.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng

.
08:46, Thứ Sáu, 19/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Qua nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Ninh lần thứ XXIV, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, huyện Quảng Ninh vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đã đề ra. Phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh về vấn đề này.

PV: Xin đồng chí cho biết huyện Quảng Ninh đã có giải pháp nào để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện?

Đồng chí Phan Mạnh Hùng: Để triển khai Nghị quyết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề: phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo thực hiện Đề án về phát triển kinh tế-xã hội các xã miền núi, biên giới giai đoạn 2016-2018, định hướng đến 2020; các chương trình trọng tâm về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020; phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020; đổi mới công tác cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đồng thời, huyện có các kế hoạch để triển khai nghị quyết sâu rộng đến các cấp ủy, đảng viên và toàn bộ nhân dân trên địa bàn huyện.

PV: Với những biện pháp như vậy, đồng chí có thể chia sẻ những kết quả nổi bật nhất mà huyện đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua?

Đồng chí Phan Mạnh Hùng: Huyện Quảng Ninh có 17/20 chỉ tiêu đề ra đạt và vượt Nghị quyết Đại hội. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 4,1%; thu ngân sách đạt 96,46 tỷ đồng (năm 2017) và dự kiến đạt 90 tỷ đồng (năm 2018); thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng (2017) và dự kiến đạt 36,5 triệu đồng/người (năm 2018); có 7/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm xuống còn 9,45% (năm 2017) và dự kiến giảm xuống còn 7,25% (năm 2018); huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và dự kiến từ năm 2018-2020 có 15/15 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; có 95% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 99,4% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ; 66,5% chính quyền cơ sở vững mạnh.

Diện mạo nông thôn huyện Quảng ninh ngày càng khang trang.
Diện mạo nông thôn huyện Quảng ninh ngày càng khang trang.

PV: Đồng chí có thể khái quát ngắn gọn tình hình thực hiện các nghị quyết chuyên đề của huyện?

Đồng chí Phan Mạnh Hùng: Đối với Nghị quyết về phát triển giáo dục và đào tạo, 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS; huyện được công nhận đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ III và phổ cập giáo dục THCS mức độ II; chất lượng, hiệu quả giáo dục ngày càng được nâng lên, phát triển theo hướng vững chắc cả về đại trà và mũi nhọn. Huyện tiếp tục duy trì vị thế tốp 3 vững chắc trong 8 huyện, thị xã, thành phố của toàn tỉnh.

Đối với Nghị quyết về tiếp tục lãnh đạo xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện, có 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu đến cuối năm 2018 có thêm 2 xã (Gia Ninh và Vạn Ninh) đạt chuẩn nông thôn mới.Toàn huyện đạt 217 tiêu chí, trung bình đạt 15,5 tiêu chí/xã (cao hơn mức bình quân chung của tỉnh).

Đối với Đề án phát triển kinh tế-xã hội các xã miền núi, biên giới, trong gần 3 năm trở lại đây, tổng nguồn vốn huyện đầu tư cho 2 xã Trường Sơn và Trường Xuân là 47.117,1 triệu đồng.

Từ nguồn vốn này, huyện đã tập trung đầu tư các công trình, như: đường vào bản Sắt, dự án định canh định cư bản Chân Trộng, khai hoang đất sản xuất ở bản Sắt, Trung Sơn, Ploang và các công trình nước sinh hoạt tập trung… Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

PV: Xin đồng chí cho biết kết quả thực hiện các chương trình trọng điểm của huyện giai đoạn 2016-2020?

Đồng chí Phan Mạnh Hùng: Đối với Chương trình về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm, huyện đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng về đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo.

Tính đến 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 8% (giảm 3,8% so với cuối năm 2016). Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo được đẩy mạnh với bình quân hàng năm, toàn huyện có 1.100 lao động được đào tạo nghề.

Đối với Chương trình phát triển du lịch, hoạt động du lịch huyện đã có chuyển biến tích cực: tỷ trọng dịch vụ, du lịch tăng lên rõ rệt, các điểm du lịch sinh thái, du dịch tâm linh, bãi tắm Hải Ninh... thu hút được nhiều du khách và trở thành tiềm năng thế mạnh để huyện nhà tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển trong thời gian tới. Đến nay, toàn huyện có 7 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh. Tổng doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 17 tỷ đồng.

Đối với Chương trình về đổi mới công tác cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh đã tiến hành rà soát, bổ sung và đưa vào quy hoạch những đồng chí có triển vọng. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đánh giá cũng như công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

Đối với Chương trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng bộ huyện đã tăng cường việc sinh hoạt chuyên đề, lựa chọn nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các vấn đề nổi cộm, bức xúc tại địa phương, đơn vị; đề cao vai trò nêu gương của bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, đề bạt, bố trí cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch; công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ những giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết BCH Đảng bộ huyện trong thời gian tới?

Đồng chí Phan Mạnh Hùng: Trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, Huyện sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung chuyên canh, chất lượng cao; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 55% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới tàu có công suất lớn và phương tiện kỹ thuật để đánh bắt xa bờ; chú trọng đầu tư và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ; đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng; tiếp tục rà soát các tiêu chí, chỉ đạo các xã về đích theo lộ trình đề ra; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống, vật chất là tinh thần cho nhân dân.

Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, huyện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các phong trào thi đua yêu nước; tập trung chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đẩy mạnh công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ; thực hiện nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; chú trọng kiểm tra, giám sát cấp ủy viên các cấp; tăng cường nắm bắt thông tin, giải quyết kịp thời, dứt điểm các ván đề nổi cộm; thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình thực hiện chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và cấp mình.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Hải (thực hiện)
 

,