.

Nông dân Đồng Hới chung tay phát triển du lịch

.
09:26, Thứ Bảy, 22/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp hội và hội viên Hội Nông dân thành phố Đồng Hới đã thi đua phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng; trong đó, nhiều hội viên đã đầu tư chuyển đổi ngành nghề, hướng đến phát triển du lịch.
 
Thành phố Đồng Hới là trung tâm kinh tế-chính trị-văn hoá của tỉnh, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như: di tích văn hoá lịch sử Bàu Tró, Lũy Thầy, Quảng Bình Quan, Thành Đồng Hới, trận địa pháo lão dân quân Đức Ninh, em bé Bảo Ninh...
 
Nơi đây là quê hương và địa điểm gắn với tên tuổi của các anh hùng, như: Quách Xuân Kỳ, Trương Pháp, Lê Trạm, Nguyễn Thị Suốt, Nguyễn Thị Khứu, Phạm Thị Nghèng…
 
Đồng Hới có chiều dài bờ biển gần 12km, đây là một trong 10 thắng cảnh du lịch biển hấp dẫn nhất Việt Nam. Phía tây Đồng Hới là một hệ thống sông suối, hồ, rừng rất thích hợp cho phát triển du lịch, nghỉ ngơi, giải trí.
 
Bên cạnh đó, Đồng Hới cách khu du lịch di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 50 km, cách khu du lịch suối Bang 50 km, cách cảng biển Hòn La 60 km và Cửa khẩu quốc tế Cha Lo 180 km. Đây cũng là nơi hội tụ hệ thống giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc-Nam, cảng hàng không Đồng Hới, cảng biển Nhật Lệ…
 
Từ những lợi thế đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đồng Hới lần thứ XX đã thể hiện quyết tâm xây dựng thành phố giàu đẹp văn minh, phấn đấu trở thành thành phố du lịch. Ban Thường vụ Thành ủy đã cụ thể hoá tinh thần đó bằng những chương trình hành động; trong đó, có nội dung tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia phát triển du lịch.
Nông dân thành phố Đồng Hới tham gia lễ hội đường phố trong Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới 2018.
Nông dân thành phố Đồng Hới tham gia lễ hội đường phố trong Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới 2018.
Thực hiện nhiệm vụ này, Hội Nông dân thành phố đã tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, thay đổi nhận thức trong làm du lịch. Từ đó, nhiều hội viên nông dân đã dần đổi mới nếp nghĩ, cách làm và đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển du lịch.
 
Ông Đặng Văn Kỳ, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đồng Hới cho biết: “Đồng hành cùng phát triển du lịch, Thành hội đã chỉ đạo các cấp hội, hội viên nông dân các xã, phường vùng biển chế biến nhiều loại sản phẩm như: cá khô, mực khô, ruốc, nước mắm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo nên thương hiệu riêng như: “Nước mắm Khánh Cường”, “Hải sản khô Long Tám”… để phục vụ phát triển du lịch.
 
Hàng trăm, nhiều hội viên nông dân đã đầu tư mở rộng nhà hàng hải sản biển để phục vụ du khách. Nhiều món ăn khoái khẩu được khách ưa chuộng như: bánh bột lọc, bánh bèo, bánh xèo, bánh khoái… đều do hội viên nông dân làm ra.
 
Một số mô hình dịch vụ du lịch mới do nông dân đầu tư như: cùng ngư dân câu mực trên biển, câu cá ven bờ, xe điện phục vụ du lịch. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng loại hình du lịch trải nghiệm này đã thu hút rất đông khách, mang lại nguồn thu nhập cho nông dân.
 
Năm 2017, Hợp tác xã dịch vụ vận tải du lịch và thương mại Đồng Thành được thành lập với 20 xe điện, số vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng do hội viên nông dân làm giám đốc nhằm phục vụ khách du lịch tham quan, vui chơi giải trí tại khu khe Chuối Quang Phú, biển Nhật Lệ và ngắm thành phố…
 
Ông Phan Văn Hà, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ vận tải du lịch và thương mại Đồng Thành cho biết: “Sau khi được thành lập, xã viên đã đầu tư mua xe mới với trị giá trên 200 triệu đồng/chiếc. Xe được kiểm định chất lượng chặt chẽ, lái xe có bằng B2 trở lên, xe chạy theo tuyến, lịch trình, tuân thủ đúng các quy tắc giao thông nên được khách du lịch rất hài lòng.
 
Trong mùa du lịch, thu nhập từ mỗi chiếc xe điện du lịch lên tới 20-30 triệu đồng/tháng. Thời kỳ ít khách du lịch cũng duy trì ở mức 3-4 triệu đồng/tháng”.
 
Anh Phan Văn Qúy, một khách du lịch đến từ Hà Nội cho hay: “Đến thành phố Đồng Hới tôi rất thích đi xe điện để ngắm cảnh. Các tài xế xe điện du lịch ở đây luôn có thái độ phục vụ thân thiện, mến khách, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của khách du lịch”.
 
Tại xã Bảo Ninh, các cấp hội đã quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để hội viên phát triển nghề đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh cho biết: “Hiện toàn xã có 450 tàu thuyền, trong đó có trên 200 tàu đánh bắt xa bờ.
 
Các tàu nhỏ còn lại chủ yếu đánh những vùng gần bờ và phục vụ cho du lịch. Ngoài ra, còn hàng chục cơ sở chế biến hải sản, trồng rau sạch cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn của nông dân đang trực tiếp phục vụ cho ngành du lịch”.
 
Chị Đào Thị Tám, một hội viên nông dân đang làm chủ cơ sở chế biến hải sản tại xã chia sẻ: “Hàng ngày, khách du lịch đến cơ sở tôi thăm quan và mua sản phẩm khá đông. Nhờ thế mà đời sống của gia đình cũng như người lao động tại cơ sở được cải thiện đáng kể”. Nghề chế biến hải sản gia truyền của chị Tám đã có từ lâu đời.
 
Đặc biệt, “Nước mắm Long Tám” của chị đã xây dựng được thương hiệu, có nhiều người tiêu dùng lẫn khách du lịch tin dùng. Ước tính mỗi năm, cơ sở của chị bán ra thị trường gần 4.000 lít nước mắm và 50 tấn cá khô các loại.
 
Năm 2017, tổng doanh thu của cơ sở sản xuất chế biến nước mắm, cá khô Long Tám đạt gần 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận thu về hơn 500 triệu đồng. Cơ sở chế biến hải sản khô của gia đình chị đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với mức lương từ 3 triệu đến 4 triệu đồng/người/tháng.
 
Với những thành quả trong sản xuất kinh doanh, chị Tám được bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác chế biến thủy sản Đồng Dương. Với vai trò là tổ trưởng, chị luôn tạo ra sự liên kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ. Mỗi năm, Tổ hợp tác chế biến thuỷ sản Đồng Dương cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn hải sản các loại và tạo việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương.
 
Ông Đặng Văn Kỳ cho biết thêm: "Để đồng hành cùng phát triển du lịch, Hội Nông dân thành phố Đồng Hới đã tích cực tham gia Tuần Văn hoá - Du lịch Đồng Hới diễn ra vào tháng 4 hàng năm bằng các hoạt động như: múa bông, chèo cạn (Bảo Ninh), hội Cù (Đồng Phú), diễu hành đường phố, lễ hội ẩm thực…
 
Hội tập trung chỉ đạo hội viên phát triển các loại hình dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề theo hướng phát triển du lịch, góp phần thay đổi nhận thức làm du lịch cho mỗi hội viên nông dân..."
 
Xuân Vương
 
,