rai... Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh sinh sống thành cộng đồng ở 106 thôn, bản thuộc 17 xã miền núi, vùng cao của các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Ông Nguyễn Lê Huy, Phó ban Dân tộc-Tôn giáo, Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết: “Những năm qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động về công tác dân tộc, nhất là hướng mạnh về cơ sở. 

Mặt trận các địa phương đã tăng cường gặp gỡ, đối thoại, trao đổi, cung cấp thông tin giữa cán bộ Mặt trận với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS); tổ chức gặp mặt, biểu dương người có uy tín tiêu biểu, các điển hình tiên tiến trong ĐBDTTS …

Công tác vận động đồng bào tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước có những chuyển biến tốt. Mặt trận các cấp luôn quan tâm đến việc khảo sát, xây dựng các mô hình điểm về xóa đói giảm nghèo trong vùng DTTS”.

Mặt trận và các đoàn thể chú trọng đến các nhân tố mới để xây dựng và phát huy vai trò, vị trí đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong ĐBDTTS. Trong 3 năm qua, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã phối hợp tổ chức 40 lớp tập huấn cho hơn 2.100 đối tượng là cán bộ Mặt trận các cấp làm công tác dân tộc; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận cơ sở phối hợp với các ban, ngành cùng cấp tổ chức tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con trên hệ thống truyền thanh cơ sở, các hội nghị, cuộc họp của xã và thôn, bản.

Theo đó, các cấp Mặt trận đã phối hợp tổ chức được 413 cuộc tuyên truyền về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, các phong trào, cuộc vận động trong ĐBDTTS, thu hút 32.422 lượt người tham gia.

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Trần Văn Tuân trao số tiền 50 triệu đồng hỗ trợ thôn Tiền Phong, xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa sửa chữa công trình thiết yếu trên địa bàn.
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Trần Văn Tuân trao số tiền 50 triệu đồng hỗ trợ thôn Tiền Phong, xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa sửa chữa công trình thiết yếu trên địa bàn.

Nhằm triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Trung ương MTTQVN và các ngành, các cấp phát động, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể và hướng dẫn, triển khai đến Mặt trận các cấp để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ĐBDTTS trong tỉnh tham gia xây dựng nông thôn mới, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Ủy ban MTTQVN tỉnh đã xây dựng và bổ sung các quy định, quy ước về nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; đồng thời, chăm lo sự nghiệp y tế, giáo dục, động viên ĐBDTTS giữ gìn vệ sinh, đường làng ngõ xóm sáng-xanh-sạch-đẹp, góp công, góp sức, tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất phục vụ cho việc thi công các tuyến đường, xây dựng công trình thủy lợi, công trình phúc lợi công cộng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng ĐBDTTS.

Phong trào thi đua lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo trong ĐBDTTS được Mặt trận các cấp đặc biệt quan tâm. Với phương châm "cầm tay chỉ việc", các phong trào đã mang lại hiệu quả tích cực, từng bước thay đổi được nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu từ “phát, đốt, cốt, trỉa”, sản xuất “tự cung, tự cấp” sang thâm canh tăng vụ, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có năng suất, giá trị kinh tế cao, tạo ra các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, đa dạng. Nhiều vùng ĐBDTTS, như: Rục, Khùa, Mày, Macoong, Mã Liềng… đã chuyển đổi tập quán từ sản xuất nương rẫy "phát, đốt, cốt trĩa" sang sản xuất thâm canh lúa nước 2 vụ.

Đến nay, ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh có hơn 290ha sản xuất 2 vụ lúa nước/năm, với năng suất bình quân đạt 40 tạ/ha. Toàn tỉnh có trên 700 hộ ĐBDTTS làm ăn khá, giỏi, trong đó, có trên 500 hộ cho thu nhập 30 triệu đồng/năm trở lên, gần 200 hộ có thu nhập 70 triệu đồng/năm trở lên.

Tiêu biểu là các hộ: ông Hồ Văn Pan (bản Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), ông Hồ Viên (bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa), ông Đinh Hợp, dân tộc Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch)…

Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới”.

Những năm qua, lực lượng dân quân và ĐBDTTS đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm vùng biên giới; vận chuyển hàng chục tấn vật liệu để đúc, cắm biển báo "khu vực biên giới, vành đai biên giới"…

Công tác tham gia xây dựng hệ thống chính trị vùng ĐBDTTS được Mặt trận các cấp phối hợp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp kiện toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của công tác Mặt trận. Đầu năm 2018, toàn tỉnh có 980 đảng viên là người DTTS. Tỷ lệ cán bộ là người DTTS trong hệ thống chính trị được tăng dần qua các nhiệm kỳ đại hội và bầu cử HĐND các cấp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 đại biểu Quốc hội, 166 đại biểu HĐND các cấp, 1 ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQVN, 6 ủy viên Ủy ban MTTQVN tỉnh, trên 1.000 ủy viên Ủy ban MTTQVN cấp huyện, cấp xã và Ban công tác Mặt trận khu dân cư, 22 cán bộ Mặt trận cấp xã là người DTTS.

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đối với công tác dân tộc, đồng chí Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh chia sẻ: “Ban Thường Ủy ban MTTQVN tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo Mặt trận các cấp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc giữ gìn kỷ cương pháp luật, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bảo đảm sự công khai, công bằng những vấn đề có liên quan đến quyền lợi của ĐBDTTS.

Ủy ban MTTQVN tỉnh cũng sẽ huy động mọi nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhằm từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho ĐBDTTS”.

Hiền Chi

 

,